Multimedia Đọc Báo in

Ổn định dân di cư ở Krông Bông: Ngổn ngang nỗi lo

08:47, 11/04/2019

Huyện Krông Bông có 13 thôn với 2.452 hộ, 14.247 khẩu là người dân tộc Hmông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào, tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm.

Trong những năm qua, 3 xã này đã được đầu tư hơn 200 tỷ đồng từ các nguồn dự án để xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ vốn, giống, kỹ thuật cho đồng bào Hmông phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; tuy vậy, công tác ổn định dân di cư tự do tại đây vẫn còn nhiều khó khăn…

Hiện nay, các thôn đồng bào Hmông ở Krông Bông đều đã được đầu tư xây dựng trường học; giao thông nội vùng cơ bản được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; tỷ lệ người dân được dùng điện lưới quốc gia đạt trên 95%. Các địa phương đã được thụ hưởng nhiều dự án, đưa nhiều mô hình giúp đồng bào Hmông phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đời sống của nhiều hộ người Hmông vẫn rất khó khăn do thiếu đất sản xuất, đất đai bạc màu, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật, hiệu quả sản xuất thấp.

Chị Sùng Thị Pà (thôn Ea Uôl) có 8 đứa con gái nhưng vẫn muốn sinh thêm.
Chị Sùng Thị Pà (thôn Ea Uôl) có 8 đứa con gái nhưng vẫn muốn sinh thêm.

Do thiếu đất sản xuất nên việc phá rừng làm rẫy vẫn còn xảy ra. Trong thời gian vừa qua đã xuất hiện tình trạng một số hộ dân tộc Hmông ở Krông Bông lại tiếp tục du canh, du cư đến địa phương khác để mua đất làm rẫy. Những nơi họ đến là huyện Ea Súp, Lắk, Krông Pắc hoặc các huyện của tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Ngoài ra có gần 300 lao động thường xuyên đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Tình trạng tảo hôn, sinh con nhiều ở các thôn đồng bào Hmông vẫn diễn ra phức tạp. Không ít gia đình có đến 7- 8 đứa con. Như chị Sùng Thị Pà ở thôn Ea Uôl (Cư Pui) chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 8 đứa con và chồng còn đòi sinh cho được con trai để nối dõi. Công tác tuyên truyền, vận động thực hiện kế hoạch hóa gia đình ở các thôn này cũng gặp rất nhiều khó khăn do phong tục, quan niệm, nhận thức của người dân còn hạn chế. Chị Vương Thị Nhung, cộng tác viên dân số thôn Ea Uôl phân trần: “Việc tuyên truyền, vận động sinh đẻ kế hoạch trong thôn chưa hiệu quả. Cộng tác viên ít đến từng gia đình để vận động không phải vì phụ cấp thấp mà do mỗi lần đến tuyên truyền, vận động, tư vấn đều bị chủ nhà từ chối, thậm chí la mắng, xúc phạm”.

Nhiều gia đình người Hmông phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh.
Nhiều gia đình người Hmông phải dùng nguồn nước không hợp vệ sinh.

Một vấn đề đáng lo ngại là tình trạng phụ nữ, trẻ em người dân tộc Hmông bị lừa bán sang Trung Quốc những năm gần đây. Trên địa bàn các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Đrăm đã có hơn 20 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán sang Trung Quốc; riêng xã Cư Đrăm có hơn 15 trường hợp, trong đó đã có 8 trường hợp quay về.

Nước sinh hoạt, nhà vệ sinh ở các thôn đồng bào Hmông cũng chưa được quan tâm. Ngoài một số gia đình ở xã Cư Đrăm tự dẫn nước từ đầu nguồn về sinh hoạt, còn lại các thôn khác đều đang dùng những nguồn nước từ giếng khoan, ao hồ, sông suối. Tỷ lệ sử dụng nhà vệ sinh hợp vệ sinh trong đồng bào Hmông mới đạt chưa đến 10%. Thôn Ea Rớt (xã Cư Pui) vẫn đang trong tình trạng không đường, không điện lưới. Hằng năm mỗi xã có đến hàng chục hộ dân được hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 167 song vẫn còn trên 300 hộ đang phải ở trong những ngôi nhà hết sức tạm bợ do không có điều kiện làm nhà kiên cố. Việc xây dựng thôn văn hóa ở các địa phương này cũng rất khó khăn vì còn nhiều tiêu chí khó đạt.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Đrăm, việc ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc Hmông vẫn còn nhiều gian nan. Ngoài sự nỗ lực của địa phương và người dân, rất cần Nhà nước có thêm nhiều chính sách thỏa đáng, trong đó tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận được với nhiều nguồn vốn một cách thuận lợi hơn, tăng mức vay, kéo dài thời gian vay để họ có điều kiện phát triển kinh tế; giao đất, giao rừng cho người dân quản lý, chăm sóc giúp họ có thêm sinh kế; đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông, lâm sản tại địa phương, tạo việc làm cho lao động địa phương; nâng cao mức hỗ trợ về làm nhà ở cho người dân…

Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở các thôn đồng bào Hmông đều trên 50%, trong đó nhiều thôn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo rất cao như: thôn Ea Rớt (Cư Pui) 100% hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo; thôn Ea Uôl (Cư Pui) 83,4%; thôn Ea Luêh (Cư Đrăm) 72%; thôn Ea Khiêm và thôn Noh Prông (Hòa Phong) 61%...

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.