Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi mới trên vùng đất nghèo Ea Yiêng

09:17, 20/06/2019

Không cố bám nương rẫy với cây tiêu, cà phê trên vùng đất khô cằn, hiện nhiều nông dân ở xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắc) đã thay đổi tư duy làm nông nghiệp. Cơ hội thoát nghèo vì thế cũng rộng mở với người dân nơi đây.

Ea Yiêng là xã vùng III của huyện Krông Pắc. Theo nhiều người dân cho biết, đất ở đây chủ yếu là đất xám bạc màu, tầng dinh dưỡng thấp, khiến việc trồng các cây công nghiệp dài ngày rất khó khăn. Trồng cây ngắn ngày như ngô, sắn thì được một thời gian đất thoái hóa lại bỏ hoang. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp – Dịch vụ Ea Yiêng luôn trăn trở trước thực trạng sử dụng đất đai lãng phí, kém hiệu quả ở địa phương.

Sau khi tìm hiểu, nhận thấy xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) có thổ nhưỡng tương tự đã thành công khi đưa giống sả đỏ Java (loại sả chuyên lấy lá để chưng cất tinh dầu) vào trồng, ông đã tự bỏ chi phí, tổ chức cho gần 20 người dân trong vùng đến Ea Tir tham quan, học hỏi kinh nghiệm trồng sả. Tháng 9-2018, HTX Ea Yiêng đã bắt tay vào trồng sả trên diện tích 8 ha, với 7 hộ tham gia. Sau 3 tháng, HTX thu hoạch lứa lá đầu tiên. Lá sả sau khi thu hái được chưng cất thành tinh dầu thô để bán cho HTX Sản xuất và chế biến tinh dầu sả Tân Trào (xã Ea Tir, huyện Ea H'leo).

Đầu năm 2019, từ sự đóng góp của 12 xã viên, HTX đã khai trương lò chưng cất tinh dầu sả với tổng vốn đầu tư 200 triệu đồng. Ông Nam cho biết, cây sả có ưu điểm chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch liên tục 5 đến 6 năm liền, mỗi năm cho thu hoạch từ 5 đến 6 lần, sau khi hết tuổi khai thác lá, người dân có thể lấy củ để bán giống. Giá bán lá sả tươi là 1.500 đồng/kg và 380.000 đồng/lít tinh dầu. Cây sả đặc biệt rất phù hợp với Ea Yiêng, dễ chăm sóc, mang lại giá trị kinh tế khá ổn định, giá sả dù có giảm nhưng nhờ chi phí đầu tư thấp nên bà con vẫn có thể thu lời được quanh năm. Người nghèo nếu đi theo mô hình này thì trong khoảng 3 - 4 năm có thể thoát nghèo.

Ông Nguyễn Văn Nam chiết xuất tinh dầu sả thành phẩm ở lò chưng cất.
Ông Nguyễn Văn Nam chiết xuất tinh dầu sả thành phẩm ở lò chưng cất.

Cũng trên vùng đất khó Ea Yiêng, nông dân Trần Văn Long lại có cách nghĩ khác. Từ 3 ha vườn mít kém hiệu quả do không được chăm sóc đúng kỹ thuật trồng từ năm 2011 của người em ở buôn Kon Wang, năm 2014 ông Long mua lại để chăm sóc từ đầu. Ông đã chặt bỏ 200 cây kém hiệu quả, tiến hành chăm sóc, phòng, trị bệnh cho cây mít bắt đầu lại từ khâu cải tạo đất. Để bảo đảm đầu ra, thay vì trồng mít thông thường, dùng ăn tươi trực tiếp, ông Long còn trồng thêm giống mít chủ yếu được dùng để sấy khô.

Năm 2015, sau tìm hiểu, ông trồng thêm 380 cây mít Viên Linh, cùng với 420 cây mít Thái siêu sớm, vườn mít của ông đem lại lợi nhuận khoảng 300 – 350 triệu đồng/năm. Ông Long cho biết, giống mít Viên Linh có giá từ 12.000 - 14.000 đồng/kg, rẻ hơn mít Thái siêu sớm (20.000 đồng/kg), nhưng lại được ưa chuộng hơn trong việc chế biến thành mít sấy khô vì lượng đường trong mít này thấp hơn mít Thái, khi sấy sẽ không bị teo lại quá nhiều. Loại mít Viên Linh này hiện vẫn chưa được trồng nhiều, giá cả lại rất ổn định, vừa có thể bán trái ăn tươi vừa bán múi để sấy khô, lợi được nhiều đường.

Ông Trần Văn Long thu hoạch mít Thái siêu sớm.
Ông Trần Văn Long thu hoạch mít Thái siêu sớm.

Hy vọng những mô hình trồng sả và mít ở Ea Yiêng sẽ mở ra hướng đi mới cho người nông dân trên con đường vượt khó thoát nghèo.

Băng Châu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.