Multimedia Đọc Báo in

Kỳ vọng nhân rộng mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo

08:17, 08/06/2019
Sau nhiều năm nghiên cứu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phương Đại Nguyên (Trưởng bộ môn Sinh học, Trường Đại học Tây Nguyên) đã sản xuất thành công đông trùng hạ thảo. Đây cũng là cơ sở đầu tiên sản xuất thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo tại Đắk Lắk, đã được Bộ Y tế đánh giá chất lượng và có chứng nhận đầy đủ.
 
Hiện tại, với căn phòng hơn 10 m2 (chưa kể 3 phòng hỗ trợ từ 10 – 15 m2), mỗi năm TS Đại Nguyên vừa nghiên cứu nuôi cấy giống đông trùng hạ thảo, vừa sản xuất và thu hoạch từ 12 - 14 kg sản phẩm đông trùng hạ thảo khô; trừ chi phí, thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng. TS Đại Nguyên đã thành lập Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nguyên Đắk Lắk đưa đông trùng hạ thảo (giống Cordiceps militaris) ra thị trường với hai dòng chính là nấm đông trùng hạ thảo sấy khô và các loại rượu ngâm từ đông trùng hạ thảo.
 
Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Ophiocordyceps sinensis trên cơ thể ký chủ (ấu trùng của một vài loài bướm) vào mùa đông và nấm hấp thu dinh dưỡng bên trong của ký chủ để phát triển, đến mùa hè loài nấm này vươn cao đâm xuyên ra ngoài thân ký chủ như một loài thảo dược. Tại Việt Nam, dựa trên cơ chế sinh học được giải mã từ môi trường tự nhiên mà đông trùng hạ thảo được các nhà khoa học đưa vào nuôi trồng trong môi trường nhân tạo.
 
Theo TS Đại Nguyên, hiện nay nhiều người vẫn nghĩ rằng đông trùng hạ thảo là sản phẩm đông dược khó sản xuất, sản phẩm chỉ dành cho những người có điều kiện hoặc dùng cho các bệnh nhân khi cần thiết… Tuy nhiên, thực tế để ứng dụng nhân rộng sản xuất đông trùng hạ thảo chỉ cần các yếu tố như: nguồn giống nấm (loài Cordyceps militaris) để cấy; quy trình kỹ thuật tác động; kinh phí đầu tư hệ thống tạo môi trường nuôi cấy. Trong đó hai yếu tố quan trọng nhất, khó nhất đã được các nhà khoa học nghiên cứu thành công và chuyển giao là nguồn giống nấm, thiết kế môi trường nuôi cấy cũng như kỹ thuật tác động liên quan, người sản xuất chỉ còn lo kinh phí đầu tư.
 
PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên trong khu vực nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên trong khu vực nuôi cấy đông trùng hạ thảo.
Giống Cordyceps militaris cũng đã được TS Đại Nguyên nhân giống thành công và sẵn sàng cung cấp cho ai có nhu cầu. Việc đầu tư phòng nuôi cấy để sản xuất sản phẩm đông trùng hạ thảo cũng không phải quá lớn và chỉ đầu tư một lần, xử lý bổ sung (căn phòng 10 m2 được TS Đại Nguyên đầu tư hơn 100 triệu), thu hoạch lâu dài và hiệu quả kinh tế rất cao. 
 
Chủng nấm đông trùng hạ thảo được nuôi trồng tại cơ sở của TS Đại Nguyên có hàm lượng dược liệu trong sản phẩm rất cao, đặc biệt hoạt chất Cordycepin và Adenosine cao hơn nhiều lần (hàm lượng Cordycepin 8,75 mg/gram và Adenosine 2,09 mg/gram) so với công bố các nghiên cứu khác tại Việt Nam. Kết quả này do Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia thuộc Bộ Y tế Việt Nam phân tích ngày 17-5-2019.
 
Tuy nhiên, một vấn đề mà PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên trăn trở là hiện tại chưa có quy định cụ thể về hàm lượng các hoạt chất chủ yếu (Cordycepin và Adenosine) có trong sản phẩm đông trùng hạ thảo để đánh giá, gọi tên hoặc xếp loại (A, B, C…) cho đông trùng hạ thảo.
 
Cũng theo TS Đại Nguyên, hiện nay công nghệ làm giả đông trùng hạ thảo rất tinh vi, có thể giống thật đến 90%. Có ba cách nhận biết để phân biệt đông trùng hạ thảo giả và thật: nhận biết sơ bộ dựa vào màu sắc, mùi nấm, vị nấm, hình dạng nấm (đông trùng hạ thảo thật thì dạng nấm sợi có màu vàng cam, mùi thơm nhẹ hơi tanh, vị ngọt thanh nhẹ; khi cho nấm vào nước hay rượu, nấm sẽ có màu vàng cam trong suốt rất đẹp; đặc biệt khi tiếp xúc với ánh sáng trực tiếp, nấm sẽ nhạt màu dần, nấm để lâu ngày có màu bạc trắng. Vị nấm đông trùng hạ thảo thật khi nhai cảm nhận nhai càng lâu thì càng thơm trong miệng; còn sản phẩm giả khi nhai cảm thấy cứng và bị dính răng có cảm giác giống như bột).
 
Cách thứ hai là bằng phương pháp thực nghiệm, nhận biết bằng kính hiển vi (khi cắt sợi đông trùng hạ thảo soi dưới kính hiển vi thấy được cấu tạo bởi cấu trúc hệ sợi; còn đông trùng hạ thảo giả được cấu tạo bởi các dạng tinh thể). Cách thứ ba là phân tích hoạt chất của nấm (nấm đông trùng hạ thảo thật có đầy đủ các hoạt chất dược liệu đã được công bố mà đông trùng hạ thảo giả không có).
 
Mong muốn của PGS.TS Nguyễn Phương Đại Nguyên là có thể nhân rộng mô hình sản xuất đông trùng hạ thảo tại Đắk Lắk nhằm tăng sản lượng sản phẩm đông trùng hạ thảo thật, chất lượng, giảm giá thành đầu ra để mọi người dân dễ tiếp cận sản phẩm. Ông khẳng định sẵn sàng mở rộng đào tạo, tư vấn và phát triển quy trình nuôi trồng đến người có nhu cầu, góp phần tạo sự cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp, bình ổn giá sản phẩm đông trùng hạ thảo trên thị trường Việt Nam.
 
Cẩm Lai
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.