Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: Nỗ lực vực dậy ngành hồ tiêu

08:58, 28/08/2019

Ea H’leo là một trong những huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn do giá tiêu "lao dốc", dịch bệnh hoành hành... Trước thực tế này, chính quyền cùng nhân dân địa phương xác định, đây là cơ hội “vàng” để tái cơ cấu cây hồ tiêu theo hướng bền vững và hiệu quả.

Gia đình bà H’Tuyết Kpă (buôn Kdruh, xã Ea Nam) từng ăn nên làm ra nhờ cây tiêu, nhưng 3 năm nay không dư được đồng nào, thậm chí phải bù lỗ. Nhà bà H’Tuyết có hơn 1 ha tiêu trên 10 năm tuổi, thời hoàng kim, cây tiêu phát triển tươi tốt, ít bị sâu bệnh, cứ tới vụ là thu hơn 5 - 6 tấn tiêu khô. Với giá bán dao động từ 150 - 160 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà H’Tuyết lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Thế nhưng từ năm 2017, giá tiêu bắt đầu giảm mạnh cho tới nay chỉ còn dưới 50 nghìn đồng/kg.Chưa hết, cây tiêu bị bệnh chết chậm khiến vườn tiêu bị chết một nửa vào năm 2018. Bà nhổ bỏ tiêu chết, phơi đất hơn một năm mới trồng lại nhưng cây vẫn chết tiếp. Hiện, bà chỉ tập trung đầu tư vào những trụ tiêu còn sống, phần đất trống thì trồng xen bơ, sầu riêng.

Vườn tiêu nhà bà H’ Tuyết Kpă bị bệnh chết chậm.
Vườn tiêu nhà bà H’ Tuyết Kpă bị bệnh chết chậm.

Từ khi cây tiêu mất ngôi vị số 1, ông Nguyễn Văn Chung (thôn 3, xã Ea Ral), người có hơn 20 năm gắn bó với cây tiêu luôn tìm cách “sống chung với lũ”. Thường xuyên theo dõi thông tin thời sự về cây tiêu, ông Chung nhận thấy đã đến lúc phải thay đổi tư duy, phương thức canh tác. Ông chọn con đường sản xuất hồ tiêu hữu cơ làm “chìa khóa” thay đổi phương thức sản xuất.

Năm 2016, ông bắt tay cải tạo lại vườn tiêu hơn 2 ha bằng cách ngưng dùng phân bón, thuốc hóa học; xây dựng hệ thống mương thủy lợi điều tiết nước; trồng cây muồng và dùng lưới B40 vây quanh vườn; đào và khoan 4 giếng để chủ động nguồn nước sạch. Nhờ kết nối với Công ty TNHH Hồ tiêu Việt (TP. Hồ Chí Minh) ông Chung được tư vấn kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm. Trước ngày thu hoạch, đại diện công ty xuống vườn lấy mẫu lá, hạt về kiểm tra chất lượng; tiêu phơi khô xong thì kiểm tra hàm lượng, độ ẩm trong hạt một lần nữa.

Chấp nhận 2 năm chăm theo tiêu chuẩn hữu cơ nhưng bán giá đại trà, năm 2018 ông Chung đã bán được 5 tấn tiêu với giá 90 nghìn đồng/kg (gần gấp đôi so với giá thị trường). Trồng tiêu hữu cơ rất vất vả, chi phí đầu tư cao, năng suất thấp hơn trồng truyền thống song ông Chung không e ngại bằng rào cản ở khâu tiếp cận vốn, kỹ thuật và đầu ra sản phẩm.

Ông tâm sự, vốn ưu đãi chỉ dành cho những diện tích trồng tiêu mới nên những người đã có vườn sẵn không thể vay; người dân chưa được hướng dẫn, nắm thông tin chính thống về các sản phẩm phân bón, thuốc sinh học được dùng; đầu ra sản phẩm còn bấp bênh vì còn phụ thuộc vào công ty tư nhân... Năm 2018, ông Chung đứng ra thành lập Hợp tác xã tiêu hữu cơ Hồ tiêu Việt, có 12 xã viên tham gia, với hơn 20 ha hồ tiêu. Hiện 2 xã viên đã rời HTX do những rào cản nêu trên không được tháo gỡ.

Ông Nguyễn Văn Chung (thôn 3,  xã Ea Ral) sản xuất  hồ tiêu  hữu cơ.
Ông Nguyễn Văn Chung (thôn 3, xã Ea Ral) sản xuất hồ tiêu hữu cơ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Ea H’leo, toàn huyện hiện có hơn 7.000 ha hồ tiêu, trong đó hơn 1.700 ha đã chết, chủ yếu vào năm 2018 do thời tiết bất lợi, mưa lớn kéo dài gây ngập úng (chiếm khoảng 50%), còn lại do tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm và phần ít diện tích đất bị thoái hóa, vườn tiêu già cỗi.

Trước tình trạng này, Phòng đã vận động người dân nhổ bỏ diện tích tiêu bị dịch bệnh, kiên quyết không mở rộng diện tích, chuyển những diện tích đất không phù hợp sang trồng cây khác; khuyến cáo người dân áp dụng quy trình sản xuất hồ tiêu được Bộ NN-PTNT ban hành, khuyến khích nhà nông liên kết sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hồ tiêu hữu cơ.

Đặc biệt, để khôi phục, vực dậy ngành sản xuất hồ tiêu, Phòng đang tích cực đề xuất UBND huyện bố trí kinh phí triển khai các mô hình trình diễn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, canh tác hồ tiêu bền vững... từ đó nhân rộng trong nhân dân nhằm thực hiện có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Trước thực trạng người trồng tiêu bị thiệt hại nặng do giá thấp và dịch bệnh, huyện Ea H'leo đã kiến nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan xem xét hỗ trợ nông dân, nhất là những hộ gia đình khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số... khắc phục thiệt hại; các ngân hàng có cơ chế hỗ trợ người dân đã vay vốn trồng tiêu bằng các hình thức như khoanh nợ, gia hạn thời gian trả nợ hoặc tiếp tục cho vay tái đầu tư...

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.