Multimedia Đọc Báo in

Hiện hữu nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp (Kỳ 1)

08:36, 06/04/2020

Mùa khô năm nay tuy không gay gắt, khốc liệt như những năm 2012, 2014 và 2016, nhưng tình trạng thiếu nước tưới cho các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh hiện đang diễn ra cục bộ tại nhiều địa phương và có nguy cơ lan ra khắp toàn vùng trong thời gian tới nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng.    

Kỳ 1: Suối khô, hồ cạn

Theo Sở NN - PTNT, đến nay có không ít con suối, hồ đầm trên địa bàn tỉnh đã kiệt nước. Tại các huyện Lắk, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng, Krông Pắc, Cư M’gar, Ea Súp, Ea H’leo và thị xã Buôn Hồ… mực nước tích trữ trong các hồ đập cũng như nguồn nước mặt trên nhiều sông suối đã không phát huy năng lực tưới tiêu được nữa, thậm chí trơ đáy từ giữa tháng 2-2020 khi hàng vạn nông hộ đua nhau vét tưới cho cà phê, sầu riêng, bơ và các loại cây trồng cạn khác. Các công trình thủy lợi cũng đang lâm vào cảnh “thiếu trước hụt sau” do mực nước quá thấp so với các năm trước.

Một số sông suối trên địa bàn huyện Krông Bông đã cạn nước.  Ảnh: Công Lý
Một số sông suối trên địa bàn huyện Krông Bông đã cạn nước. Ảnh: Công Lý

Thống kê mới nhất của Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho thấy có ít nhất 34 công trình thủy lợi nhỏ và vừa tại các địa phương trên đã rơi vào mực nước chết, số còn lại chỉ duy trì ở mức 40 – 60% lượng nước so với dung tích thiết kế. Với tình hình nắng nóng như hiện nay tiếp tục kéo dài đến hết tháng 4, chắc chắn mực nước tiếp tục giảm nhanh, chỉ còn khoảng 30 – 40% khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở các địa phương trên gặp rất nhiều khó khăn. Theo Sở NN - PTNT, vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh có gần 300.000 ha cây trồng cần tưới nước, nhưng đến thời điểm cuối tháng 3 đã có hơn 30.000 ha cây trồng (chủ yếu là lúa, cà phê và hoa màu) bị khô hạn, dự báo năng suất, sản lượng có thể giảm 50%. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên nếu như thời gian tới không có mưa. Các huyện Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp… là những địa phương gánh chịu nhiều thiệt hại nhất trong mùa khô năm nay.

"Riêng diện tích cà phê ở Đắk Lắk không có nước để tưới cho đợt 3 và 4 lên tới hơn 80.000 ha, tập trung tại các huyện Buôn Đôn, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông và thị xã Buôn Hồ… Mức độ thiệt hại do hạn hán trên toàn vùng chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, nếu như chính quyền địa phương không đưa ra kịp thời giải pháp chống hạn quyết liệt, thường xuyên và kịp thời".  (Báo cáo của Sở NN - PTNT)

Trung tâm Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên cảnh báo, do lượng mưa trong năm 2019 khá thấp, trung bình từ 1.200 –  1.500 mm trên toàn vùng, cộng thêm tác động bất lợi từ biến đổi khí hậu, rõ nét là mùa mưa đến muộn và kết thúc sớm nên nguồn nước mặt được tích trữ trong các hồ, đập cũng như lưu lượng nước trên các sông suối đều ở mức rất thấp (khoảng 60 – 70%) so với cùng kỳ nhiều năm. Vì thế, so với nhu cầu nước tưới cho hàng chục vạn héc-ta cây trồng các loại và nước sinh hoạt phục vụ cho người dân trên địa bàn thì nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 60%. Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng hơn trong tháng 4 tới,  ảnh hưởng nhiều hơn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt nói chung của người dân.

Đập thủy lợi Yatu, xã Buôn Triết, huyện Lắk kiệt nước.   Ảnh: Công Lý
Đập thủy lợi Yatu, xã Buôn Triết, huyện Lắk kiệt nước. Ảnh: Công Lý

Ông Trần Thế Hoan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chia sẻ: Những năm gần đây lượng nước tích trữ trong các hồ, đập luôn đạt mức thấp, trung bình khoảng 325 triệu m3 so với năng lực thiết kế là hơn 600 triệu m3. Mùa khô năm nay cũng vậy, lượng nước trong 340 công trình thủy lợi do đơn vị quản lý cũng giảm gần một nửa so với trung bình nhiều năm trước đây. Đến nay, các hồ chứa vừa và lớn có dung tích chứa từ vài chục triệu mét khối trở lên trên địa bàn tỉnh như hồ Buôn Triết, Jatu (huyện Lắk); hồ Suối Hai, Buôn Hằng 1 (Krông Pắc); Ea Súp Hạ, Ea Súp Thượng (huyện Ea Súp), Krông Buk Hạ (Krông Pắc), Ea Ral (Ea H’leo), Yang Reh (Krông Bông)… lượng nước chỉ còn phổ biến từ 30 – 70% dung tích thiết kế. Ngoài ra, có khoảng 1/3 trong tổng số hơn 780 hồ nhỏ, đập dâng trên địa bàn tỉnh dự báo cũng sẽ rơi vào mực nước chết trong thời gian tới.

Đến lúc đó, tình hình khô hạn ở Đắk Lắk mới thực sự nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ do phải hứng chịu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu toàn cầu mà Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên đã dự báo.

(Còn nữa)

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.