Multimedia Đọc Báo in

Thêm chính sách hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19

08:50, 09/11/2020

Ngày 19-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 154).

Với lãi suất 0%/năm, thủ tục đơn giản, chính sách này sẽ hỗ trợ kịp thời các đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Người lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột).
Người lao động đang làm việc tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân An 1 (TP. Buôn Ma Thuột).

Nội dung quan trọng nhất của Nghị quyết 154 là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện cho vay đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính để trả lương ngừng việc cho người lao động. Đối tượng thụ hưởng chính sách chủ yếu là người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục dân lập, tư thục nghỉ việc không lương từ 1 tháng trở lên do cơ sở không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương.

Theo đó, khách hàng được xét duyệt cho vay khi có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên trong khoảng thời gian từ 1-4-2020 đến hết ngày 31-12-2020, có doanh thu quý I-2020 giảm 20% trở lên và không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31-12-2019. Theo quy định, mức cho vay tối đa 1 tháng của 1 khách hàng bằng 50% mức lương tối thiểu vùng nhân số người lao động bị ngừng việc, được vay tối đa 3 tháng, với lãi suất 0%/năm, thời gian vay không quá 12 tháng và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 9.000 doanh nghiệp, đa phần có quy mô vừa và nhỏ. Do dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng nên đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn vì không có thu nhập. Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập (có 75 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 4 trường THPT – phổ thông nhiều cấp học và 1 trường đại học, trong đó 87% tập trung tại TP. Buôn Ma Thuột), đầu năm 2020 học sinh phải nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên nhiều đơn vị gặp khó khăn trong việc trả lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên, người lao động.

Giáo viên Trường THCS - THPT Đông Du hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: Lan Anh
Giáo viên Trường THCS - THPT Đông Du hướng dẫn học sinh học bài. Ảnh: Lan Anh

Để chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống, ngày 30-10 UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết 154 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với NHCSXH trong việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc kiểm tra, rà soát và thực hiện quy trình, thủ tục cho vay; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể tăng cường tuyên truyền chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; đồng thời, kiểm tra, giám sát bảo đảm việc thực hiện chính sách đúng quy định, công khai, minh bạch và không để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đối với NHCSXH đã triển khai đầy đủ chính sách hỗ trợ vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động đến các phòng giao dịch cấp huyện; đồng thời làm việc với các sở, ngành nắm bắt việc bố trí và tình hình sử dụng lao động. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đã cử cán bộ trực tiếp gặp người sử dụng lao động tại các trường học để tuyên truyền, phổ biến chính sách, khách hàng có nhu cầu vay vốn sẽ được hướng dẫn lập hồ sơ nhanh chóng, kịp thời. Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Hướng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho NHCSXH 16.000 tỷ đồng để thực hiện cho vay theo Nghị quyết 154. Hồ sơ, thủ tục vay vốn rất đơn giản, điều kiện vay được nới lỏng, người vay chỉ cần kê khai chính xác về số lao động ngừng việc, doanh thu mà không cần phải có xác nhận của UBND tỉnh và hồ sơ được giải quyết không quá 5 ngày.

Nghị quyết 154 của Chính phủ là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp cận nguồn tín dụng chính sách để tháo gỡ khó khăn về tài chính, bảo đảm đời sống cho người lao động.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.