Multimedia Đọc Báo in

Đắk Lắk đã sẵn sàng bước vào "xa lộ" EVFTA (Kỳ 2)

06:25, 30/12/2020

Kỳ 2: Kỳ vọng đổi mới và bứt phá

Việc thực thi Hiệp định EVFTA tuy có nhiều thách thức nhưng cũng đã mở ra nhiều cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp (DN) Đắk Lắk đổi mới, bứt phá, tự tin bước vào sân chơi lớn.

Chủ động hội nhập

EVFTA là Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, được thực thi trong bối cảnh quan hệ thương mại toàn cầu có những thay đổi. Việt Nam đang là điểm đến uy tín, được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm.

Theo đó, nhiều DN Đắk Lắk đã chủ động chuẩn bị cho lộ trình hội nhập, trong đó phải kể đến Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk). Là DN chuyên kinh doanh, xuất khẩu các mặt hàng cà phê, hồ tiêu và một số nông sản trên địa bàn Tây Nguyên, Simexco Đắk Lắk cơ bản nắm bắt được các nhu cầu thị trường. Trong đó, châu Âu là thị trường khó tính đòi hỏi nghiêm ngặt tiêu chuẩn sản phẩm, liên quan đến hàng rào kỹ thuật nên doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị khá bài bản trong việc tổ chức sản xuất từ liên kết vùng nguyên liệu đến chế biến thành phẩm, bảo đảm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường sản xuất.

Sản phẩm bơ booth của Đắk Lắk tham gia Hội chợ thương mại khu vực Tây Nguyên.
Sản phẩm bơ booth của Đắk Lắk tham gia Hội chợ thương mại khu vực Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Dự án cà phê bền vững, Công ty Simexco Đắk Lắk cho biết, cùng với việc đưa ra các cảnh báo giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân thay đổi thói quen sản xuất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, công ty đã liên kết chặt chẽ với hàng trăm hộ nông dân, hướng dẫn, hỗ trợ sản xuất cà phê, hồ tiêu đáp ứng theo yêu cầu thị trường và thu mua sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu, trong đó có thị trường châu Âu (EU). Do vậy, Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì các rào cản kỹ thuật, những đòi hỏi đặt ra từ thị trường EU đã không còn là vấn đề quá khó với đơn vị.

 

EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu".

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam Nguyễn Văn Thân, EU là thị trường đặc biệt coi trọng xuất xứ hàng hóa, nhưng đây lại là vấn đề DN Việt Nam chưa chú trọng. Ngoài ra, dù cơ chế đang tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho DN thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo cụm liên kết, tham gia chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, Nhà nước nên tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn về chính sách, như tín dụng, thuế, hải quan, tháo gỡ các rào cản cho DN cạnh tranh, phát triển. Và để tận dụng tối đa các cơ hội mà EVFTA mang lại, đồng thời thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của EVFTA, DN cần lưu ý để có chiến lược, kế hoạch và hành trang sẵn sàng cho sự phát triển của mình trong điều kiện thị trường và bối cảnh thương mại mới.

"Sức khỏe" doanh nghiệp: Tiêu chuẩn vàng

Với kinh nghiệm xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan nhiều năm, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái đã không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác bao bì cũng như sớm chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc thông tin chất lượng để phát triển sản phẩm tại thị trường EU, nhất là khi Hiệp định EVFTA mở ra. Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển cà phê An Thái cho biết: “Đây là cơ hội để DN bước vào thị trường khó tính hơn, tuy nhiên chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn bởi các DN cà phê trên thế giới mạnh hơn mình rất nhiều. Chính vì thế chúng ta đang phải chiến đấu với những “gã khổng lồ”. Trong những năm qua doanh nghiệp phải liên tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động và đặc biệt chú trọng chất lượng để đáp ứng nhu cầu hội nhập”.

Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber tham gia thử nếm tại lớp tập huấn về thử nếm cà phê cho nông dân do Simexco Đắk Lắk tổ chức.
Ngài Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sĩ tại Việt Nam Ivo Sieber tham gia thử nếm tại lớp tập huấn về thử nếm cà phê cho nông dân do Simexco Đắk Lắk tổ chức.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch thực thi EVFTA hồi đầu tháng 8-2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá: Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, EVFTA dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các DN Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU thêm khoảng 42% vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định. Tuy nhiên, EU luôn là một thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.

Chính vì vậy, để bước vào thị trường rộng lớn nhưng khó tính với nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe như EU, ngoài sự hậu thuẫn từ các cơ quan quản lý nhà nước, thì việc DN không ngừng đổi mới, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng dấn thân và tự tin bước vào sân chơi mới chính là yếu tố quyết định. Bởi chỉ có chủ động hợp tác, thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất để hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến và phân phối đảm bảo chất lượng sản phẩm mới đáp ứng các yêu cầu chặt chẽ của EVFTA và tiêu chuẩn cao của EU.

(Còn nữa)

Lê Hương – Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.