Multimedia Đọc Báo in

Cầu đường hư hỏng sau mưa lũ: Nguy cơ cao mất an toàn giao thông

06:19, 25/03/2021

Đợt mưa lớn kéo dài vào cuối năm 2020 khiến một số công trình giao thông trên địa bàn huyện Ea Kar bị hư hỏng nặng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các công trình này mới được sửa chữa tạm thời khiến việc đi lại hết sức khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cuối tháng 11-2020, cầu đá thôn 21, xã Cư Bông bị lũ cuốn trôi, gây chia cắt trong thời gian dài. Cầu nằm trên đường liên xã Cư Bông – Cư Yang – Ea Ô – Ea Păl - đây là tuyến đường chính nối trung tâm xã đến các thôn 20, 21, 22, 23 và buôn Trưng của xã Ea Bông với khoảng 500 hộ dân sinh sống và có nhiều điểm trường học. Do đó, nhu cầu đi lại hằng ngày, giao thương hàng hóa, vận chuyển nông sản của người dân địa phương và vùng lân cận rất cao.

Sạt lỡ khu vực cống tràn trên đường Nguyễn Đình Thi (tại tổ dân phố 8, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar).
Sạt lỡ khu vực cống tràn trên đường Nguyễn Đình Thi (tại tổ dân phố 8, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar).

Anh Đỗ Anh Tuấn, người dân có nhà ở cạnh cầu đá thôn 21 chia sẻ, nhà anh mở xưởng sửa chữa ô tô, máy móc gần 13 năm nay, nhà nằm trên trục đường chính nên lượng khách hàng ổn định. Cuối năm vừa rồi, cầu bị nước cuốn trôi, máy móc đưa đến sửa chữa ít, nhiều ngày phải đóng cửa do không có khách. Sau hơn một tháng, cầu đá được sửa chữa tạm thời, hoạt động kinh doanh của gia đình trở lại bình thường. Song anh Tuấn cảm thấy lo lắng vì hiện tại cầu mới chỉ được chính quyền địa phương khắc phục tạm thời, mùa khô việc đi lại không bị ảnh hưởng, còn khi mùa mưa nước khu vực cầu dâng cao khó tránh khỏi sụt lún, thậm chí có khi lại bị cuốn trôi như cuối năm ngoái.

Còn chị Nguyễn Ngọc Hà (ngụ thôn 20, xã Cư Bông) cũng bày tỏ, nhà chị gần khu vực cầu, mỗi lần mùa mưa đến là cảm thấy lo lắng, nước mưa dâng lên sát mặt đường, việc đi lại qua đoạn này rất nguy hiểm. Tuy thế, chưa năm nào cầu bị nước cuốn phăng như trận lũ cuối năm 2020, gây chia cắt cả tháng mới khắc phục được. Giờ mùa khô đi qua đoạn này thấy bình thường, nếu gặp những ngày mưa lớn chắc chị không dám qua lại khu vực cầu.

Ông Võ Đăng Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bông cho hay, cầu đá thôn 21 được làm và đưa vào sử dụng gần 20 năm nay. Cầu nằm trên tuyến đường trung tâm xã, ở phía bên kia cầu đất sản xuất, canh tác chiếm 50% diện tích sản xuất toàn xã với khoảng 2.000 ha cây trồng các loại, đồng thời là khu vực tái định canh, tái định cư của Dự án Hồ chứa nước Krông Pách thượng nên nhu cầu đi lại rất cao. Sau đợt lũ cuốn trôi cầu vào cuối năm ngoái, xã Cư Bông đã đề xuất huyện khắc phục, sửa chữa nhưng mới chỉ khắc phục tạm thời để bà con đi lại, về lâu dài thì cần phải xây dựng kiên cố mới bảo đảm an toàn, đáp ứng giao thương cho người dân địa phương và vùng lân cận.

 
Trên địa bàn huyện có 44 cầu dân sinh, trong đó có 17 cầu đi lại rất khó khăn, mặt cầu chủ yếu làm bằng gỗ tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt vào mùa mưa".
 
Ông Phạm Quang Tân, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar

Tương tự, tại cống qua khe hợp thủy trên đường Nguyễn Đình Thi (tổ dân phố 8, thị trấn Ea Knốp) bị sạt lở rất nghiêm trọng. Quan sát thực tế cho thấy, phần lớn kè đá bên trái cống tràn (theo hướng từ khu vực trung tâm thị trấn) đi vào bị nước lũ cuốn trôi để lại một hố lõm. Thêm vào đó, mặt đường ở vị trí này nhỏ, phía dưới có khe suối sâu nên độ chênh giữa đường và khe rất lớn, trường hợp nếu không may bị té ở vị trí này sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng.

Ông Tạ Quang Khấn (tổ dân phố 8, thị trấn Ea Knốp) phàn nàn, ông làm dịch vụ thu gom rác ở xã Ea Đar nên hằng ngày dậy từ 4 giờ sáng, mỗi lần qua đoạn sạt lở là phải nhìn đường thật kỹ, điều khiển xe thật chậm, chứ không lỡ trượt xe thì khó lường được rủi ro xảy ra. Đây là con đường duy nhất để người dân có nhà ở các khóm 5, 6 và 7 thuộc tổ dân phố 8 ra khu vực trung tâm nên dù biết nguy hiểm nhưng hằng ngày vẫn phải lưu thông. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa qua đây là “thót tim” vì sợ té. Hằng năm, vào mùa mưa, nước tràn lên mặt đường, chính quyền địa phương phải cắt cử lực lượng canh gác không cho người, phương tiện qua lại khu vực này để đảm bảo an toàn. Hiện tại, gần 4 tháng trôi qua, nhưng vị trí này vẫn chưa được khắc phục, hàng trăm hộ dân phía bên kia con đường hằng ngày vẫn mong đợi công trình sớm được sửa chữa để yên tâm đi lại, sản xuất.

Cầu đá thôn 21, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) mới chỉ được sửa chữa tạm thời.
Cầu đá thôn 21, xã Cư Bông (huyện Ea Kar) mới chỉ được sửa chữa tạm thời.

UBND huyện Ea Kar đã có tờ trình đề nghị tỉnh xem xét đầu tư làm mới cầu đá thôn 21 xã Cư Bông với kinh phí dự kiến 11 tỷ đồng, còn đối với cống tràn trên đường Nguyễn Đình Thi thuộc tổ dân phố 8 (thị trấn Ea Knốp) hiện thị trấn cũng đã đề nghị phân bổ kinh phí sửa chữa, bảo đảm an toàn cho người dân và phương tiện lưu thông qua đây.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.