Multimedia Đọc Báo in

Chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản: Khi doanh nghiệp, người dân đồng lòng

08:17, 13/07/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, một số loại nông sản của nông dân đang vào mùa thu hoạch, nhưng lại rất khó tiêu thụ.

Để góp phần giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân trong việc tiêu thụ nông sản mùa dịch, các cơ quan, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động vào cuộc, triển khai nhiều hoạt động thiết thực.

Nỗ lực khơi thông "dòng chảy" hàng hóa, lần đầu tiên, ngoài nhiệm vụ chuyên môn là kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đắk Lắk đảm nhận thêm nhiệm vụ đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang.

Theo ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục QLTT Đắk Lắk, đơn vị đã chủ động liên kết với đầu mối tiêu thụ vải tại huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và mở các điểm bán hàng lưu động, kết nối với các siêu thị, trung tâm thương mại, ban quản lý chợ đầu mối, doanh nghiệp, đoàn thể ở Đắk Lắk… bán hàng giúp bà con nông dân vùng dịch. Nỗ lực trên đã mang về kết quả tích cực, từ ngày 12 đến 29-6, Cục QLTT Đắk Lắk và Bưu điện tỉnh đã kết nối tiêu thụ thành công hơn 177 tấn vải thiều của nông dân Bắc Giang. Việc vận chuyển vải thiều được thực hiện nghiêm ngặt các khâu kiểm dịch, khử khuẩn trước khi đến tay người tiêu dùng. Vải vận chuyển về theo từng đợt để bảo đảm không làm ảnh hưởng đến chất lượng, hàng về đến đâu được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh ủng hộ tiêu thụ hết đến đó.

Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê bán vải thiều giúp nông dân tỉnh Bắc Giang.
Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê bán vải thiều giúp nông dân tỉnh Bắc Giang.

Trong đợt này, nhiều doanh nghiệp tích cực vào cuộc, tham gia kết nối bán hàng không lợi nhuận hỗ trợ nông dân vùng dịch. Tiêu biểu như Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê huy động nhân lực, tình nguyện tham gia hai điểm bán vải thiều tại cửa hàng của công ty (số 316 Phan Bội Châu, phường Thành Công và số 1 Ama Khê, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột). Đồng thời, doanh nghiệp này còn cập nhật thông tin, bán hàng trên trang mạng xã hội và nhận đơn hàng qua số điện thoại hotline tại các cửa hàng cố định. Hàng được giao tận nhà, miễn phí vận chuyển từ thành phố đến các huyện, thị xã cho khách có nhu cầu. Ông Võ Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thực phẩm Nụ cười Ban Mê cho hay, công ty đã kết nối với Cục QLTT tổ chức ba đợt bán, với số lượng 8 tấn vải thiều cho nông dân tỉnh Bắc Giang. Để thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường Đắk Lắk, trong đợt đầu tiên, với 2 tấn vải, cứ mỗi ký vải bán ra, công ty chấp nhận bù thêm 5.000 đồng để hạ giá bán xuống với mong muốn là nhiều người dân trong tỉnh biết đến và chọn mua vải thiều.

Thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh cũng đã phát động chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản và đạt hiệu quả cao. Hội đã kêu gọi cán bộ, hội viên nông dân các cấp đồng hành cùng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân trong tỉnh, đồng thời tuyên truyền, giới thiệu, tiêu thụ giúp nông sản cho nông dân ngoài tỉnh.

Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức bán bí đỏ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong tỉnh.
Hội Nông dân tỉnh Đắk Lắk tổ chức bán bí đỏ, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trong tỉnh.

Các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp đang gặp khó khăn về đầu ra do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như: bí đỏ, xoài, dưa lưới (Đắk Lắk), hành tím, tỏi (Sóc Trăng), khoai lang tím (Đồng Tháp), vải thiều (Bắc Giang)… Thống kê đến thời điểm hiện tại, các gian hàng của Hội Nông dân tỉnh và hội nông dân các huyện đã tiêu thụ được trên 40 tấn bí đỏ, 5 tấn dưa lưới, 17 tấn hành tím, 2 tạ tỏi, 5 tấn khoai lang tím. Ngoài ra, hội nông dân các cấp đã phối hợp với Cục QLTT Đắk Lắk, Bưu điện tỉnh tiêu thụ gần 40 tấn vải thiều (Bắc Giang). Theo bà Lại Thị Loan, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ở chiều ngược lại, những ngày này, bí đỏ của nông dân Đắk Lắk cũng gặp khó khăn khâu đầu ra. Đồng hành với nông dân, các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động liên hệ, giới thiệu doanh nghiệp các tỉnh phía Nam thu mua, tiêu thụ trên 100 tấn bí đỏ của nông dân Đắk Lắk. Qua đó đã lan tỏa tinh thần sẻ chia, giúp nông dân vơi bớt khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến việc thông thương hàng hóa bị xáo trộn, sản xuất bị đình trệ, có thể nói, chương trình kết nối tiêu thụ nông sản càng có ý nghĩa lớn. Điều này không chỉ phát huy vai trò của cơ quan, tổ chức hội, đoàn thể trong việc chung tay cùng hệ thống chính trị đồng hành, kết nối tiêu thụ nông sản an toàn mà còn thể hiện tấm lòng sẻ chia của người dân, của doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung sức giúp bà con nông dân trong thời điểm khó khăn này.

Đỗ Lan


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.