Multimedia Đọc Báo in

Chiến dịch Thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh 2011”: Những gia đình nuôi quân tiêu biểu

10:23, 02/08/2011
Cùng làm nên thành công của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh 2011” ngoài lực lượng chủ công là các chiến sĩ tình nguyện, sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị còn có vai trò góp sức của các gia đình ở những buôn làng tổ chức Chiến dịch. Họ được vinh danh là những gia đình nuôi quân tiêu biểu không chỉ bởi sự giúp đỡ về nơi ăn chốn ở mà còn bởi tấm lòng, tình cảm, nhiệt huyết cùng tuổi trẻ xung kích vì cuộc sống cộng đồng và an sinh xã hội.

  Đem con gửi hàng xóm để nhường chỗ cho chiến sĩ tình nguyện

Ông Ksor Y Lượng

 Gia đình ông Ksơr Y Lượng (buôn Treng, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo)  có tổng cộng 5 khẩu, gồm hai vợ chồng ông và ba cô con gái sống trong căn nhà chỉ hơn 25m2. Vậy nhưng, khi nghe tin có sinh viên tình nguyện Mùa hè xanh về buôn, ông đã xung phong nhận nuôi gần chục chiến sĩ. Do “quân số” quá đông so với diện tích căn nhà, vợ chồng ông đã bố trí cho hai con gái lớn, đứa 13 tuổi ngủ nhờ nhà hàng xóm, còn đứa 11 tuổi ngủ nhờ nhà bà ngoại; riêng vợ chồng ông và cô con gái út 7 tuổi thì dọn xuống nhà bếp ngủ, để dành trọn gian nhà trên cho các chiến sĩ tình nguyện. Dù rất bận rộn với công việc đồng áng nhưng vợ chồng ông luôn dành thời gian trò chuyện, cùng nấu nướng và ăn chung với các chiến sĩ. Đặc biệt, khi các sinh viên tình nguyện đề nghị được cùng gia đình làm một số công việc ruộng rẫy, ông đã cương quyết từ chối và đề nghị dành thời gian giúp đỡ những gia đình chính sách, neo đơn, khó khăn hơn.

Ông Ksơr Lượng tâm sự: “Sinh viên tình nguyện về giúp đỡ đồng bào là quý lắm rồi. Là người địa phương nên tôi thấy mình cần làm một việc gì đó để chia sẻ và cảm ơn các chiến sĩ. Mùa hè xanh năm tới, nếu chiến dịch tiếp tục tổ chức tại đây, dù đông đến mấy tôi cũng sẵn sàng nhận nuôi các chiến sĩ tình nguyện”.

  “Mình cảm thấy hạnh phúc khi được nuôi các chiến sĩ tình nguyện”

Ông Đoan Niê

Đó là lời khẳng định chắc nịch của ông Đoan Niê, buôn Kmăl, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana khi nói về việc gia đình ông đã nhận nuôi 20 chiến sĩ tình nguyện trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh 2011”.

Vợ chồng ông Đoan Niê đã lớn tuổi (ông 75 tuổi, còn vợ - trên  50 tuổi), trong khi đó, ruộng rẫy không nhiều nên cuộc sống cũng chẳng dư dả gì. Thế nhưng, gia đình ông là một trong những hộ có thành tích về việc nuôi quân của các Chiến dịch thanh niên tình nguyện Mùa hè xanh hằng năm. Riêng trong Chiến dịch Thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh 2011”, gia đình ông nhận nuôi đến 20 chiến sĩ là sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên. Các chiến sĩ tình nguyện cho biết, gia đình ông rất chu đáo trong mọi việc. Ngay khi vừa đặt chân đến địa bàn, các bạn đã được ông đến đón và đưa về tận nhà. Và càng cảm động hơn khi thấy mọi vật dụng trong cả gian nhà dài đã được ông sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp nhằm tạo chỗ ăn ở sinh hoạt rộng rãi thoáng mát cho các chiến sĩ tình nguyện. Ngoài ra, vợ chồng ông và các con cũng dành nhiều thời gian để trò chuyện, giới thiệu cho các chiến sĩ một số phong tục, tập quán chủ yếu của đồng bào. Nhờ đó, khoảng cách lạ lẫm giữa gia đình và các chiến sĩ đã nhanh chóng “biến mất” ngay trong ngày đầu tiên.

Gặp chúng tôi tại Lễ hội quân kết thúc Chiến dịch Thanh niên tình nguyện “Mùa hè xanh 2011”, ông Đoan Niê kể: Hôm chia tay nhau, vợ con ông và các chiến sĩ tình nguyện ôm nhau khóc đến đỏ cả mắt. “Từ mai, căn nhà sẽ trở nên trống vắng vì thiếu mấy đứa áo xanh (chiến sĩ tình nguyện - PV). Hy vọng năm tới gia đình lại có cơ hội được nhận nuôi bọn chúng”, ông luyến tiếc.

“Sinh viên tình nguyện là con cháu của mình”

Ông Ma Duyên Hải

 “Chưa bao giờ nhà mình có nhiều con cháu về tập trung đông như thế!” - Ma Duyên Hải, thôn Xuân Lãng 2, xã Ea Đah, huyện Krông Năng hồ hởi và trìu mến gọi các chiến sĩ tình nguyện là con cháu của mình. Mùa hè năm nay, gia đình Ma Duyên Hải lúc nào cũng vui nhộn vì có 15 thanh niên tình nguyện của Trường Đại học Tây Nguyên ở trong nhà. Ông kể, không vui sao được khi ngôi nhà nhỏ của mình cứ tối tối lại trở thành địa điểm sinh hoạt, giao lưu văn hoá văn nghệ của thanh niên trong thôn và sinh viên tình nguyện. Nghe tụi nhỏ hát, tổ chức các trò chơi mà ông như trẻ lại cái thời mười tám, đôi mươi cũng sôi nổi, nhiệt huyết như thế. Cũng từ những buổi sinh hoạt văn hoá văn nghệ đó, tụi nhỏ trong buôn có thêm sân chơi trong ngày hè, còn thanh niên thì cũng có dịp học hỏi thêm kỹ năng tổ chức các hoạt động của Đoàn.

Ông bảo cũng cảm phục lắm vì tuổi trẻ bây giờ năng động, sáng tạo, tự tin với kiến thức của mình. Minh chứng là chỉ trong thời gian 1 tháng tình nguyện nhưng những chiến sĩ áo xanh đã giúp người dân trong thôn Xuân Lãng 2 thực hiện được nhiều công trình, phần việc có ý nghĩa: làm 1,2 km kênh mương nội đồng; tu sửa 5 km đường liên thôn liên xã; mở lớp ôn tập hè cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 và còn làm được nhiều công việc giúp các gia đình chính sách, neo đơn, hộ nghèo.

Không cầm nổi nước mắt khi chia tay chiến sĩ tình nguyện

Ông Ama Thu

Tháng 7, căn nhà dài 5 gian của gia đình Ama Thu ở buôn Tai, xã Krông Jin, huyện M’Drak lúc nào cũng đông vui và rộn rã tiếng cười .Ama Thu nhận nuôi 10 chiến sĩ tình nguyện; ông hạnh phúc khi được các bạn sinh viên tình nguyện gọi bằng cái tên thân mật, gần gũi: bố. Bữa cơm đạm bạc của gia đình những ngày ấy thêm ấm áp với sự sum họp của các con – từ mà Ama Thu gọi các chiến sĩ tình nguyện. Ama Thu kể: Những ngày chiến dịch tại buôn Tai, sinh viên tình nguyện đã trở thành những nông dân thực thụ khi xông xáo, cặm cụi giúp bà con trong buôn làm cỏ bắp, bón phân, đi lấy củi, đào kênh mương và cũng sắm vai những cô giáo thầy giáo tận tuỵ với việc dạy học, dạy hát cho thiếu niên nhi đồng.

Một tháng qua mau, biết bao tình cảm gắn bó, mọi người coi nhau như trong một gia đình. Thế nên ngày chia tay, những giọt nước mắt lưu luyến không thể ngăn nổi. Các con Ama Thu ôm các anh chị sinh viên tình nguyện mà khóc. Còn ông, như một người cha chỉ căn dặn: Cứ khi nào có dịp các con nhớ ghé thăm gia đình, năm mới gia đình lúc nào cũng mở rộng cửa chào đón các con về ăn Tết.

Đàm Thuần – Lê Ngọc

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.