Multimedia Đọc Báo in

"Cây cao bóng cả" ở vùng biên

08:50, 01/09/2017

Ở vùng biên Ea Súp, những người như già làng H’Hút Siu và cụ Lang Văn Ọt rất được bà con tin yêu, quý mến bởi họ đã và đang cố gắng góp sức xay dựng cuộc sống bình yên, gìn giữ nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Giữ cho buôn làng bình yên

Hàng chục năm qua, người dân buôn B1 (thị trấn Ea Súp) rất phục già làng H’Hút Siu (dân tộc Gia rai) bởi uy tín, đạo đức và khả năng thuyết phục của già.

Ngoài tuổi 80, già H’Hút Siu khiến người đối diện phải bất ngờ bởi sự nhanh nhẹn, minh mẫn. Suốt cuộc trò chuyện, bà luôn tươi cười, cất giọng sang sảng. Mấy chục năm làm già làng, già không nhớ đã phân xử cho biết bao nhiêu người, chỉ biết rằng, hầu như trường hợp nào cũng có cái kết thỏa đáng. Rất nhiều trường hợp vợ chồng bất hòa, con cái hư hỏng, hàng xóm xích mích… đều tìm đến già để mong được sẻ chia, giúp đỡ. Có những chuyện đơn giản, già phân xử rất nhanh, ai cũng tâm phục khẩu phục, nhưng cũng có những trường hợp phức tạp phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu, phân giải, răn dạy theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Già làng H’Hút Siu và cháu gái.
Già làng H’Hút Siu và cháu gái.

 Đơn cử như năm ngoái, vợ chồng Ma Mười liên tục nảy sinh mâu thuẫn, rạn nứt tình cảm. Già H’Hút Siu đã gặp riêng từng người, hết lòng khuyên giải một cách có lý có tình. Nhờ vậy, đôi bên đã hàn gắn tình cảm, bây giờ chăm lo làm lụng, phát triển kinh tế gia đình. Hoặc trước đây, thanh niên trong buôn thường tụ tập, đua xe, gây huyên náo cả một vùng. Dù người thân khuyên can thế nào, chúng cũng bỏ ngoài tai, nhưng từ khi nghe lời răn của già, buôn làng đã yên tĩnh trở lại…

Bên cạnh việc phân xử, giúp hóa giải những mâu thuẫn, già làng H’Hút Siu còn tuyên truyền, vận động bà con giữ gìn văn hóa truyền thống của đồng bào Gia rai; tích cực đóng góp cho các lễ hội truyền thống của buôn làng, xây dựng gia đình hòa thuận êm ấm. Với nếp sống gương mẫu, lối sống chan hòa,  già luôn được bà con quý mến, tin tưởng.

Gìn giữ báu vật truyền thống

Ở xã Ya Tờ Mốt, vợ chồng cụ Lang Văn Ọt (68 tuổi, dân tộc Thái) được nhiều người kính trọng bởi đã dày công gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Dù lập nghiệp trên quê hương mới đã hơn 20 năm, cụ Ọt vẫn giữ cho gia đình có một không gian mang đậm văn hóa dân tộc Thái. Cụ thể, từ nhà ở đến các vật dụng trong nhà: ghế ngồi, mâm cơm, khung cửi quay sợi… đều được cụ tạo dựng theo đúng nguyên mẫu truyền thống. Vợ chồng cụ còn dành riêng khoảng ruộng trồng bông, đồng thời tận tình hướng dẫn con cháu cách se sợi, dệt vải. Những việc làm thiết thực ấy đã khơi gợi, bồi đắp tình yêu, sự trân trọng gìn giữ nét văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ cũng như bà con lối xóm.

Cụ  Lang Văn Ọt  giới thiệu  các sản phẩm truyền thống  của  dân tộc Thái.
Cụ Lang Văn Ọt giới thiệu các sản phẩm truyền thống của dân tộc Thái.

Theo ông Nguyễn Văn Cừ, Bí thư Đảng ủy xã, cụ Ọt rất tâm huyết gìn giữ và am hiểu hầu như tất cả các loại hình văn hóa của dân tộc Thái như kéo sợi dệt vải, đánh chiêng, đánh khua luống, múa sạp… Mới đây, nhà cụ được UBND xã Ya Tờ Mốt chọn làm nơi tổ chức lễ ra mắt các loại hình văn hóa dân tộc Thái. Đặc biệt hơn, tại Hội diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện do UBND huyện Ea Súp vừa tổ chức, đội văn nghệ xã Ya Tờ Mốt đoạt giải Nhất nội dung nhạc cụ dân tộc với tiết mục đánh khua luống do chính cụ dàn dựng, hướng dẫn luyện tập.  

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.