Multimedia Đọc Báo in

Trưởng thôn người Tày hết lòng vì công việc

14:55, 15/10/2017

Được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn 17, xã Cư Bông, huyện Ea Kar từ năm 2000, anh Nông Văn Tuân (dân tộc Tày) luôn gương mẫu, tích cực công tác, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm 1989, anh Tuân từ Lạng Sơn vào thôn 17 sinh sống, lập nghiệp cùng gia đình. Những ngày đầu trên vùng đất mới, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, anh chăm chỉ đi làm thuê, tích góp tiền mua đất nên sau một thời gian đã có 3,5 ha đất canh tác. Ban đầu, vợ chồng anh trồng hoa màu, chăn nuôi heo, trâu lấy tiền trồng cà phê. Do trên địa bàn không có công trình thủy lợi, hồ chứa nước, năm 2011, anh đầu tư 45 triệu đồng đào 2 ao trữ nước tưới cho hoa màu và 8 sào lúa. Nhờ vậy, năng suất lúa ổn định 8 tạ/sào, không phải lo gạo ăn trong cả năm. Với sự nỗ lực đó, đến nay gia đình anh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm đủ phương tiện phục vụ sinh hoạt, sản xuất và chăm lo cho 3 con ăn học.

Anh Nông  Văn Tuân (bìa phải) chia sẻ  kinh nghiệm sản xuất  với người dân trong thôn.
Anh Nông Văn Tuân (bìa phải) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân trong thôn.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, với trách nhiệm của trưởng thôn, anh nhiệt tình tham gia các lớp tập huấn, nắm bắt khoa học kỹ thuật mới về truyền đạt lại cho bà con. Nhiều hộ trong thôn cũng đã học hỏi mô hình của gia đình anh, mạnh dạn đào ao trữ nước tưới cho cây trồng nên năng suất cao hơn trước. Từ 40 ha lúa 1 vụ, đến nay cả thôn đã tăng lên 54 ha lúa 2 vụ, năng suất 7-8 tạ/sào, cao hơn trước 2-3 tạ/sào. Ngoài cây hoa màu ngắn ngày, người dân đã phát triển thêm cây cà phê với diện tích 54 ha, trong đó có 30 ha kinh doanh. Nhờ vậy, đời sống của người dân trong thôn ngày càng cải thiện.

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, anh Tuân đã cùng với chi bộ, ban tự quản và các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động bà con đóng góp xây dựng, nâng cấp các công trình công cộng. “Thôn 17 có 93 hộ, 100% là người dân tộc thiểu số phía Bắc. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, tất cả các hoạt động, đóng góp tôi đều công khai để người dân trong thôn biết, bàn và kiểm tra nên nhân dân rất tin tưởng”, anh Tuân chia sẻ. Cùng chung sức xây dựng thôn, gia đình anh tiên phong chặt bỏ 1 hàng cà phê kinh doanh và đóng góp tiền, ngày công để mở rộng đường. Người dân thôn 17 đã hiến 2.000 m2 đất, đóng góp 36 triệu đồng và ngày công để mở rộng, nâng cấp 2 km đường nội thôn và cải tạo 3 km đường vào khu vực sản xuất. Bên cạnh đó, anh Tuân còn cùng với ban tự quản thôn vận động người dân đóng góp 30 triệu đồng mua đất xây dựng hội trường thôn và 15 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn.            

Hơn 17 năm gắn bó với vai trò là một trưởng thôn, anh Tuân đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được tới trường; các tập tục lạc hậu dần đẩy lùi, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh. Với những kết quả đáng ghi nhận đó, tháng 7 vừa qua, thôn 17 đã được công nhận Thôn văn hóa.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.