Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ Mông thoát nghèo nhờ nghề may trang phục truyền thống

08:26, 05/12/2017

Năm 2007, khi ra ở riêng, vợ chồng chị Hoàng Thị Dương (người dân tộc Mông ở thôn Ea Khiêm, xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) chỉ có ngôi nhà nhỏ và hai bàn tay trắng. Sau khi 3 đứa con lần lượt chào đời, gánh nặng cuộc sống thêm chất chồng, chị Dương ngày đêm trăn trở suy nghĩ hướng thoát nghèo, thoát khổ.

Thông thường, người phụ nữ Mông nào trước khi đi làm dâu cũng phải có vài bộ váy áo do mình tự may để làm của hồi môn. Là một trong những phụ nữ Mông biết may váy áo truyền thống, chị Dương muốn làm thêm nghề may để phát triển kinh tế. Năm 2013, được Hội Phụ nữ xã Hòa Phong tín chấp cho vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, chị mạnh dạn mua thiết bị, nguyên vật liệu về mở tiệm may quần áo và đồ truyền thống.

Ban đầu, chị sử dụng loại máy may kiểu cũ nên việc may vất vả, sản phẩm làm ra chậm hơn. Khi đã có chút vốn, chị đầu tư mua máy may công nghiệp, từ đó lượng sản phẩm làm ra gấp đôi so với máy may cũ; hiện bình quân mỗi ngày chị may được một bộ đồ gồm: mũ, áo, quấn chân. Một bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông hoàn chỉnh, kết đính hoa văn và đá được chị Dương bán với giá khoảng 2,1 triệu đồng. Ban đầu, sản phẩm chị làm ra chỉ phục vụ cho đồng bào Mông tại huyện Krông Bông, sau đó mở rộng đến các huyện khác có nhiều người Mông như: M’Đrắk, Ea Súp, Lắk, Cư Jút… Hằng ngày, chị cần mẫn, chăm chỉ may vá và chăm sóc con cái, còn chồng chị thì mang sản phẩm đi bán.

Chị Dương đang may đồ.
Chị Dương đang may trang phục truyền thống Mông.

Nhờ sự chịu khó, chăm chỉ, đến năm 2015 gia đình chị Dương được công nhận thoát nghèo. Đến nay, gia đình chị làm 1 sào ruộng, 2 ha trồng dứa xen điều và xe tải 1,2 tấn. Bình quân mỗi năm thu nhập của gia đình chị khoảng 300 triệu đồng. Năm năm liền gia đình chị được công nhận là gia đình văn hóa.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Dương còn là một hội viên rất tích cực, nhiệt tình trong các phong trào của Hội Phụ nữ địa phương. Chị luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc với các chị em trong thôn. 

                          Hoàng Ngọc Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.