Multimedia Đọc Báo in

"Ngân hàng lưu động" của người nghèo

06:55, 15/04/2018

Điểm giao dịch tại các xã của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Krông Búk được ví như “ngân hàng lưu động” vì thủ tục vay vốn nhanh gọn, mạng lưới hoạt động phủ kín từng xã, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu về giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Chúng tôi có mặt tại Điểm giao dịch xã Cư Pơng đúng phiên giao dịch định kỳ hằng tháng. Ai nấy đều bận rộn với công việc để giúp người nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Anh Phạm Thành, Tổ trưởng Tổ giao dịch tại xã Cư Pơng cho biết: Theo quy định, vào ngày 6 hằng tháng chúng tôi sẽ có mặt tại điểm giao dịch xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi... Chỉ riêng trong ngày giao dịch này, tổ đã giải ngân được 2,5 tỷ đồng cho 70 hộ vay vốn, thu nợ 1,6 tỷ đồng của 90 hộ.

Tại trụ sở UBND xã, những thông tin liên quan đến hoạt động tín dụng đều được công khai rõ ràng như: các chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất, danh sách dư nợ, bảng nội quy giao dịch, hòm thư góp ý, đường dây nóng... Nhờ đó giúp người dân nắm bắt kịp thời nhiều chủ trương, chính sách mới, giải quyết những thắc mắc, nguyện vọng trong vay vốn tín dụng...

Cán bộ  Ngân hàng Chính sách  xã hội huyện Krông Búk  giải ngân nguồn vốn  cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk giải ngân nguồn vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Sau 6 năm vay vốn của NHCSXH huyện, chị H’Bên Niê ở buôn Adrơng Điết (xã Cư Pơng) đã đầu tư phát triển sản xuất cho 0,8 ha cà phê. Chị H’Bên Niê chia sẻ, từ nguồn vốn vay chính sách tín dụng ưu đãi đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Là xã vùng 2, địa bàn rộng, chủ yếu là người dân tộc thiểu số với tỷ lệ hộ nghèo cao nên những năm qua xã Cư Pơng luôn tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi của Nhà nước. Hiện xã có 10 chương trình tín dụng, dư nợ 39 tỷ đồng với phương thức cho vay ủy thác qua 4 tổ chức chính trị xã hội và 31 tổ tiết kiệm, giúp 1459 lượt hộ vay. Ông Trần Thành, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng cho biết: Việc đặt điểm giao dịch tại xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiết giảm chi phí đi lại, thời gian, tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước một cách thuận lợi qua đó giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn.

Ông Trương Duy Hải, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH huyện Krông Búk cho biết, hiện nay, NHCSXH huyện có 7 điểm giao dịch cố định tại 7 xã. Mỗi xã có một phiên giao dịch cố định. Nếu hoạt động giải ngân, thu nợ nhiều sẽ tổ chức tăng phiên. Các cán bộ NHCSXH được trang bị đầy đủ các phương tiện làm việc cần thiết để đi giao dịch phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách từ giải ngân, thu nợ, thu lãi, huy động tiết kiệm... Hoạt động của các điểm giao dịch trên địa bàn huyện Krông Búk ngày càng ổn định, hiệu quả với tỷ lệ giải ngân tại điểm giao dịch xã đạt 98%, thu nợ đạt trên 86%, thu lãi đạt 100%, qua đó giúp 650 hộ nghèo thoát nghèo.

Theo ông Trương Duy Hải, trong thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các điểm giao dịch xã, giúp người dân vay vốn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; chủ động lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông… để người vay sử dụng vốn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững,  góp phần cùng các cấp, ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.