Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở Ea Rớt

05:50, 23/09/2018

Cách trung tâm xã Cư Pui (huyện Krông Bông) hơn 20 km, thôn Ea Rớt có 169 hộ, 946 khẩu, đa số là người dân tộc Mông. Ea Rớt từng là thôn “nhiều không” bởi không đường, không điện, không sóng điện thoại, không sổ hộ khẩu, không chứng minh nhân dân...

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhiều cái “không” đã trở thành “có”. Tuy nhiên, cuộc sống người dân ở đây vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Sau hơn mười năm, với rất nhiều nỗ lực của chính quyền xã Cư Pui cùng với các cơ quan chức năng, đến nay 169 hộ dân thôn Ea Rớt đã có sổ hộ khẩu, hàng trăm người dân cũng đã có chứng minh nhân dân, giúp họ có đủ điều kiện pháp lý để thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân. Thời gian gần đây, người dân thôn Ea Rớt cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện như: được hỗ trợ xây dựng hệ thống điện năng lượng, hệ thống lọc nước tinh khiết, bếp củi cải tiến; tặng quà bánh, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập cho học sinh... Tuy nhiên, điều đó chỉ mới giải quyết được phần nhỏ những khó khăn của người dân ở đây.

Vào mùa mưa, nhiều đoạn đường nước ngập sâu khiến người dân Ea Rớt phải đi lại bằng bè tự chế.
Vào mùa mưa, nhiều đoạn đường nước ngập sâu khiến người dân Ea Rớt phải đi lại bằng bè tự chế.

Hiện nay, 100% hộ dân của thôn Ea Rớt vẫn thuộc diện nghèo và cận nghèo, nhà cửa phần lớn là tạm bợ. Khó khăn lớn nhất là đường giao thông. Con đường độc đạo 20 km từ thôn ra trung tâm xã phải qua nhiều đèo, dốc lầy lội, nguy hiểm. Vào mùa mưa, người dân đi làm, học sinh đi học phải sử dụng những tấm bè, tấm mảng tạm bợ tự chế bởi một số đoạn đường bị ngập sâu hàng mét nước.

Do không có đường, không có cầu nên nông sản của bà con làm ra không bán được. Nếu tư thương vào mua thì ép giá rất thấp. Người dân đa số trồng các loại cây ngắn ngày, hiệu quả kinh tế không cao như sắn, ngô, lúa một vụ; năng suất cây trồng rất thấp vì chủ yếu trồng trên đất đồi dốc, cằn cỗi, ít bón phân. Việc chăn nuôi của người dân cũng không phát triển được vì thiếu vốn, thiếu thức ăn, đầu ra không ổn định. Anh Vàng Seo Măng, Trưởng thôn Ea Rớt than thở: “Bà con trồng cây ít khi bón phân. Nhiều người cũng không biết bón loại phân gì vì thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật nên năng suất cây trồng rất thấp. Khi bán nông sản thì thường bị tư thương ép giá; lợn gà nuôi được cũng không có người mua”.

Đa số  các gia đình  ở Ea Rớt đều sinh  từ bốn con trở lên.
Đa số các gia đình ở Ea Rớt đều sinh từ bốn con trở lên.

Cuộc sống khó khăn song tình trạng tảo hôn, đông con, đẻ dày lại rất phổ biến ở thôn Ea Rớt. Trẻ em đến tuổi nhưng không ra lớp và tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đang là vấn đề hết sức nan giải của thôn Ea Rớt. Hằng năm có đến hàng chục học sinh trong thôn bỏ học, nhiều nhất là ở bậc THCS và THPT. Trường hợp các em học sinh lớp 9, lớp 10 nghỉ học ở nhà lấy vợ, lấy chồng khá phổ biến. Hàng chục năm nay, trong thôn chưa có người nào tốt nghiệp từ trung cấp trở lên.

Do nghèo đói, thiếu đất sản xuất, điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nên hiện nay xuất hiện tình trạng người dân thôn Ea Rớt di cư đến nơi ở khác. Theo số liệu thống kê, hiện nay trong thôn có 13 hộ đã sang huyện Ea Súp mua đất để làm rẫy; đa số những hộ này đều thiếu đất sản xuất.

Giao thông khó khăn, có điểm người dân Ea Rớt phải đi lại bằng bè tự chế.
Giao thông khó khăn, có điểm người dân Ea Rớt phải đi lại bằng bè tự chế.

Ông Nguyễn Minh Nghiệp, Phó Chủ tịch HĐND xã Cư Pui, kiêm Bí thư Chi bộ thôn Ea Rớt trăn trở: “Người dân thôn Ea Rớt còn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao nhất xã. Để người dân bớt đi những khó khăn, ổn định cuộc sống, thôn Ea Rớt đang rất cần sự quan tâm, đầu tư của cấp trên để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là cầu, đường giao thông và điện lưới quốc gia”. 

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.