Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả truyền thông về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

09:24, 20/02/2020

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết là một thực trạng vẫn đang còn diễn ra ở một số nơi, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ... gây suy giảm chất lượng dân số, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của người dân về hôn nhân và gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng này.

Chương trình truyền thông “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết” do Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc miền núi (HRC) vừa triển khai tại 22 trường THCS trên địa bàn huyện Cư M’gar là một trong những hoạt động tuyên truyền đem lại sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động.

Trong thời gian triển khai chương trình, các trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho học sinh thông qua nhiều hình thức trực quan như: trình chiếu một số hình ảnh, clip nói về thực trạng và hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết; xây dựng tủ sách pháp luật để kịp thời cập nhật và triển khai các văn bản, trong đó có sách phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết; thành lập các Tổ tư vấn học đường để tổ chức các chuyên đề tuyên truyền, vận động trực tiếp tại cơ sở; dán tranh cổ động ở từng lớp học và tại nơi học sinh thường qua lại; treo băng rôn, khẩu hiệu tại các khu dân cư…

Giáo viên và học sinh huyện Cư M’gar xem tranh cổ động nói về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.
Giáo viên và học sinh huyện Cư M’gar xem tranh cổ động nói về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Cùng với công tác dạy học, các trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Vì em là con gái”, “Bình đẳng giới”; hội thi vẽ tranh, kể chuyện, hùng biện, diễn kịch hay ngày hội đọc sách liên quan đến nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết… nhằm tạo không khí thi đua sôi nổi, tích cực rèn luyện, học tập và nâng cao kỹ năng sống, thực hành văn hóa truyền thống cho các em học sinh.

Ngoài ra, các trường còn tổ chức cho học sinh gặp gỡ và thăm hỏi những người uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở địa phương để tìm hiểu, giới thiệu về những nét đặc sắc, phong tục tập quán của dân tộc họ. Qua đó, bồi dưỡng cho học sinh niềm tự hào, ý thức trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống tốt đẹp của địa phương và cần bài trừ những tập tục cổ hủ, lạc hậu.

Thông qua chương trình, các em học sinh đã được cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết về tảo hôn, hôn nhân cận huyết và hướng tới thay đổi hành vi. Em Y Thuôk Êban, học sinh lớp 9A2, Trường THCS Y Ngông Niê Kđăm (thị trấn Ea Pốk) chia sẻ: “Sau khi được tham gia buổi sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề “Chung tay phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết” do nhà trường tổ chức và lắng nghe các bài hùng biện của các bạn trong trường, em biết được rằng tảo hôn là một hành vi vi phạm pháp luật, là một trong nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, lạc hậu, đặc biệt là làm suy thoái giống nòi. Để có một tương lai tươi sáng, một cuộc sống hạnh phúc sau này thì bản thân em và các bạn cùng trang lứa phải luôn cố gắng học hành.”

Chương trình “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết” không chỉ cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết cho học sinh trong trường học mà còn tác động tích cực đến việc thay đổi hành vi và nhận thức của cộng đồng và xã hội, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn.

Sau khi tham gia các hoạt động tuyên truyền, được nâng cao nhận thức, các em học sinh cũng đã trở thành những “đại sứ nhỏ” tiếp tục truyền thông, vận động bạn bè, gia đình, người thân thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Em Hoàng Thị Xuân Bình, học sinh Trường THCS Phan Đình Phùng (xã Quảng Hiệp) bày tỏ: “Là một thành viên trong đội tuyên truyền của trường, vào các ngày cuối tuần em thường cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn tìm đến những gia đình có ý định cho con nghỉ học lấy chồng để động viên, khuyên nhủ phụ huynh từ bỏ ý định và tạo điều kiện con em mình tiếp tục được đến trường. Sau một thời gian tích cực tuyên truyền, nhiều gia đình ở các thôn, buôn biết đó là việc làm trái với pháp luật lại gây ra hậu quả nghiêm trọng về lâu về dài nên đã quyết định hoãn việc cưới xin của con cái khi chưa đủ tuổi kết hôn”.

Tiểu phẩm kịch “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết” của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar).
Tiểu phẩm kịch “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết” của các em học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar).

Từ kết quả đã đạt được, ông Lê Hữu Quynh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar cho hay: “Để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng dân cư tiến đến chấm dứt nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết trên địa bàn huyện, thời gian tới các trường sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về hệ lụy của vấn nạn này thông qua các buổi sinh hoạt tập thể ngoài giờ lên lớp, chào cờ đầu tuần; tích hợp giảng dạy trong các bộ môn như Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân, Ngữ văn...”.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.