Multimedia Đọc Báo in

Làm bạn với voi

08:42, 27/12/2020

Với mục tiêu xác định cơ cấu cây trồng và kỹ thuật canh tác phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại do voi rừng gây ra ở khu vực có xung đột giữa voi và người trong vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn, Dự án Tổ hợp tác xây dựng thương hiệu “Bạn của voi” của Tiến sĩ Cao Thị Lý (Khoa Nông Lâm, Trường Đại học Tây Nguyên) rất ấn tượng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng khởi nghiệp.

Đắk Lắk là địa phương có nhiều voi nhất cả nước, với 44 cá thể voi thuần dưỡng phân bố tại huyện Lắk và Buôn Đôn; có khoảng 80 - 100 cá thể voi hoang dã sinh sống trên những cánh rừng tự nhiên thuộc địa bàn các huyện: Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo và Cư M’gar. Những năm gần đây, tình trạng mất rừng khiến môi trường sống của voi hoang dã ngày càng thu hẹp, nên chúng thường di chuyển ra những khu vực canh tác nông nghiệp tìm kiếm thức ăn, phá hoại hoa màu, chòi rẫy của người dân sống gần rừng. Điều này đã gây nên những xung đột giữa voi và người.

Tiến sĩ Lý cho hay: "Trong khi voi thì di chuyển, tìm kiếm thức ăn, còn con người phải tìm cách bảo vệ mùa màng, tài sản của mình. Do đó nếu không có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu xung đột tiêu cực này sẽ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân cũng như sự an toàn của đàn voi. Điều này đã thôi thúc tôi cùng các cộng sự nghiên cứu, xây dựng Dự án Tổ hợp tác xây dựng thương hiệu Bạn của voi”.

Mô hình trồng táo xanh ở buôn Drăng Phốk (xã Krông Na) vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa không bị voi phá hoại khi tìm kiếm thức ăn.
Mô hình trồng táo xanh ở buôn Drăng Phốk (xã Krông Na) vừa đem lại hiệu quả kinh tế, vừa không bị voi phá hoại khi tìm kiếm thức ăn.

Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam xác định các loài cây voi không ưa thích và thử nghiệm trồng xen ở khu vực đất canh tác thường xuyên có voi xuất hiện, gây thiệt hại cho người dân nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ xung đột giữa voi và người ở tỉnh Đắk Lắk nói riêng, Việt Nam nói chung. Thông qua kết quả nghiên cứu, Tiến sĩ Lý và các cộng sự đã xác định được 6 khu vực rẫy của người dân có xung đột giữa voi và người ở vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Đôn thuộc địa phận xã Krông Na (huyện Buôn Đôn); đồng thời xác định được 12 loại cây dài ngày và 10 loại cây ngắn ngày mà voi không ưa thích. Từ kết quả trên cùng với khảo sát thực tế ở địa phương, nhóm nghiên cứu Dự án đã chọn 4 loại cây dài ngày là tếch, me Thái, bưởi da xanh và táo xanh để trồng xen với các loại cây ngắn ngày, như: môn sọ, nghệ, ớt, cà trứng rồng, ca ri. Qua 2 năm trồng thử nghiệm các loại cây trên tại 4 mô hình ở buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na), kết quả cho thấy những nơi thử nghiệm đều không bị voi rừng phá hoại.

 
UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án "Nỗ lực bảo tồn quần thể voi hoang dã lớn nhất Việt Nam tại Đắk Lắk" -  Dự án có vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo tồn quần thể voi hoang dã tại tỉnh, trong đó nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là xây dựng và triển khai các giải pháp bảo tồn voi hoang dã gắn với giảm thiểu xung đột giữa voi và người”.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng

Ông Y Chuôn Bkrông (buôn Drăng Phốk) nhớ lại: "Cách đây không lâu, voi rừng mới về phá rẫy sắn của gia đình, cả nhà phải đốt lửa, chặt tre để đuổi voi. Tuy nhiên, voi rừng chỉ nhổ sắn, ăn luôn chứ không phá cây ca ri, tếch, môn sọ trồng ở rẫy bên cạnh". Cùng thực hiện mô hình xây dựng thương hiệu “Bạn của voi”, ông Y Nguyên Knul (ở buôn Drăng Phốk) sợ hãi nhớ lại cảnh voi rừng về phá chòi canh rẫy của mình vào mấy hôm trước. Ông cho biết, voi phá rẫy ngô nhưng các loại cây trồng xen trong rẫy như: me Thái, ca ri thì chúng không phá. Cây ca ri của gia đình ông đã cho thu hoạch, với giá bán 20.000 – 40.000 đồng/kg, trong khi công chăm sóc ít, lợi nhuận kinh tế hơn hẳn các loại cây ngắn ngày khác.

Còn đối với vườn táo xanh xen ca ri được trồng năm 2018 của gia đình ông Y Thăng Rcăm (ở buôn Drăng Phốk) hiện nay đã cho thu hoạch. Cây táo xanh khá hợp thổ nhưỡng nơi đây nên cho quả sai và thân cây có gai nên voi không đến gần. Với giá khoảng 10.000 đồng/kg lại tốn ít công chăm sóc, loại cây này cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình ông.

Tiến sĩ Cao Thị Lý hướng dẫn kỹ  thuật chăm sóc cây ca ri của gia đình ông Y Chuôn Bkrông ở buôn Drăng Phốk (xã Krông Na).
Tiến sĩ Cao Thị Lý hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây ca ri của gia đình ông Y Chuôn Bkrông ở buôn Drăng Phốk (xã Krông Na).

Từ kết quả bước đầu trên có thể thấy việc trồng những loại cây phù hợp với thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân và không phải là loại thức ăn voi ưa thích là một trong những phương án hiệu quả để giảm thiểu những xung đột tiêu cực giữa voi và người. Dự án Tổ hợp tác xây dựng thương hiệu “Bạn của voi” của Tiến sĩ Lý không chỉ phù hợp với định hướng của tỉnh, góp phần hỗ trợ cộng đồng một cách thiết thực nhất trong việc sống chung và làm bạn với voi rừng mà còn lan tỏa tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo tồn quần thể voi hoang dã. Từ những ý nghĩa thiết thực đó, Dự án đã đoạt giải Nhì Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2020 vừa được tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua.

Lê Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.