Multimedia Đọc Báo in

Tạo đột phá từ xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư M'gar

05:42, 17/02/2021

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn huyện Cư M’gar hiện đạt 276/285 tiêu chí, đạt trên 96,8% tổng số chỉ tiêu, bình quân đạt 18,4 tiêu chí/xã. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng qua từng năm, tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm từ 2 - 2,5%.

Có được kết quả đó, theo ông Phạm Trung Nghĩa, quyền Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được các ngành, các cấp lãnh đạo thực hiện với tinh thần chủ động, trách nhiệm, sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề cấp bách, then chốt để tạo bước đột phá.

Người dân xã Cư Dliê M’nông  chung sức làm đường  giao thông nông thôn
Người dân xã Cư Dliê M’nông chung sức làm đường giao thông nông thôn.
Huyện Cư M’gar đã có 11/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM; 2 xã hoàn chỉnh hồ sơ, đang đề nghị công nhận; còn lại 2 xã nằm trong nhóm đạt 14 - 16 tiêu chí. Phấn đấu năm 2021, 15/15 xã của huyện đạt chuẩn NTM.

Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình là phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi nhằm nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân nông thôn. Theo đó, huyện đã chỉ đạo làm tốt công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất. Đồng thời thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp như xây dựng vùng sản xuất tập trung các cây trồng phù hợp, có giá trị kinh tế và lợi nhuận cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn quả, rau củ quả... Đặc biệt, chú trọng phát triển vùng sản xuất có chứng nhận, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện có trên 10.000 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, UTZ... Bên cạnh đó, nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng an toàn dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được triển khai và nhân rộng. Toàn huyện có 18 trang trại chăn nuôi với quy mô 1.000 con heo/trang trại, từ 14.000 - 16.000 con gà/trang trại.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, huyện đã có 10 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao. Sản phẩm chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến (thịt gà, cà phê, tinh bột nghệ). Một yếu tố quyết định làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn đó là Huyện ủy Cư M’gar đã ban hành Chỉ thị 23 về “Xây dựng cảnh quan, môi trường - văn minh đô thị” trên địa bàn. Theo đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, giải quyết căn cơ bài toán môi trường, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường.

Điều đáng phấn khởi là người dân trong huyện đã nhận thức được vai trò chủ thể nên tích cực tham gia góp công, góp của trong xây dựng NTM. Hệ thống giao thông trên địa bàn bảo đảm kết nối tới các xã, hơn 95% đường huyện đã được nhựa hóa và bê tông hóa. Giai đoạn 2016 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn đạt hơn 1.061 tỷ đồng. Trong đó, huy động nhân dân đóng góp gần 55,7 tỷ đồng và trên 22.000 ngày công.

Đường liên thôn xã Ea Drơng được làm mới nhờ sự đóng góp của người dân.
Đường liên thôn xã Ea Drơng được làm mới nhờ sự đóng góp của người dân.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Cư M’gar tiếp tục nâng cao chất lượng  các tiêu chí đã đạt, phát triển về chiều sâu chất lượng các tiêu chí hướng theo thế mạnh của huyện là văn hóa, du lịch. Đồng thời, tập trung đấu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, môi trường nông thôn. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người hằng năm đều tăng, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, huyện được công nhận là huyện NTM.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.