Multimedia Đọc Báo in

Hồi sinh vùng đất "chết"

14:26, 26/07/2021
Trong kháng chiến chống Mỹ, ở tỉnh Quảng Trị, nhất là những địa bàn miền núi chiến sự khốc liệt bị chất độc hóa học dioxin tàn phá nặng nề và gây hậu họa lâu dài. Không những con người mà đất đai, cây cỏ cũng gánh chịu di chứng lâu dài từ chất độc da cam…
 
Từ vùng đất "chết"

Nhiều lần lên vùng cao Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), tôi chứng kiến không ít đồi núi quá xác xơ vì hậu quả chất độc hóa học. Bên cạnh những cánh rừng nguyên sinh xanh tốt là những rừng trọc, đồi trọc nằm “hấp hối” phơi mình dưới nắng hè trông rất thảm thương. Hầu như không có một loại cây nào có thể trụ lại ở đây, trừ lau và tranh nhưng cũng mọc lơ thơ, cằn cỗi. Nhiều quả đồi bà con dân tộc thiểu số chỉ dùng để chăn thả trâu bò. Nhớ hôm ở Hướng Linh, nhìn dấu vết của một công ty trồng cây cà phê đã “bỏ của chạy lấy người”, một người đồng hành đã thốt lên nửa đùa nửa thật: "Đất này may ra chỉ trồng được "cây bê tông". Câu nói vui nhưng không phải để cười. Mà đúng vậy, còn sót lại nhiều cột bê tông làm hàng rào, sau khi nhiều doanh nghiệp đã đến nơi đây rồi phải “bỏ chạy” vì không thể trụ lại trên những vùng đất "chết".

Hồi ấy, một già làng vừa lắc đầu vừa nói một cách buồn bã: "Không thể trồng được cây gì cả con ơi. Đất này bị người Mỹ phun chất độc hóa học nên chết rồi". Đồng bào miền núi gắn bó, thông thuộc núi rừng mà còn nói thế thì coi như bó tay.

Nhưng chẳng lẽ “trọng bệnh” của núi rừng là vô phương cứu chữa?

… Đến khát vọng tái sinh

Anh Nguyễn Tân Hiếu, cán bộ Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa kể: "Người khởi xướng chuyện phục hồi cho những diện tích bị nhiễm chất độc hóa học là anh Hà Văn Hoan, khi ấy là Phó Giám đốc Khu Bảo tồn. Một lần anh ấy được đi tham quan ở Thái Lan. Nhìn những mô hình phục hồi của bạn, tất nhiên không bị nhiễm chất độc hóa học nặng nề như ở nước mình, anh nảy sinh ý định: liệu mình có thể làm được không? Tất nhiên lúc đó chỉ mới là ý tưởng". Tôi được biết anh Nguyễn Tân Hiếu là cộng sự đắc lực nhất trong dự án của Kỹ sư Hà Văn Hoan từ khi bắt đầu khởi sự.

Màu xanh  đã bắt đầu trở lại  nơi vùng đất Hướng Hóa.
Màu xanh đã bắt đầu trở lại nơi vùng đất Hướng Hóa.

Được hỏi chuyện, anh Hoan tâm sự: "Thực ra vì quá tâm huyết với chuyện phục hồi rừng nên tôi mới có ý tưởng như vậy, còn chuyện kết quả thế nào, thật không ai dám nói trước. Vì rằng hầu như chưa hề có tiền lệ trong chuyện này, càng chưa có những đúc kết khoa học, những kinh nghiệm mà mình có thể thừa kế và học hỏi. Nghĩa là gần như tất cả bắt đầu từ con số không. Nhưng vì tâm huyết nên chúng tôi đã quyết là làm. Có người bảo là điếc không sợ súng. Chuyện từ 5 năm trước".

Nhưng mọi chuyện phải đâu suôn sẻ, nhất là khi vạn sự khởi đầu nan. Khu vực thí điểm chính là đồi tranh mà bà con dân tộc Vân Kiều chăn thả trâu, bò hơn bốn chục năm nay. Nếu trồng cây thì không được chăn nuôi đại gia súc thả rông. Nghe vậy bà con rần rần phản đối. Anh Hoan nhớ lại: "Nghe bà con phản ứng, mình cũng lo, việc mới bắt đầu đã gặp trở ngại. Nhưng mình cũng tin là có thể thuyết phục được bà con. Chúng tôi lập tức về các bản tổ chức họp dân. Tôi giải thích cho bà con, cán bộ bảo tồn làm việc này, trước mắt cũng như lâu dài cũng vì bà con ở đây, nếu thành công thì bà con càng có cơ hội xóa đói giảm nghèo. Rừng được phục hồi, giàu lên thì bà con cũng hưởng lợi. Trước mắt chúng tôi tìm nguồn hỗ trợ gạo, kinh phí để bà con cùng tham gia trồng cây phục hồi với cán bộ bảo tồn, vừa bảo vệ tốt khu vực này. Mình nói chân tình, phân tích lợi hại, thiệt hơn và bà con nghe ra, vui vẻ đồng thuận”. 

 Đất thử nghiệm chính là ở tiểu khu 667A thuộc xã Hướng Linh (Hướng Hóa), khu vực "chỉ trồng được cây bê tông" như có người đã nói. Ngoài việc bị nhiễm chất độc hóa học dioxin thì đây là địa hình có độ dốc khá lớn, thường có nắng gắt, là "túi gió" Lào... Dẫn chúng tôi đến đây, đứng giữa đồi cao, anh Hiếu thuyết minh: "Lúc đầu, qua khảo sát thực tế, chúng tôi quyết định trồng các loại cây bản địa như lim xanh, nhội, lát hoa, muồng đen, rồi trẩu nữa... Lý do là vì những loại cây này phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, địa hình, độ dốc, độ ẩm, lượng mưa, gió cụ thể ở đây. Mặt khác, việc trồng những loại cây này nhằm làm đa dạng, phong phú về loại cây, với mục đích nâng cao chất lượng gỗ trong lâm phần, tăng độ che phủ của rừng, hạn chế xói mòn. Riêng cây trẩu khi có trái sẽ giúp bà con có thêm thu nhập, cải thiện đời sống. Chúng tôi tiến hành trồng từ năm 2015 trên diện tích 7 ha".

Dù được chăm bẵm nhưng ngay năm đầu cây đã chết đến 50%. Vậy là phải trồng dặm, rồi chăm sóc, làm cỏ, bảo vệ, theo dõi liên tục để thuốc thang cho "con bệnh" kịp thời. Các cán bộ Khu Bảo tồn lặng lẽ, kiên trì, chịu thương chịu khó, vừa làm vừa rút tỉa kinh nghiệm suốt gần 5 năm như thế. Khó có thể nói hết những gian nan mà họ đã trải qua.

Hôm đầu tháng vừa rồi, anh Hiếu cùng anh em dân bản trong tổ bảo vệ rừng do Khu Bảo tồn thành lập nhiều năm nay đã đứng dưới cây trẩu, một loại cây trồng xen canh ở khu vực phục hồi rừng đã bắt đầu cho quả đầu mùa. Đó là hình ảnh bình thường ở rất nhiều nơi khác nhưng ở đây quả là một kỳ công vượt quá sức người. Anh Hà Văn Hoan, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cho hay: "Khi thử nghiệm mô hình này, chúng tôi đã được tổ chức “Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt" hỗ trợ. Sau khi thành công, nhiều nhà đầu tư nước ngoài thông qua tổ chức này đã cấp kinh phí cho chúng tôi mở rộng diện tích phục hồi, trước là các nhà đầu tư ở Nhật, nay là nhà đầu tư ở Đức. Quy mô bây giờ không còn là vài héc ta như trước đây mà mở rộng 112 ha, không chỉ ở xã Hướng Linh mà còn ở xã Hướng Lập".

Tôi hiểu để thuyết phục những nhà đầu tư khó tính ở nước ngoài không phải dễ nhưng thực tế đã có tiếng nói quyết định. Lại nhớ ông Hồ Vi ở thôn Hoong Mới, xã Hướng Linh vui vẻ cười khà khà: "Giờ thì mình và bà con đã tin là trồng được cây ở trên đồi bị chất độc hóa học ngày trước. Khó vậy mà cũng làm được là quá giỏi! Phục hồi được rừng thì bà con cũng có thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Rứa là vui rồi".

Khi chia tay, anh Hà Văn Hoan nói nhẹ nhàng, từ tốn: "Biết anh quan tâm nhiều đến cây sâm Ngọc linh, một cây dược liệu quý trồng trên đỉnh Sa Mù. Vì đây đúng cũng là chuyện lạ, rất mới ở Quảng Trị. Cũng không giấu gì anh, thử nghiệm đã có tín hiệu ban đầu, dù còn gặp không ít khó khăn, nên vẫn phải tiếp tục theo đuổi. Khi kết quả chắc chắn mới công bố rộng rãi. Nếu thành công sẽ giúp bà con vùng cao thực sự đổi đời nhờ loại cây này".

Vậy là thêm nhiều hy vọng của đại ngàn vào một ngày mai đang đến! Mong rằng những kinh nghiệm "cứu chữa" đất nhiễm chất độc màu da cam ở Hướng Hóa (Quảng Trị) sẽ rất có ích cho nhiều nơi khác.

   Phạm Xuân Dũng

 


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.