Multimedia Đọc Báo in

Tết đặc biệt của giáo viên vùng sâu

12:34, 07/02/2016

Không thuận lợi như giáo viên miền xuôi hay nơi phố thị, chuyện ăn Tết của những thầy cô giáo ở các điểm trường vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có nhiều nét thật đặc biệt. Với họ, sau kỳ nghỉ Tết, học sinh trở lại trường lớp đầy đủ là món quà động viên lớn nhất trong sự nghiệp “trồng người”…

Tết đến xuân về, mỗi người con đi xa thường mong được trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, song không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện ước muốn của mình. Năm nay, cô Trần Thị Lưu (chủ nhiệm lớp 9D, phân hiệu 2, Trường THCS Lê Quý Đôn ở buôn Tung 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) phải “cắm buôn” trực trường, ăn Tết cùng với người dân và học sinh trong buôn. Cô Lưu sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo thuộc huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sau khi ra trường (năm 2008), cô đã tình nguyện vào xã Buôn Triết, huyện Lắk xin giảng dạy, rồi xây dựng gia đình riêng tại đây. Được chính quyền xã tạo điều kiện hỗ trợ nhà ở công vụ cùng với một số giáo viên khác, mấy năm nay, cô Lưu đều ở lại ăn Tết với bà con nơi đây. Cô Lưu tâm sự: “Những năm đầu ăn Tết xa quê, buồn, nhớ nhà và tủi thân lắm. Nhưng bù lại, bà con trong xã ai cũng yêu thương và coi mình như người thân trong gia đình. Thế nên, hơn 7 năm gieo con chữ nơi đây, cuộc đời tôi đã gắn với các buôn nghèo tự lúc nào không hay”.

Một tiết đứng lớp của cô Trần Thị Lưu, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Buôn Triết (huyện Lắk).
Một tiết đứng lớp của cô Trần Thị Lưu, Trường THCS Lê Quý Đôn, xã Buôn Triết (huyện Lắk).

Những năm trước đây, xã Buôn Triết có điểm đặc biệt là sau mỗi dịp Tết Nguyên đán, thường có nhiều em học sinh bỏ học giữa chừng. Vì vậy, các thầy cô trong trường phải luôn vận động, khuyến khích, hỗ trợ học sinh tiếp tục đến lớp. Đối với những học trò nghèo, các giáo viên trong trường còn trích tiền lương làm quỹ để mua gạo, sách vở, quần áo, bánh mứt… hỗ trợ các em ăn Tết. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng làm nhân viên bảo vệ của trường, con còn nhỏ, đồng lương ít ỏi của cô Lưu chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình. Tuy vậy, cô luôn tâm niệm: “Mình khó một, học sinh còn khổ mười”, nên Tết đến cũng dành chút ít tiền lương mua cho các em học sinh nghèo chút quà mừng năm mới. Ở miền xuôi hay nơi phố thị, ngày Tết học trò thường đến chúc Tết thầy cô, nhưng ở xã vùng sâu như Buôn Triết thì ngược lại. Thầy cô phải tổ chức đi “chúc Tết” học trò. Thường từ ngày mồng 3 đến mồng 5 Tết, cô Lưu cùng với hội phụ huynh, ban cán sự lớp tổ chức đến nhà các em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh cá biệt để chúc Tết. Qua đó, vận động các gia đình tiếp tục tạo điều kiện cho con em mình đến trường, khuyến khích các em cố gắng chăm ngoan, học giỏi.

Thầy Y Minh Ênuôl là giáo viên có thâm niên 20 năm công tác tại Trường Tiểu học Y Ngông, xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana). Sinh ra và lớn lên ở vùng căn cứ cách mạng Dur Kmăl này nên với bà con nơi đây, thầy giáo Minh là một trong những người có uy tín nhất, luôn được yêu mến và quý trọng. Thầy Minh chia sẻ, mỗi lần các thôn, buôn tổ chức họp đầu năm mới hay khi trực tiếp đến nhà người dân chúc Tết, thầy đều khéo léo lồng ghép lời chúc đầu năm với tuyên truyền, vận động bà con cố gắng chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế, khuyến khích con cái đi học đầy đủ, không nghỉ học giữa chừng. Bên cạnh những lời chúc, thầy còn gửi tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh nghèo những món quà như cuốn sách, vở, bút mực, quần áo… để tạo động lực giúp các em đến trường. Những món quà ý nghĩa này được thầy Minh dành dụm từ những đồng tiền lương ít ỏi của mình để mua, hoặc vận động các em học sinh khóa trước tặng lại sách... Em Nông Thị Ánh Tuyết, dân tộc Tày, ở buôn Krang thổ lộ: “Em là học sinh có hoàn cảnh gia đình nghèo khó, nhà ở xa trường nhưng Tết năm nào thầy Minh cũng đều đến tận nhà tặng quà, thăm hỏi, động viên em đi học, em cảm động lắm. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng gia đình, thầy cô và các bạn”. Không riêng gì Ánh Tuyết, có lẽ em học sinh nào nhận được quà Tết và những lời chúc động viên cũng cảm thấy ấm lòng bởi tình cảm của thầy. Sau mỗi dịp Tết, một số em còn ham chơi chưa chịu đến lớp, thầy Minh lại đến tận nhà khuyên bảo và chở đi học. Thương học sinh, mỗi khi có dịp lên TP. Buôn Ma Thuột hay ra thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana), thầy Minh lại tranh thủ mua một ít sách, vở, bút để dành tặng những em học sinh nghèo ham học.

Thầy Vũ Văn Tuyển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Y Ngông cho biết, trường có 285 học sinh thì có tới 180 học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó học sinh nghèo chiếm hơn 40% nên tỷ lệ bỏ học theo cha mẹ đi làm ăn xa (nhất là sau Tết) ở mức cao. Hằng năm trường tổ chức vận động, tuyên truyền một số phong trào như: Hũ gạo tình bạn, nuôi heo đất, hớt tóc miễn phí…, để vận động giúp đỡ những học trò nghèo có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Mặc dù giá trị vật chất mỗi phần quà hỗ trợ cho các em không lớn, nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên sự yêu thương, động viên các em vượt qua khó khăn. Riêng thầy Minh thực sự là tấm gương điển hình để nhiều thầy cô trong trường noi theo. Trong năm mới, các thầy cô chỉ mong sao cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng khá hơn, cái đói nghèo dần lùi xa để họ có điều kiện quan tâm đến việc học tập của con em mình, góp phần đưa sự nghiệp giáo dục vùng sâu, vùng xa phát triển hơn. 

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.