Multimedia Đọc Báo in

Đến trường trên lưng cha

06:52, 05/11/2017

4 giờ rưỡi sáng, khi cánh rừng dưới chân núi Mù (xã Cư Amung, huyện Ea H’leo) còn tối mịt mùng và ướt sũng vì cơn mưa đêm qua, hai bóng dáng quen thuộc dần hiện ra qua chiếc đèn pin nhỏ…

Đã 3 năm qua người cha Bàn Văn Phạm (47 tuổi) vẫn đều đặn cõng con gái Triệu Thị Hà (7 tuổi) trên lưng vượt 7 km đường rừng đến trường như thế.

Căn nhà gỗ lụp xụp chỉ hơn 10 m2 ở thôn 3, xã Cư Amung là nơi cô bé Triệu Thị Hà chào đời. Có con khi đã lớn tuổi nên vợ chồng ông  Phạm hết lòng yêu thương và chăm sóc Hà. Nhưng khi con lên 3 tuổi vẫn chưa nói được, hai vợ chồng ông Phạm đưa Hà đi khám thì được biết con mắc chứng “rối loạn phổ tự kỷ”.

Muốn con đi học để hòa nhập với bạn bè, ông Phạm đã đưa con đến trường mẫu giáo lúc 5 tuổi. Điểm trường xa, lại không có phương tiện đi lại, người cha ấy đã địu con bằng dây vải, băng theo con đường mòn vượt qua 2 con suối, rồi những con dốc cao ngút mới đến được trường.

Đều đặn mỗi ngày, ông Bàn Văn Phạm lại cõng con đến trường.
Đều đặn mỗi ngày, ông Bàn Văn Phạm lại cõng con đến trường.

Nhìn dáng ông Phạm gầy gò, nước da ngăm đen vì sạm nắng, khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ, mới thấy người cha ấy đã hy sinh cho con rất nhiều. “Sau khi Hà học xong mẫu giáo, thì cháu vào lớp 1 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh. Cũng quãng đường ấy, tôi lại đưa con đến lớp. Dù tuổi đã cao, hay đau ốm, nhưng còn một chút sức lực tôi cũng cố gắng để con được đi học” - ông Phạm tâm sự.

 Với người dân trong vùng, câu chuyện của ông Bàn Văn Phạm cõng con đến trường đã trở thành một hình ảnh đẹp. “Đều đặn mỗi ngày, dù trời nắng hay mưa, anh Phạm 4 lượt cõng con từ nhà đến trường, rồi từ trường về nhà. Mấy bữa nay mưa không ngớt, con đường lầy lội khó đi, đường đến trường của hai cha con lại càng vất vả” - chị Nông Thị Liễu ở thôn 3 chia sẻ.  

 Vừa đưa con đến trường học chữ, ông Phạm lại lo làm mấy sào bắp. Có ai thuê mướn gì cũng tất tả đi làm. Từ ngày cõng con đi học, công việc bị ảnh hưởng nhiều, cái nghèo vì thế càng đeo bám. Đáp lại nỗi nhọc nhằn của cha, Hà cũng tập nói được vài chữ. Em cũng đã cởi mở phần nào với bạn bè xung quanh. Là giáo viên chủ nhiệm lớp 2D (Trường Tiểu học Lê Đình Chinh) của Hà, cô Hoàng Thị Nhị cũng không giấu được xúc động: “Tuy gia cảnh khó khăn nhưng gia đình em Hà vẫn cố gắng cho con đến trường, hòa nhập với cộng đồng. Dù khả năng giao tiếp của em còn hạn chế nhưng em rất ngoan. Mong Hà sẽ dần khỏi bệnh, học giỏi để không phụ lòng người cha của em…”.    

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.