Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập

13:26, 01/11/2017

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, đến nay công tác này đã đạt được những kết quả tích cực.

Hiện nay, toàn tỉnh có 184 Hội Khuyến học (HKH) cấp xã (đạt tỷ lệ 100%); 3.936 chi hội, ban khuyến học trực thuộc HKH cấp huyện, cấp xã (tăng 1.839 chi hội so với năm 2007); tổng số hội viên gần 278.000 người (tăng gần 176.000 hội viên so với năm 2007)…

Ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, thời gian qua HKH các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hội viên, các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng về công tác khuyến học, khuyến tài. Theo đó, các cấp HKH trong tỉnh đã tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức hội; tiến hành rà soát, tổ chức đăng ký, xây dựng và nhân rộng các mô hình “gia đình học tập”, “dòng họ học tập”, “cộng đồng học tập”…

Phó Bí thư Thường trực  Tỉnh ủy  Phạm Minh Tấn trao Bằng khen của Tỉnh ủy  tặng các tập thể đạt thành tích xuất sắc  thực hiện  Chỉ thị số 11  của Bộ Chính trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn trao Bằng khen của Tỉnh ủy tặng các tập thể đạt thành tích xuất sắc thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị.

Theo thống kê đến cuối năm 2016, toàn tỉnh đã có 93.401 “gia đình học tập”, 104 “dòng họ học tập”, 740 “cộng đồng học tập”, 665 “đơn vị học tập”. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, HKH các địa phương đã vận động gần 350 học sinh bỏ học trở lại trường; mở lớp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục cho hơn 700 học viên; đặc biệt vận động quỹ khuyến học các cấp hơn 13 tỷ đồng hỗ trợ, cấp học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo hiếu học với tổng trị giá gần 2,5 tỷ đồng; khen thưởng gần 4 tỷ đồng cho học sinh đạt thành tích cao trong học tập…

Một trong những địa phương thực hiện tốt phong trào khuyến học, khuyến tài là huyện Krông Pắc. HKH huyện đã tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Nhờ đó đến nay toàn huyện đã có 433 cơ sở, chi hội khuyến học, thu hút gần 36.500 hội viên; 19.678 gia đình được công nhận “gia đình học tập”; 12 dòng họ được công nhận “dòng họ học tập”; 16/16 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục từ bậc học mầm non đến bậc trung học cơ sở…

Một tiết thể dục của học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Đắk Phơi, huyện Lắk).
Một tiết thể dục của học sinh Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm (xã Đắk Phơi, huyện Lắk).

 

Trước khi thực hiện Chỉ thị số 11, tỉnh Đắk Lắk đã đạt Chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1999; đến tháng 10-2009 tiếp tục đạt Chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2016; tỷ lệ biết chữ trong dân cư từ 15-35 tuổi là gần 760.000 người (chiếm 96,37%), tỷ lệ biết chữ trong dân cư từ 15 tuổi đến hết tuổi lao động đạt gần 96%... 

Không chỉ có huyện Krông Pắc, HKH xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar) cũng là điểm sáng về phong trào khuyến học. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch HKH xã cho hay, Hội đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Trong đó, xác định công tác phát triển hội viên đóng vai trò quyết định sự thành công của phong trào. Đến nay, toàn xã đã kết nạp hơn 1.700 hội viên khuyến học, tăng 1.150 hội viên so với năm 2007, đạt tỷ lệ gần 24% dân số toàn xã; 6/6 thôn được công nhận “cộng đồng học tập”; 4/4 trường học đạt danh hiệu “đơn vị học tập”; 1.519 gia đình đạt danh hiệu “gia đình học tập” (chiếm 99%)… Hằng năm, các tổ chức khuyến học của xã hỗ trợ khoảng 80 suất học bổng cho học sinh nghèo, thưởng 2.000 suất quà cho học sinh khá, giỏi với trị giá gần 100 triệu đồng; huy động quỹ khuyến học mỗi năm ước đạt 200 triệu đồng.

Có thể thấy, các phong trào thi đua khuyến học, khuyến tài đã tạo động lực vật chất, tinh thần cổ vũ, động viên học sinh học tập chuyên cần, thúc đẩy phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đồng thời khích lệ người lao động, cán bộ, công nhân viên chức tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời. Điều này đã được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn ghi nhận, đánh giá cao tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh được tổ chức mới đây. “Sắp tới cần tiếp tục phát huy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm trong công tác khuyến học, khuyến tài và đẩy mạnh xây dựng gia đình, dòng họ, khu dân cư học tập để đạt nhiều kết quả khả quan hơn nữa”, đồng chí Phạm Minh Tấn nhấn mạnh.

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.