Multimedia Đọc Báo in

Một thầy giáo đam mê sáng tạo

08:44, 21/05/2018

Với niềm đam mê nghiên cứu và sáng tạo những sản phẩm kỹ thuật độc đáo, Thạc sĩ Trần Văn Dũng, Phó trưởng Khoa Điện, Trường Cao đẳng kỹ thuật Đắk Lắk đã gây sự chú ý mạnh mẽ trong giới nghiên cứu khoa học công nghệ trong và ngoài tỉnh.

Thầy Dũng về công tác tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk từ tháng 10-1999. Từ thực tiễn dạy học, thầy nhận ra rằng do đặc thù của ngành điện, điện tử, học sinh, sinh viên vẫn còn học nặng về lý thuyết, nội dung thực hành thường chỉ được tiếp xúc với những máy móc, thiết bị đơn giản, rời rạc; do đó, người học sau khi ra trường thường bỡ ngỡ khi tiếp xúc với những hệ thống máy hoàn chỉnh, nhất là hệ thống có kết cấu phức tạp. Từ đó, thầy thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu tạo ra những mô hình học cụ gần giống thực tế để tăng khả năng tiếp cận của sinh viên. Trong thời gian gần 20 năm công tác ở trường, thầy Dũng đã nghiên cứu, chế tạo hơn 10 mô hình, thiết bị để phục vụ trong công tác dạy học rất hữu ích, trong đó đáng chú ý là: “Bàn thực hành đa năng PLC trang bị điện”, “Bàn thực hành trang bị điện mạch điện máy mài mặt phẳng”, “Hệ thống đóng – mở cửa tự động”…

Thầy Dũng và sinh viên vận hành hệ thống đỗ xe tự động.
Thầy Dũng và sinh viên vận hành hệ thống đỗ xe tự động.

Đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều mô hình, thiết bị độc đáo, nhưng sản phẩm được thầy Trần Văn Dũng tâm đắc nhất là “Hệ thống đỗ xe tự động dùng PLC S7-200”. Để tạo ra mô hình này, thầy Dũng đã phải mất 3 tháng nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp và có sự giúp đỡ của 2 đồng nghiệp là Thạc sĩ Trương Văn Giản và Thạc sĩ Dương Hồng Phước. Ban đầu thầy phải phác thảo ý tưởng, thiết kế bản vẽ và chỉnh sửa nhiều lần mới hoàn thiện thiết kế mẫu chi tiết. Sau đó, thầy và đồng nghiệp phải đến các cơ sở cơ khí đo đạc, cắt và lắp ghép khung, giá đỡ hệ thống. Tuy nhiên, khó khăn nhất trong quá trình triển khai là việc chế tạo những bộ phận, chi tiết đòi hỏi độ chính xác rất cao; thậm chí, một số thiết bị phải tìm mua ở các cơ sở cơ khí động lực tại TP. Hồ Chí Minh. Sau nhiều lần thử nghiệm, điều chỉnh, mô hình mới hoàn thiện và vận hành đúng với ý tưởng tác giả. Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ mới với bộ điều khiển lập trình (PLC) và màn hình cảm ứng (HMI) kết hợp với những thiết bị điện để điều khiển các phụ tải theo dây chuyền. Cụ thể, bãi đỗ xe theo công nghệ này không phụ thuộc vào người trông coi, khi có xe ô tô vào, chủ nhân sẽ được cấp mã số thẻ, chỉ cần quẹt thẻ là hệ thống tự động đưa xe vào chỗ gửi; khi lấy xe cũng chỉ cần quẹt thẻ là xong. Đặc biệt, hệ thống có thể lắp đặt nhiều tầng, nên không cần diện tích lớn vẫn có thể lắp đặt.

Ban đầu mô hình này được thầy Dũng đưa vào phục vụ cho việc dạy học, rèn luyện cho học sinh, sinh viên biết phối hợp kỹ năng giữa các mô đun tạo thành khối liên kết thống nhất, áp dụng hệ thống điều khiển tự động, vận hành sửa chữa các bộ phận trong hệ thống dây chuyền. Sản phẩm này khiến sinh viên thích thú, qua đó tăng hiệu quả dạy học. Mô hình đã đoạt giải Nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh, giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk năm 2017. Bên cạnh đó, hệ thống này có khả năng ứng dụng rất cao trong thực tế, có thể áp dụng để xây dựng các bãi gửi xe tự động nhiều tầng trong không gian hẹp, góp phần giải quyết tình trạng phương tiện đỗ trên vỉa hè, lòng lề đường gây cản trở giao thông và mất mỹ quan đô thị. Mô hình này tiết kiệm diện tích, hạn chế người trông coi và bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nên được nhiều thành phố lớn trên thế giới áp dụng, nhưng tại Việt Nam chỉ mới được triển khai thí điểm ở một vài nơi. Công trình của thầy Dũng và đồng nghiệp đã đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2017. Tại đây, sản phẩm này được nhiều người chú ý, trong đó một số đối tác muốn hợp tác để xây dựng bãi gửi xe tự động tại Hà Nội.

Nói về người đồng nghiệp của mình, thầy Trần Đình Tân, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk cho biết, thầy Trần Văn Dũng là tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động sáng tạo, những mô hình, thiết bị tự làm của thầy không những nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề mà còn giúp nhà trường giảm áp lực mua sắm trang thiết bị dạy học.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) 7 nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chương trình số 56-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 46 –NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về “Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới”.