Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm khởi nghiệp cho sinh viên

06:23, 03/03/2021

Có lợi thế về chuyên môn và cả đam mê khởi nghiệp là yếu tố thuận lợi giúp nhiều sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên trở thành những startup.

Tháng 8-2019, Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp (Trường Đại học Tây Nguyên) ra đời nhanh chóng trở thành sân chơi, hỗ trợ sinh viên đam mê khởi nghiệp. Đến nay, CLB đã có 20 thành viên, trong đó 8 thành viên nòng cốt. Là sinh viên, ý tưởng khởi nghiệp, kinh nghiệm kinh doanh, tiềm lực kinh tế còn hạn chế nên CLB chủ yếu đẩy mạnh các hoạt động ươm mầm, tạo động lực, với 3 chương trình chính: gặp mặt; mời startup thành công chia sẻ; tổ chức cuộc thi khởi nghiệp trong sinh viên. Qua đó, giúp sinh viên tháo gỡ những thắc mắc, tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp trong tương lai… Trong năm 2020, CLB đã kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ gần 90 triệu đồng để thực hiện một số hoạt động khởi nghiệp tại trường.

Nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên với sản phẩm kính thiên văn tự chế tạo.
Nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên với sản phẩm kính thiên văn tự chế tạo.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn về nhân lực, để họ tin tưởng trao cơ hội cho các sinh viên chưa ra trường, CLB Khởi nghiệp chủ động phân công nhiệm vụ cho 3 nhóm, gồm: khảo sát thị trường, tư vấn bán hàng và tổ chức sự kiện dựa trên ưu thế của từng thành viên. Phó Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Nguyễn Đức Nghĩa (sinh viên năm ba, Khoa Kinh tế) chia sẻ: “Thay vì đi làm thêm các công việc không đúng chuyên môn như phục vụ quán cà phê, quán ăn, CLB đã kết nối với doanh nghiệp trên địa bàn để thành viên CLB bán sản phẩm hưởng hoa hồng. Hoạt động này không chỉ giúp các bạn sinh viên có được thu nhập cao (trung bình 400.000 đồng/ngày/người) mà còn tự tin hơn, có thêm nhiều kinh nghiệm như kỹ năng tư vấn bán hàng, cách xây dựng thương hiệu. Hiện nay, vào các buổi tối cuối tuần, một số thành viên trong CLB tham gia bán sản phẩm cho doanh nghiệp tại Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột...”.

 
Phong trào khởi nghiệp đã thu hút đông đảo sinh viên quan tâm. Để ươm mầm, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho sinh viên, Trường Đại học Tây Nguyên đẩy mạnh định hướng kiến thức về khởi nghiệp, mời các tấm gương khởi nghiệp thành công đến chia sẻ kinh nghiệm, kết nối doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho sinh viên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp…”.
 
Bí thư Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên Vũ Nhật Phương

Bên cạnh các kỹ năng trên, hoạt động  khởi nghiệp còn gắn chặt với khoa học công nghệ. Tiêu biểu có thể kể đến nhóm 5 sinh viên bộ môn Vật lý, Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ (Khăm Trần Anh Quân, Nguyễn Tiến Đồng, Đặng Bình An, Nguyễn Văn Dương, Trịnh Lê Mỹ) đã giành được giải Triển vọng trong Cuộc thi Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk và vinh dự góp mặt tại vòng Chung kết Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” năm 2020 (SV.STARTUP-2020) của Bộ GD-ĐT tổ chức với dự án “Chế tạo, phát triển và sản xuất kính thiên văn”.

Giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên và Công nghệ Trường Đại học Tây Nguyên Lê Minh Tân cho hay: “Trong quá trình giảng dạy, học tập nhận thấy nhu cầu sử dụng kính thiên văn của những người quan tâm đến thiên văn học, trường học nhiều nhưng chi phí đắt đỏ nên ít người đủ điều kiện mua. Ngay tại nhà trường cũng chỉ có một chiếc kính thiên văn được mua từ lâu, không đủ phục vụ cho công tác đào tạo. Cách đây hơn một năm, tôi hướng dẫn nhóm 5 sinh viên nghiên cứu và chế tạo thành công kính thiên văn”.

Giảng viên Lê Minh Tân hướng dẫn sinh viên lắp đặt kính thiên văn.
Giảng viên Lê Minh Tân hướng dẫn sinh viên lắp đặt kính thiên văn.

Những chiếc kính thiên văn ban đầu được tạo ra có hình thù không đẹp nhưng sau nhiều lần sửa đổi hiện nay nhóm đã tạo ra những chiếc kính thiên văn hoàn thiện, với kích cỡ khác nhau, có đầy đủ chức năng với chi phí chỉ bằng 1/4 giá thị trường. Hiện nay, nhóm đã chế tạo được 10 chiếc kính thiên văn vừa phục vụ công tác đào tạo, khởi nghiệp và các hoạt động cộng đồng. Các sản phẩm kính thiên văn lớn tinh vi do nhóm sáng chế có thể phục vụ nghiên cứu trong các tổ chức thiên văn hoặc liên quan đến thiên văn và thiên thể. Với các sản phẩm cỡ trung được sử dụng như giáo cụ dạy học về thiên văn, tổ chức những buổi trải nghiệm ngắm các thiên thể cho học sinh, sinh viên và những người yêu thích thiên văn. Còn các sản phẩm nhỏ có thể phục vụ nhu cầu tìm hiểu thiên văn nghiệp dư, sử dụng tại nhà hoặc có thể làm quà lưu niệm, vật trang trí... Ngoài tạo ra sản phẩm kính thiên văn, nhóm còn nhận tổ chức sự kiện về thiên văn; các buổi tìm hiểu về thiên văn tại các trường học… để học sinh được tiếp cận với kính thiên văn và nuôi dưỡng đam mê về khoa học nói chung và thiên văn học nói riêng.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.