Multimedia Đọc Báo in

Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu

15:34, 02/06/2017

Ngày 1-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức công bố quyết định rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, bước đi giúp ông hiện thực hóa cam kết tranh cử song sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nỗ lực ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất.

Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố: “Để hoàn thành nhiệm vụ cao cả bảo vệ đất nước và người dân Mỹ, tôi quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu".

Tuy nhiên, ông Trump khẳng định Washington sẽ xúc tiến các cuộc thương lượng để tham gia một thỏa thuận khác công bằng hơn đối với nước Mỹ. Nhà Trắng trước đó 1 ngày đã thông báo với Quốc hội Mỹ về quyết định trên.

Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence cũng trực tiếp gọi điện cho các nhà lãnh đạo tại Đồi Capitol để thuyết phục các nhà lập pháp Mỹ ủng hộ bước đi này. Rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu là một trong những cam kết tranh cử quan trọng của Tổng thống Donald Trump. Nhà Trắng coi đây là “một hiệp định tồi” vì cho rằng hiệp định này bất công đối với Mỹ, góp phần cướp công ăn việc làm của người lao động Mỹ và gây tổn thương cho những người nộp thuế tại Mỹ.

Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron (trái) cho rằng quyết định của Tổng thống Trump (phải) là một
Thủ tướng Pháp Emmanuel Macron (trái) cho rằng quyết định của Tổng thống Trump (phải) là một "sai lầm cho cả nước Mỹ và hành tinh". Ảnh: Reuters/AP.

Những người ủng hộ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu cảnh báo quyết định của Tổng thống Trump có nguy cơ khiến Mỹ bị cô lập trong các nỗ lực nhằm ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu và ấm lên của Trái Đất, đồng thời tạo cơ hội cho các nước khác như Trung Quốc giữ vai trò lãnh đạo trong lĩnh vực này.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi tuần trước tại Italy cũng bị phủ bóng đen vì vấn đề Mỹ từ chối tuân thủ Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Quyết định này của Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của các đồng minh và đối tác lớn như Đức, Anh và Nhật Bản.

Giới phân tích cho rằng bước đi này một lần nữa thể hiện quan điểm chính sách của Tổng thống Trump là coi “Nước Mỹ trên hết". Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Junker tuyên bố “cựu lục địa” sẵn sàng giữ vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nếu Mỹ rút khỏi hiệp định.

Việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu sẽ giáng một đòn mạnh vào cái gọi là “ngoại giao khí hậu” trong bối cảnh chỉ cách đây 18 tháng, 196 nước đã thông qua Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu mang tính lịch sử, sau khi đạt được thỏa thuận với hai nước có lượng phát khí thải CO2 cao nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.Theo thỏa thuận, Mỹ đồng ý sẽ cắt giảm từ 26%-28% mức khí thải năm 2005 vào năm 2025.

Tổng thống Donald Trump lâu nay vẫn xem thỏa thuận này không có lợi cho Mỹ. Lúc còn tranh cử ông Trump  đã cam kết sẽ rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu trong vòng 100 ngày làm Tổng thống, một phần của nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp dầu mỏ và than của Mỹ.

Sau khi nhậm chức, các nhà đầu tư, cũng như 22 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa, trong đó có thủ lĩnh Mitch McConnell đã hối thúc Tổng thống Trump thực hiện đúng cam kết rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Với quyết định rút khỏi Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, Mỹ sẽ đứng cùng phía với Syria và Nicaragua – hai nước không tham gia thỏa thuận này. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thỏa thuận khi Mỹ là nước có lượng khí phát thải lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Ngoài ra các nước ủng hộ thỏa thuận lo ngại quyết định của Mỹ sẽ khiến nhiều nước rút theo, hoặc giảm cam kết cắt giảm khí thải.

Dư luận thế giới đã ngay lập tức phản ứng gay gắt về quyết định trên của Tổng thống Mỹ.

Liên hiệp quốc đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Tổng thống Mỹ, cho rằng đây là “một sự thất vọng quá lớn”. Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Liên hiệp quốc Stephane Dujarric nhấn mạnh, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris là một sự thất vọng lớn đối với nỗ lực của thế giới trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy an ninh thế giới. “Tổng thư ký Liên hiệp quốc tin tưởng rằng, tất cả các bên liên quan khác của hiệp định sẽ thể hiện bày tỏ  sự tiên phong và tầm nhìn cùng với các bang khác của nước Mỹ giảm lượng phát thải khí các-bon, tạo công ăn việc làm vì sự thịnh vượng kinh tế của thế kỷ 21” – ông Stephane Dujarric nói.

Cảnh khô hạn tại khu vực đập Theewaterskloof gần Villiersdorp, Nam Phi ngày 10/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảnh khô hạn tại khu vực đập Theewaterskloof gần Villiersdorp, Nam Phi ngày 10-5. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong động thái được nhìn nhận là phản ứng chính thức đầu tiên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút nước này khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, lãnh đạo 3 nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định hiệp định này sẽ không thể được đàm phán lại.      

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ đã công bố rút khỏi Hiệp định Paris. Tôi tôn trọng quyết định này của ông ấy song tôi cho rằng đây là một quyết định sai lầm cho cả nước Mỹ và hành tinh của chúng ta. Tôi tái khẳng định quan điểm rằng Hiệp định Paris là không thể đảo ngược và sẽ được không chỉ nước Pháp mà nhiều nước khác trên thế giới thực thi”.

Các trụ sở hành chính tại Paris ngay lập tức được bật đèn xanh trong đêm như một cách để bày tỏ sự phản đối đối với quyết định của ông Trump.

Bản thân nội bộ nước Mỹ cũng chia rẽ trước quyết định của Tổng thống Trump, trong một phát biểu mới nhất, cựu Tổng thống Barack Obama đã lên tiếng chỉ trích khi cho rằng rút Mỹ khỏi hiệp định là hành động “bác bỏ tương lai” của chính nước Mỹ.

Người đứng đầu tập đoàn Tesla Elon Musk cho biết, ông sẽ rời Hội đồng Cố vấn Nhà trắng sau quyết định của Tổng thống Trump.

Hồng Như (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.