Multimedia Đọc Báo in

G7: bế tắc trong vấn đề khí hậu và bất đồng về vấn đề di cư

21:57, 27/05/2017

G7 đã không thể thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quan điểm ủng hộ hay phản đối thỏa thuận khí hậu Paris.

Ngày 26-5, sau nhiều giờ thảo luận tại cuộc họp G7 diễn ra ở Sicily, Italy, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi là kịch tính và gây tranh cãi, chủ đề về biến đổi khí hậu đã không đạt được bước đột phá nào nếu không nói là bế tắc.

Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni cho biết, ngoại trừ Mỹ, tất cả các quốc gia khác là Nhật Bản, Pháp, Canada, Anh, Đức, Italy đều xác nhận sẽ tham gia hiệp định cắt giảm khí thải nhà kính nhằm ngăn chặn Trái đất nóng lên quá 2 độ C. Theo ông Gentiloni, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn đang cân nhắc về vấn đề này, đồng thời bày tỏ hi vọng rằng Mỹ cuối cùng cũng sẽ tôn trọng cam kết cắt giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris.

Từ phải sang trái: Tổng thống Italy Getiloni nói chuyện cùng Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ảnh: Reuters
Từ phải sang trái: Tổng thống Italy Getiloni nói chuyện cùng Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu bên lề hội nghị, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng sẽ không phù hợp nếu chính quyền Washington tìm cách đối đầu với hàng trăm quốc gia tham gia ký kết Hiệp định khí hậu ở Paris (Pháp) tháng 12-2015. “Tất cả những người tham gia Hội nghị đã trình bày những lập luận của mình song đều nhất trí ủng hộ thỏa thuận khí hậu”, bà nói, “Còn mỗi Mỹ, thành viên của Hiệp ước biến đổi khí hậu đang chần chừ. Tôi thực sự không muốn có một cuộc đối đầu với Mỹ về vấn đề này. Tôi và Tổng thống Trump đã có một cuộc trao đổi nhiều tranh cãi nhưng  hiệu quả. Tôi tin rằng, cách tiếp cận của chính quyền Mỹ sẽ làm cho cuộc tranh luận về vấn đề này cởi mở hơn”.

Việc Mỹ vẫn do dự có tham gia hay không Hiệp định khí hậu đã phủ bóng đen lên Hội nghị Khí hậu quốc tế diễn ra mới đây tại Bonn (Đức) về việc phác thảo “bộ quy tắc” hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện thỏa thuận nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua biện pháp cắt giảm khí thải nhà kính...

Đã có 196 nước tham gia Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Theo văn kiện này, các nước tham gia thỏa thuận sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C. Trong đó, Mỹ sẽ phải cắt giảm khoảng 26-28% lượng khí thải vào năm 2025.

Về vấn đề di cư, nguyên thủ quốc gia G7 đã làm việc với lãnh đạo các nước châu Phi gồm Ethiopia, Kenya, Niger, Nigeria và Tunisia. Đây là 5 nước châu Phi có vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng người di cư trên Địa Trung Hải khi những nước này là nơi xuất phát hoặc là điểm trung chuyển của hàng trăm nghìn người di cư muốn đến châu Âu bất chấp những nguy hiểm rình rập khi vượt qua Địa Trung Hải. 

Việc Italy - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 trong năm nay- tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Sicily cũng nhằm nêu bật tính cấp thiết của việc giải quyết cuộc khủng hoảng này. Tuy nhiên, theo các nguồn tin Italy, ngay cả điều này cũng không ngăn được bất đồng giữa lãnh đạo các nước tham dự hội nghị, cản trở mong muốn ra tuyên bố chung của nước chủ nhà về lợi ích và khó khăn của việc nhập cư. Nhiều chỉ trích đã nổ ra xung quanh việc Mỹ muốn áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân đến từ 6 nước có đông người Hồi giáo đã nhận được nhiều lời chỉ trích.

Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh chung. (Nguồn: Reuters)
Các nhà lãnh đạo G7 chụp ảnh chung. (Ảnh: Reuters)

Kết thúc ngày làm việc đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển, những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ nhóm G7 đã thông qua một tuyên bố chung về đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan trên toàn cầu.

Tuyên bố gồm 15 điều, theo đó, nhấn mạnh rằng các nước thuộc nhóm G7 coi chống khủng bố là ưu tiên chủ chốt và sẽ cùng nhau có những hành động cứng rắn nhất để "tìm kiếm, nhận dạng, xóa bỏ và trừng phạt mọi kẻ khủng bố cũng như những thế lực ủng hộ", không phân biệt đó là hành động khủng bố chống lại các thành viên G7 hay các quốc gia, khu vực khác. Các nước tham gia cũng cam kết rằng những nỗ lực chống khủng bố sẽ được nâng lên ở một mức độ cao hơn để điều tra, ngăn chặn và truy lùng những nhân tố khủng bố.

Tuyên bố cũng kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ Internet cùng các mạng xã hội nỗ lực hơn nữa trong việc ngăn chặn các nội dung kích động và truyền bá tư tưởng cực đoan của các đối tượng khủng bố.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo G7 cũng khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng sức ép lên Triều Tiên sau các động thái gây gia tăng căng thẳng vừa qua của Bình Nhưỡng, đồng thời kêu gọi Nga và Iran sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để đẩy mạnh việc thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria.

Hà Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.