Multimedia Đọc Báo in

Kết quả bầu cử EP 2019: Châu Âu trước nguy cơ ngày càng chia rẽ

09:53, 31/05/2019

Kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) diễn ra từ ngày 23 đến 26-5 vừa qua đang đẩy Liên minh châu Âu (EU) vào tình thế “rối càng thêm rối” trong bối cảnh khối này cần sự đoàn kết hơn lúc nào.

Khối đảng Nhân dân châu Âu (EPP) và Liên minh Chủ nghĩa xã hội và Dân chủ (S&D) vẫn là hai đảng mạnh nhất tại Nghị viện châu Âu (EP) khóa mới, nhưng lần đầu tiên sau hai thập niên, liên minh này không còn chiếm đa số. Việc đảng Xanh và các đảng theo đường lối cực hữu giành được kết quả đột phá khiến EU đang đứng trước nguy cơ ngày càng chia rẽ, khi việc tìm được tiếng nói chung ở cơ quan lập pháp cao nhất trở nên khó khăn hơn.

Để giành được thế đa số, liên minh nắm quyền tại EP phải tập hợp được tối thiểu 376 ghế. Trong khi đó, hiện tại nhóm đảng EPP và S&D đang chỉ nắm giữ 329 ghế, sau khi đã để mất tới 75 ghế trong cuộc bầu cử này. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện một liên minh tối thiểu là 3 nhóm đảng tại EP trong nhiệm kỳ 2019 - 2024. Sự xuất hiện của một nhóm đảng thứ ba sẽ tác động nhiều đến khả năng hoạch định chính sách của EP, bởi việc tìm kiếm một tiếng nói đồng thuận chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm của châu Âu hiện nay, và nhờ sự quan tâm lớn của các cử tri, đảng Xanh đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử EP lần này. Tại Đức, đảng Xanh đã vượt qua đảng Dân chủ Xã hội (SPD) để trở thành đảng lớn thứ hai của Đức ở EP, chỉ còn xếp sau liên đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo/Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU). Tại Pháp, đảng Xanh và sinh thái châu Âu (EEVL) cũng đạt được bước tiến rất quan trọng.

Cử tri bỏ phiếu bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tại Le Touquet (Pháp) ngày 26-5-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cử tri bỏ phiếu bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) tại Le Touquet (Pháp) ngày 26-5-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bầu cử EP 2019 là một bước tiến nữa đối với các đảng dân túy và cực hữu, sau những thành công tại các cuộc bầu cử quốc gia gần đây. Những bước tiến hay chiến thắng quan trọng của các đảng này ở Italy, Pháp, Đức... sẽ góp phần hình thành nên một nhóm quyền lực mới tại EP, như chính nhận định của bà Marine Le Pen - người đứng đầu đảng Tập hợp quốc gia theo đường lối cực hữu tại Pháp. Không chỉ ở các nước lớn trong EU, các quốc gia nhỏ cũng chứng kiến sự lớn mạnh khó cưỡng của phe dân túy. Tại Hungary, đảng dân túy Fidesz của Thủ tướng Victor Orban đã giành chiến thắng vang dội, dự kiến đạt hơn 52% số phiếu ủng hộ, trong khi phái cực hữu vùng Flanders ở Bỉ cũng đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Tuy nhiên, việc các đảng dân túy và cực hữu có mặt trong liên minh cầm quyền ở EP hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Để ngăn chặn nguy cơ này, vốn sẽ khiến EP rơi vào tình trạng rối loạn, khối trung hữu truyền thống tại EP có thể chào đón các thành viên của đảng Xanh, cũng như các đảng tự do tham gia liên minh.

Vấn đề đặt ra là khối đảng Xanh và tự do dường như không cùng đường lối với hai đảng trung hữu truyền thống đang chi phối các chính sách châu Âu hiện nay. Ngược lại, khối đảng Xanh và tự do có quan điểm giống như các nhóm hoài nghi châu Âu, là muốn cải cách và làm mới EU. Đây sẽ là rào cản đối với khả năng liên minh giữa phe trung hữu và khối đảng Xanh.

Hàng loạt thách thức đang đặt ra với EP khóa mới, từ việc giải quyết bài toán Brexit với nước Anh, xử lý mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với nước Mỹ, hay các quan hệ không kém phần phức tạp với các nước lớn khác như Nga và Trung Quốc, đến những vấn đề nội bộ hơn như sự trỗi dậy của phong trào dân túy và cực hữu, ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế...

Hiện nay, chủ đề “nóng” nhất tại châu Âu sau bầu cử là việc phân chia các vị trí quyền lực, gồm chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hay vị trí Cao ủy phụ trách đối ngoại và an ninh của châu Âu.

Hôm 28-5, lãnh đạo các nước EU đã có cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức ở Brussels (Bỉ) để bàn về chủ đề này. Mâu thuẫn đáng chú ý nhất bây giờ liên quan đến việc lựa chọn người giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) thay ông Jean-Claude Juncker. Nước Đức muốn giữ cơ chế “spitzenkandidat”, tức lực lượng chính trị nào đứng đầu Nghị viện châu Âu thì người của lực lượng đó sẽ giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã công khai ủng hộ ông Manfred Weber, chính trị gia 46 tuổi người Đức và hiện là Chủ tịch nhóm nghị sĩ của các đảng Nhân dân châu Âu (EPP) tại Nghị viện châu Âu. Tuy nhiên Pháp đã công khai phản đối ý định của Đức và yêu cầu hủy bỏ cơ chế “spitzenkandidat”. Theo giới quan sát, chính phủ Pháp hiện đang phản đối ông Manfred Weber giữ chức Chủ tịch Ủy ban châu Âu vì lo ngại một chính trị gia người Đức nắm giữ cương vị này sẽ tạo nên các ảnh hưởng bất lợi đến Pháp, nước hiện đang có nhiều khác biệt trong quan điểm cải tổ EU so với Đức

Theo kế hoạch, Nghị viện châu Âu khóa mới sẽ có phiên họp đầu tiên vào ngày 2-7 và sẽ chính thức thảo luận việc lựa chọn người thay thế ông Jean-Claude Juncker từ ngày 1-11 trên cương vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu.

Lần đầu tiên kể từ năm 1999, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu bầu EP đã vượt qua mức 50%. Tuy nhiên, đó không hẳn là một tín hiệu vui, khi các nghiên cứu và khảo sát chỉ ra rằng, tỷ lệ cử tri tăng trở lại chủ yếu đến từ nhóm những người ủng hộ các đảng chống lại châu Âu và các đảng dân túy. Điều đó cho thấy, mâu thuẫn và chia rẽ tại châu Âu ngày càng trầm trọng hơn.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.