Multimedia Đọc Báo in

Thế giới sẽ thay đổi thế nào sau đại dịch Covid-19?

09:00, 04/05/2020
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới cách hành xử của các quốc gia, các chính phủ, các nhà lãnh đạo cũng như các mối quan hệ như thế nào?

Toàn cầu hóa có thể bị đảo ngược?

Các nước trên thế giới đối phó với đại dịch Covid-19 bằng việc hạn chế đi lại, ngăn chặn dòng người từ những vùng dịch… Khi đại dịch qua đi, các biện pháp này sẽ được gỡ bỏ; tuy nhiên, với nhận thức mới về nguy cơ liên quan đến dòng người đi lại tự do, sẽ có nhiều điều mà người ta muốn tránh trong các kế hoạch kinh doanh, cuộc sống hay giải trí xuyên biên giới trong tương lai.

Những người khác dự đoán rằng, “xu hướng trở về” sẽ diễn ra ở nhiều nơi với việc nhiều doanh nghiệp đưa các nhà máy ở nước ngoài “hồi hương”. Trải qua tai ương kinh tế trong đại dịch, con người giờ đây nhận ra rằng nếu không có các nhà máy cung cấp các linh kiện và hàng hóa ở chính đất nước mình thì sẽ khó chống đỡ được một cuộc khủng hoảng quốc tế như Covid-19. Nếu xu hướng này phát triển, các nước có nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại quốc tế cũng sẽ phải gánh chịu hậu quả khi nhiều nước giảm nhập khẩu trong một thời gian. Bởi vậy, sau đại dịch, một số nước sẽ phải đối mặt với suy thoái kinh tế chưa từng có.

Do dịch bệnh, việc tự do di chuyển đã phải hạn chế, ít nhất là tạm thời. (Ảnh: Reuters)
Do dịch bệnh, việc tự do di chuyển đã phải hạn chế, ít nhất là tạm thời. Ảnh: Reuters

Sự suy yếu của các diễn đàn và thể chế đa phương, vốn đã rõ ràng từ trước cuộc khủng hoảng, là một dấu hiệu khác của một thế giới đang thu mình lại. Sau đại dịch, chủ nghĩa bảo hộ có thể gia tăng khi các quốc gia tìm cách hạn chế “phơi nhiễm” với các mối đe dọa toàn cầu trong tương lai.

Dù vậy, dịch Covid-19 khiến các nước nhận thức được tầm quan trọng của việc đầu tư nhiều hơn vào hệ thống y tế toàn cầu cũng như quốc gia. Hơn nữa, nó càng đòi hỏi sự hợp tác cả song phương và đa phương. Vì thế, cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ không chấm dứt xu hướng toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương. Sự thu mình của các nước sẽ chỉ khiến cho phản ứng quốc tế đối phó với vấn đề mang tính toàn cầu trở nên kém hiệu quả và chính họ có thể sẽ phải chịu hậu quả nặng nề hơn.

Sự dịch chuyển quyền lực từ Tây sang Đông

Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Harvard, ông Stephen Walt, cho rằng đại dịch Covid-19, về ngắn hạn sẽ tạo ra một thế giới ít cởi mở hơn.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Italy Enrico Letta cũng từng cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian rằng, đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy chương trình “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump. Theo cựu Thủ tướng Letta, không chỉ Mỹ, nhiều nước khác cũng sẽ theo đuổi cách tiếp cận kiểu “Italy trước tiên”, “Nước Bỉ trước tiên” hay “Nước Đức trước tiên” trong bối cảnh hiện nay.

“Covid-19 cũng sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch của quyền lực và ảnh hưởng từ Tây sang Đông. Phản ứng ở châu Âu và Mỹ được đánh giá là khá chậm trễ khi so sánh với Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Điều này làm lu mờ những tiến bộ của “thương hiệu” phương Tây… Chúng ta sẽ thấy có sự giảm bớt đi của toàn cầu hóa, bởi công dân muốn chính phủ bảo vệ họ và các nước, các công ty muốn tìm cách giảm bớt những điểm yếu trong tương lai. Về ngắn hạn, Covid-19 sẽ tạo ra một thế giới ít cởi mở hơn, ít thịnh vượng và ít tự do hơn”, Giáo sư Walt nhận định.

Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy rõ thực tế rằng sự quản trị hiệu quả là “con át chủ bài” xếp hạng quyền lực (kinh tế hoặc quân sự) trong việc đối phó với các mối đe dọa toàn cầu. Mỹ hóa ra lại là một “chính phủ thực hiện kém”, như Fareed Zakaria - nhà bình luận của Washington Post nhận định, dù vẫn còn quá sớm để đánh giá thành công sau cùng.

Vai trò của Mỹ bị thách thức?

Nhà phân tích Mira Hooper của Hội đồng Mỹ về quan hệ đối ngoại cho biết rằng, sự lãnh đạo của Mỹ trong đại dịch Covid-19 dường như cho thấy sự thất bại. Điều đó đặt người Mỹ vào một sự nguy hiểm không cần thiết, trong khi lại gạt chính mình khỏi vai trò lãnh đạo trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu, đặc biệt là khi tuyên bố cắt viện trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Nhân viên y tế hỗ trợ chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Glen Burnie, Maryland (Mỹ) ngày 25-4. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế hỗ trợ chuyển bệnh nhân Covid-19 tại Glen Burnie, Maryland (Mỹ) ngày 25-4. Ảnh: AFP/TTXVN

Viết trên Wall Street Journal, học giả, nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger cũng nhắc nhở rằng để chiến thắng Covid-19, Mỹ cần phải hợp tác với phần còn lại của thế giới. Bình luận của Kissinger đang phản ánh sự thật rằng rất nhiều người đang hoài nghi khả năng "lãnh đạo toàn cầu" của Mỹ. Người ta cũng thấy rằng Covid-19 là thời điểm các thế lực như Trung Quốc hay Nga có thể tận dụng để thay thế Mỹ.

Ở Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long khi trả lời Đài CNN cuối tháng trước đã lấp lửng bằng giọng điệu rất quen thuộc. Ông chỉ trích sự đấu đá của Mỹ và Trung Quốc trong câu chuyện đổ lỗi nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2. Tuy nhiên ông "nhắn nhẹ" người Mỹ rằng thế giới cần Mỹ nhưng cũng có thể quen với một mô thức khác.

Cuộc khủng hoảng hiện nay cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự tín nhiệm của Mỹ trên trường quốc tế cũng như chính quyền ông Donald Trump trong lòng nước Mỹ. Hình ảnh một siêu cường không may mắn với nền kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới bị tác động và ngã quỵ bởi dịch bệnh đã được cảnh báo từ trước rằng điều đó sẽ khó có thể quên được.

Một số nhà phân tích cho rằng, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế Mỹ sẽ khắc nghiệt hơn so với Trung Quốc. Nếu nhận định này trở thành hiện thực, nó sẽ thúc đẩy quyền lực xoay sang châu Á. Sự thiệt hại của Mỹ cả về quyền lực cứng lẫn quyền lực mềm sẽ làm nổi bật sự dịch chuyển một trật tự thế giới hậu Mỹ: một thế giới đa phương.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.