Multimedia Đọc Báo in

Giải thưởng Nobel 2020: Khép lại một mùa giải thành công

08:48, 16/10/2020
Chiều 12-10, Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã công bố giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho hai nhà kinh tế học người Mỹ gồm Paul R.Milgrom và Robert B.Winson với nghiên cứu về lý thuyết đấu giá và sáng tạo ra các hình thức đấu giá mới.

Hai nhà kinh tế R.Milgrom (72 tuổi) và  B.Winson (83 tuổi) đã nghiên cứu cách thức hoạt động của các cuộc đấu giá. Họ cũng đã vận dụng những hiểu biết của mình để thiết kế các hình thức đấu giá mới dành cho các loại hàng hóa và dịch vụ gặp khó khăn khi được bán theo cách truyền thống, như tần số vô tuyến. Nghiên cứu của họ đã mang lại lợi ích cho người bán, người mua và những người nộp thuế trên khắp thế giới.

Đây là giải thưởng thứ 6 và cũng là giải thưởng cuối cùng, khép lại mùa giải Nobel 2020. Trước đó, các giải Nobel Hóa học, Nobel Vật lý, Nobel Y học, Nobel Văn học và Nobel Hòa bình 2020 cũng đã lần lượt được công bố trong tuần trước. Tất cả những nhân vật và tổ chức được vinh danh trong mùa Nobel năm nay đều được đánh giá là xứng đáng và không gây tranh cãi.

Giải Nobel Y học được trao cho ba nhà khoa học Harvey J. Alter, Michael Houghton và Charles M.Rice với công trình nghiên cứu về vi rút viêm gan C. Công trình đã có đóng góp quyết định trong cuộc chiến chống bệnh viêm gan lây truyền qua đường máu, một vấn đề sức khỏe toàn cầu gây ra xơ gan và ung thư gan ở nhiều người dân trên thế giới, từ đó giúp tìm ra phương pháp xét nghiệm máu và loại thuốc kháng vi rút mới đem lại hy vọng sống cho hàng triệu người.

Nhà hóa học Pháp Emmanuelle Charpentier (trái) và nhà hóa học Mỹ Jennifer Doudna được vinh danh Giải Nobel Hóa học năm 2020 nhờ phát minh công cụ chỉnh sửa gien di truyền CRISPR/Cas9.
Nhà hóa học Pháp Emmanuelle Charpentier (trái) và nhà hóa học Mỹ Jennifer Doudna được vinh danh Giải Nobel Hóa học năm 2020 nhờ phát minh công cụ chỉnh sửa gien di truyền CRISPR/Cas9.

Trong khi đó, ở lĩnh vực vật lý, ba nhà khoa học Roger Penrose (Anh), Reinhard Genzel (Đức) và Andrea Ghez (Mỹ) đã được vinh danh nhờ những phát hiện về một trong những hiện tượng kỳ thú nhất trong vũ trụ - đó là hố đen. Nhà khoa học Roger Penrose đã chứng minh từ thuyết tương đối có thể dự báo sự hình thành của hố đen. Trong khi đó, hai nhà khoa học Reinhard Genzel và Andrea Ghez phát hiện ra vật thể siêu nặng và không thể quan sát được chi phối các quỹ đạo của các ngôi sao tại trung tâm của dải Ngân hà và cách lý giải duy nhất hiện nay cho vật thể siêu nặng đó chính là một hố đen siêu lớn.

Giải Nobel Hóa học năm 2020 thuộc về hai nhà hóa học nữ là Emmanuelle Charpentier (Pháp) và Jennifer Anne Doudna (Mỹ), nhờ phát minh công cụ chỉnh sửa gien di truyền "sắc bén" nhất từ trước tới nay CRISPR/Cas9. Trong đó, bà Emmanuelle Charpentier, nhà nghiên cứu vi sinh học, gien và hóa sinh học, Giám đốc Viện Sinh học Nhiễm trùng Max Planck ở Berlin (Đức), được biết đến nhiều nhất nhờ vai trò trong việc giải mã các cơ chế phân tử của hệ miễn dịch vi khuẩn CRISPR/Cas9 (enzym từ vi khuẩn kiểm soát khả năng miễn dịch của vi sinh vật) và biến thành công cụ cho việc chỉnh sửa gien. Bà Jennifer Anne Doudna, Giáo sư Khoa hóa và Khoa sinh học phân tử và tế bào thuộc Đại học California ở Berkeley (Mỹ), nổi tiếng nhờ công trình tiên phong của bà trong việc chỉnh sửa gien CRISPR. Năm 2012, bà Doudna cùng với bà Charpentier là những người đầu tiên đề xuất rằng CRISPR/Cas9 có thể được sử dụng để chỉnh sửa lập trình gien như "một cây kéo sinh học". Hiện nay, công nghệ CRISPR đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực từ cây trồng, vật nuôi, nông nghiệp, y học... Trong lĩnh vực y học, các nhà khoa học đã ứng dụng công nghệ CRISPR để chữa các bệnh di truyền.

Giải Nobel Văn học năm nay được trao cho nữ thi sĩ Louise Gluck, Chủ tịch Viện Hàn lâm các nhà thơ Mỹ. Với giọng thơ mang bản sắc riêng, không thể nhầm lẫn, nữ thi sĩ sinh năm 1943 luôn kiếm tìm cảm hứng từ những mô típ cổ điển. Đến nay, nữ thi sĩ đã có 12 tuyển tập thơ và giành nhiều giải thưởng văn chương lớn ở Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn quốc gia, giải Pulitzer, Giải thưởng Sách quốc gia, Giải thưởng của Hội phê bình sách quốc gia, và giải Bollingen. Năm 2003 và 2004, bà được vinh danh là thi sĩ chính thức đại diện cho nước Mỹ và nền thi ca Mỹ.

Sau gần 60 năm nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới, cũng như những đóng góp trong việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của Liên hiệp quốc đã được vinh danh với giải Nobel Hòa bình 2020.

WFP là tổ chức nhân đạo lớn nhất thế giới, giải quyết nạn đói và thúc đẩy an ninh lương thực. Các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, đặc biệt là tại châu Phi, mà còn đóng góp cho sự ổn định và an ninh toàn cầu. Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng số nạn nhân của nạn đói trên thế giới. Đối mặt với đại dịch, WFP đã chứng tỏ năng lực ấn tượng trong việc tăng cường và phát huy vai trò của mình, như tổ chức này từng chia sẻ: "Cho tới ngày chúng ta có được vắc xin y tế, lương thực chính là loại vắc xin tốt nhất chống lại sự hỗn loạn".

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ trao các giải Nobel Y học, Vật lý, Hóa học, Văn học và Kinh tế sẽ được tổ chức qua cầu truyền hình. Trong khi đó, Viện Nobel Na Uy sẽ thu hẹp quy mô lễ trao giải Nobel Hòa bình dự kiến diễn ra tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào tháng 12 tới do tình hình dịch Covid-19.

Theo TTXVN

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.