Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh

10:31, 23/12/2017

Viêm tai giữa là căn bệnh phổ biến thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ làm cho bé bị đau, giảm khả năng nghe mà còn ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm của bé.

Trong tai trẻ có một đường ống tai nhỏ gọi là vòi nhĩ, có nhiệm vụ kết nối vùng tai giữa với phần sau của họng và mũi, đồng thời giúp cân bằng áp lực. Khi họng và mũi bị ẩm ướt do tiết dịch nhầy, vi khuẩn phát triển. Vì vòi nhĩ của trẻ nhỏ ngắn, rộng và phát triển theo chiều ngang nên khi họng và mũi tiết dịch nhầy, vi khuẩn sẽ dễ dàng bám vào và di chuyển xung quanh khu vực này. Dịch lỏng từ mũi họng bị mắc kẹt tại bất kì vị trí nào trong khoang tai sẽ đều là cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy, trẻ nhỏ thường dễ bị mắc bệnh viêm tai giữa.

Đau tai là một dấu hiệu chung thường gặp của viêm tai giữa. Một dấu hiệu bạn sẽ dường như không thấy khi bé bị viêm tai giữa, đó là sốt. Trừ khi bé bị viêm đường hô hấp nặng thì thân nhiệt của bé lúc này mới tăng lên. Mũi của bé là nơi sẽ báo tín hiệu cho bạn biết bé bị viêm tai giữa vì viêm tai giữa thường diễn ra sau khi bé bị cảm lạnh, do đó dịch nhầy chảy ra từ mũi sẽ chính là dịch nhầy có trong tai bé.

Điều thường thấy ở trẻ là đầu tiên mũi bé hơi nghẹt rồi chảy nước trong; vài ngày sau đó, khi dịch nhầy chảy ra chuyển sang màu vàng hay xanh lá cây là lúc bé bắt đầu nhiễm bệnh và trở nên cáu kỉnh, đồng thời nguy cơ viêm tai giữa tăng cao. Ngoài ra, bé sẽ thường thức giấc vào ban đêm và tỏ ra đau đớn, nhất là khi thời tiết trở lạnh. Khi bé nằm ngửa, chất dịch trong tai bé sẽ đổ dồn về phía màng nhĩ, gây khó chịu cho bé. Vì vậy, lúc này bé sẽ không muốn nằm ngửa khi ngủ mà sẽ trở mình liên tục, lăn qua lăn lại để giảm bớt áp lực trong tai cũng như để làm cho cơn đau tai giảm bớt.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), để phòng bệnh viêm tai giữa ở trẻ, cần lưu ý cho bé bú sữa mẹ  để cung cấp và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên cho bé. Cho bé bú bình ở tư thế thẳng đứng (tạo thành góc nghiêng ít nhất 30 độ) và giữ tư thế đó ít nhất là 30 phút sau khi bú xong. Giữ bé tránh xa các chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong hốc mũi và tai giữa của bé. Để thú nhồi bông, vật nuôi và bất cứ đồ vật gì có lông ở xa chỗ bé ngủ và tuyệt đối không được hút thuốc xung quanh bé. Hạn chế cho bé ngậm núm vú giả khi bé ngủ ban đêm, nhất là với bé từ 6 tháng trở lên vì có mối tương quan giữa việc ngậm núm vú giả và viêm tai giữa. Tăng cường khả năng miễn dịch cho bé bằng cách cho bé ăn nhiều trái cây, rau củ quả và hải sản…

Nguyệt Ánh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.