Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh tuyên truyền người dân phòng chống sốt rét

09:09, 09/03/2019

Mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, song số người mắc bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh vẫn đang gia tăng và có những diễn biến phức tạp. Để thông tin kịp thời đến bạn đọc, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh về vấn đề này.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng tỉnh.
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng tỉnh.

* Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về tình hình bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh trong những tháng đầu năm nay?

Trong 2 tháng đầu năm 2019, bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã ghi nhận 120 ca bệnh, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2018. Số ca bệnh xuất hiện tại 6/15 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Ea Kar, Krông Năng, M’Đrắk, Ea H'leo, Ea Súp, Buôn Đôn. Trong đó, huyện Ea Kar là địa phương có số mắc cao nhất với trên 50 ca bệnh, kế tiếp là Krông Năng với 33 ca bệnh. Đặc biệt, các ca bệnh tập trung chủ yếu ở các địa bàn giáp ranh với rừng quốc gia như xã Ea Sô, Ea Sar (huyện Ea Kar), Ea Đah (huyện Krông Năng).

* Nguyên nhân của sự gia tăng bất thường này là do đâu, thưa bác sĩ?

Ngoài sự phục hồi của véc tơ truyền bệnh ở các địa bàn trước đây đã tồn tại sốt rét, một nguyên nhân khá quan trọng phải nói đến là ý thức bảo vệ phòng chống muỗi đốt khi đi rừng, ngủ rẫy, giao lưu giữa các khu vực của người dân chưa cao. Trên thực tế, tháng 1, 2 là thời điểm giáp Tết Nguyên đán nên người dân ở một số địa phương thường đi rừng khai thác hoa lan, lâm thổ sản về bán và thường hay ngủ lại trong rừng nhưng lại không mang theo võng màn do ngành Y tế đã cấp phát để dùng khi ngủ. Đây cũng chính là khó khăn trở ngại lớn nhất đối với ngành Y tế trong công tác phòng chống sốt rét hiện nay.

Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Huê (huyện Ea Kar) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn  về các biện pháp phòng chống sốt rét.
Cán bộ Trạm Y tế xã Cư Huê (huyện Ea Kar) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về các biện pháp phòng chống sốt rét.

* Vậy phía Trung tâm đã có những giải pháp nào để giải quyết khó khăn nói trên và ngăn chặn sự gia tăng của sốt rét trên địa bàn, thưa bác sĩ?

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh sốt rét trên địa bàn, Trung tâm Phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh đã tổ chức đoàn công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng điểm về sốt rét để giúp đỡ, giám sát tìm nguyên nhân mắc bệnh, điều tra côn trùng tìm véc tơ truyền bệnh và lấy các lam máu trong cộng đồng để phát hiện chủ động ca bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã chủ động tham mưu cho Sở Y tế có công văn chỉ đạo Trung tâm Y tế các địa phương tăng cường công tác phòng chống sốt rét cả trước và sau Tết Nguyên đán; tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân khi đi rừng ngủ rẫy phải sử dụng kem xua muỗi, võng màn do ngành Y tế cấp để bảo vệ chính bản thân mình trước bệnh sốt rét; đồng thời khuyến cáo người dân đi rừng nên mặc quần áo dài và đi về trong ngày; sau khi đi rừng về nếu thấy có dấu hiệu của bệnh sốt rét như sốt kèm theo rét run phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, phát hiện bệnh kịp thời. Đối với hệ điều trị, Sở Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo bệnh viện đa khoa các tuyến khi tiếp nhận bệnh nhân sốt rét phải sẵn sàng điều trị chủ động, khống chế không để bệnh nhân sốt rét chuyển thành ác tính và tử vong do sốt rét.

Ngoài ra, Trung tâm cũng đang xây dựng kế hoạch và đề xuất kinh phí để triển khai hoạt động tẩm màn, phun hóa chất phòng chống sốt rét đợt 1 tại các địa bàn có nguy cơ cao. Dự kiến các hoạt động này sẽ được triển khai vào Ngày Thế giới phòng chống sốt rét tới đây (25-4).

* Trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.