Multimedia Đọc Báo in

Dốc lòng vì sức khỏe người bệnh tâm thần

08:26, 24/03/2019
Trong những năm qua, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế để người bệnh có được sự chăm sóc tốt nhất.
 
Theo số liệu thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, năm 2018 bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho 16.545 bệnh nhân, trong đó có 1.368 bệnh nhân điều trị nội trú. Nhờ sự chăm sóc tận tâm, tận tình của các y, bác sĩ, sức khỏe tâm thần của nhiều bệnh nhân đã được cải thiện rõ rệt.
 
Bà H’Drũm Niê Kđăm (đường Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột) có cậu con trai mắc bệnh tâm thần từ năm 2001. Đến năm 2018, con trai bà trở về nhà sau nhiều lần bỏ đi lang thang, gia đình đã đưa vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị. Bà H’Drũm chia sẻ: “Ở nhà do không làm chủ được hành vi của mình nên cháu hay đập phá đồ đạc, đánh đập cha mẹ, vợ con nên tôi biết các y bác sĩ rất vất vả với cháu. Điều trị ở bệnh viện một thời gian, triệu chứng bệnh của con tôi đã được cải thiện nhờ sự chăm sóc tận tụy của các y bác sĩ. Gia đình tôi thật sự vô cùng biết ơn”.
 
Công tác trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân không bình thường về tâm lý, không tự chủ được hành vi nên các y bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần tỉnh rất vất vả và phải chịu nhiều áp lực.
 
Gắn bó với nghề hơn 3 năm, điều dưỡng Khoa điều trị Nam cấp và Bán cấp Phạm Thị Thanh Hằng chia sẻ: “Điều dưỡng và các y, bác sĩ đã là một nghề rất vất vả; song điều dưỡng, y, bác sĩ ở bệnh viện tâm thần vất vả hơn gấp bội, công việc của nhân viên y tế ở đây nặng nhọc và nhiều bất trắc hơn bất cứ bệnh viện nào khác bởi hầu hết các bệnh nhân khi vào viện đều không ý thức được các hành vi của mình. Chúng tôi có thể bị bệnh nhân đuổi đánh bất cứ lúc nào, thậm chí có khi tính mạng còn gặp nguy hiểm. Đã có lần một chị điều dưỡng đang mang thai 6 tháng, lúc cho bệnh nhân uống thuốc thì bị bệnh nhân bế xốc lên trời khiến mọi người ai cũng hoảng sợ bởi chỉ cần bệnh nhân lỡ tay ném chị xuống thì không biết hậu quả như thế nào. May mà sau đó mọi chuyện đều ổn thỏa”.
 
Bác sĩ Nguyễn Thị Bé (Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh) chăm sóc bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Bé (Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Tâm thần tỉnh) chăm sóc bệnh nhân.
Hiện nay, Khoa điều trị Nam cấp và Bán cấp có 6 điều dưỡng, 1 bác sĩ trưởng khoa, 1 bác sĩ điều trị hằng ngày chăm sóc cho 40 bệnh nhân nội trú. Hằng tuần, cứ vào thứ 2, 4, 6, các y bác sĩ sẽ tổ chức vệ sinh, tắm rửa, cắt tỉa móng tay, móng chân cho bệnh nhân. Khi có lịch trực, mỗi điều dưỡng sẽ trực một ngày một đêm, chăm sóc toàn bộ bệnh nhân.
 
“Là phụ nữ chưa chồng, nhưng đều đặn tới lịch là tôi lại đảm nhiệm công việc tắm rửa từ A đến Z cho các bệnh nhân nam. Từ cho dùng thuốc, ăn uống đến cắt tóc, tắm rửa..., việc gì cũng có thể gặp sự chống đối và thậm chí bị hành hung. Với điều dưỡng viên bệnh viện tâm thần, việc phục vụ các sinh hoạt cá nhân cho người bệnh không hề nhẹ nhàng như ở chuyên khoa khác mà tiêu tốn rất nhiều sức lực. Nịnh nọt, dỗ dành, răn bảo, dọa nạt..., không có cách nào không được áp dụng. Lúc đầu mới vào nghề, tôi cũng rất lo sợ, lắm khi cũng thấy mệt mỏi. Nhưng khi nhìn thấy nỗi vất vả của người nhà bệnh nhân, nhìn thấy những nụ cười vô thức ngây ngô của bệnh nhân, tôi lại thấy thương và tự bảo bản thân phải luôn cố gắng, nỗ lực hết mình cho công việc”, điều dưỡng Hằng tâm sự. 
 
Vừa vỗ về bệnh nhân uống sữa, bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng khoa Khám bệnh và Hồi sức Cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) vừa hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách chăm sóc, dỗ dành người bệnh. Bác sĩ Bé cho biết, hầu hết bệnh nhân nhập viện đều là những người có hoàn cảnh hết sức khó khăn, đáng thương nên các y bác sĩ luôn tìm mọi cách giúp đỡ người bệnh. Chẳng hạn như bệnh nhân L.T. N. (trú huyện Ea Kar) nhập viện vào ngày 21-2-2019, bị câm, điếc bẩm sinh, lại thêm rối loạn tâm thần. N. được mẹ đưa vào bệnh viện trong khi người mẹ đã lớn tuổi, chân trái bị thương đang nhiễm trùng nặng, nguy cơ hoại tử rất cao. Thấy hoàn cảnh hai mẹ con quá khó khăn, các y bác sĩ thay nhau chăm sóc cho N., xin phiếu cơm từ thiện và tạo điều kiện để mẹ N. sang Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên chích thuốc, điều trị vết thương.
 
“Áp lực và trách nhiệm của các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần rất lớn. Nhưng ý thức trách nhiệm của bản thân, chúng tôi luôn nỗ lực để bệnh nhân có được sự chăm sóc tốt nhất. Điều hạnh phúc nhất của các y bác sĩ ở đây là bệnh nhân điều trị bệnh có tiến triển và sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân sẽ được cộng đồng đón nhận, giúp đỡ mà không kỳ thị, xa lánh”, bác sĩ Bé bộc bạch.
 
Phương Nhiên
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.