Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh viêm kết mạc cho trẻ khi thời tiết chuyển mùa

09:30, 02/02/2020
Bệnh viêm kết mạc (thường gọi là đau mắt đỏ) là một trong những bệnh thường gặp nhất ở mắt. Bệnh xuất hiện nhiều vào lúc thời tiết giao mùa, từ đông sang xuân, ngoài trời nhiều gió bụi.
 
Ở trẻ em, bệnh viêm kết mạc có thể gặp từ giai đoạn sơ sinh. Đây là căn bệnh dễ chữa khỏi nhưng nếu điều trị không đúng cách sẽ gây biến chứng, ảnh hưởng tới thị lực của trẻ sau này.
 
Kết mạc (tròng trắng của mắt) là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh. Bệnh viêm kết mạc là tình trạng kết mạc bị viêm nhiễm, với những biểu hiện như mắt sưng, đỏ, cộm xuống, có ghèn nhiều, ngứa mắt…
 
Theo bác sĩ Lê Văn Thanh Bình (Khoa Điều trị tổng hợp, Bệnh viện Mắt tỉnh) cho biết, bệnh viêm kết mạc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh (dưới 30 ngày tuổi) đến người già. Ở trẻ sơ sinh, bệnh đau mắt đỏ thường có nguyên nhân từ người mẹ nhiễm vi khuẩn lây truyền qua đường sinh dục chlamydia hoặc bệnh lậu mà không được điều trị, với triệu chứng phổ biến là mí mắt sưng, đỏ. Còn ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên, cũng giống người lớn, nguyên nhân gây bệnh thường do virút, vi khuẩn hoặc các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa, lông động vật....
 
Viêm kết mạc là bệnh dễ chữa khỏi tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ còn thiếu kiến thức, thường tự mua thuốc chữa bệnh cho trẻ hoặc chữa theo mẹo dân gian khiến tình trạng bệnh nặng hơn, nguy cơ ảnh hưởng tới thị lực của trẻ sau này.
 

 

Bác sĩ Lê Văn Thanh Bình khám cho bệnh nhi viêm kết mạc tại Bệnh viện Mắt tỉnh.  Ảnh: Q. Nhật
Bác sĩ Lê Văn Thanh Bình khám cho bệnh nhi viêm kết mạc tại Bệnh viện Mắt tỉnh. Ảnh: Q. Nhật
Trường hợp của bé Lê Khả H. (15 tháng tuổi, ở huyện Krông Búk) là một ví dụ. Khi thấy bé H. có triệu chứng mắt đỏ, mí sưng, gia đình đã mua nước muối sinh lý về nhỏ cho con nhưng không đỡ. Sau một tuần, mắt bé ngày càng sưng to và chảy máu, gia đình mới đưa đến Bệnh viện Mắt tỉnh khám thì được chỉ định nhập viện điều trị ngay bởi nếu để lâu thêm chút nữa có thể ảnh hưởng tới thị lực sau này.
 
Theo bác sĩ Lê Văn Thanh Bình, bệnh viêm kết mạc nếu phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, sau từ 7 - 10 ngày, bệnh sẽ khỏi hoàn toàn; ngược lại nếu tự chữa, đặc biệt thuốc điều trị có chứa Corticoid thì bệnh có thể gây biến chứng như xuất huyết, viêm, loét giác mạc (tròng đen), nếu khỏi sẽ để lại sẹo trên giác mạc, ảnh hưởng tới thị lực.
 
Vì vậy, khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh viêm kết mạc, các bậc phụ huynh tuyệt đối không được chữa bệnh theo mẹo dân gian như nhỏ sữa vào mắt, đắp lá thuốc, pha nước muối (muối ăn) để nhỏ...  vì những cách làm này chẳng những không khỏi bệnh mà còn khiến tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn.
 
Nếu nhà ở xa cơ sở y tế, có thể dùng nước muối sinh lý Nacl 9 ‰ để nhỏ mắt trong 1 - 2 ngày đầu và nên tới bệnh viện để khám càng sớm càng tốt. Trong thời gian chữa bệnh nên cho trẻ dùng riêng khăn mặt; đeo khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi ra ngoài đường; hạn chế cho tiếp xúc với các trẻ khác; ăn uống đủ dinh dưỡng, tăng cường ăn các loại rau, củ, quả có màu đỏ như cà chua, cà rốt… vì các loại thực phẩm này có chứa nhiều chất betacaroteen tốt cho mắt.
 
Thu Huế
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.