Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức phòng bệnh tay chân miệng

13:57, 31/10/2020

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.028 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho gần 300 bệnh nhi mắc bệnh. Để phòng bệnh tay chân miệng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Tay chân miệng là một bệnh gây ra bởi vi rút, bệnh rất dễ lây, chủ yếu phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ em thường nhiễm vi rút gây bệnh tay chân miệng khi tiếp xúc trực tiếp dịch mũi, miệng, nước bọt, dịch từ các bọng nước và phân của người nhiễm bệnh hoặc từ những đồ vật nhiễm loại vi rút này như đồ chơi, sàn nhà… Khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng loét, đau họng, phát ban, nổi bọng nước trên tay, bàn chân hoặc mông. Với các trường hợp nhẹ, bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh diễn biến nặng, không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến não và để lại một số biến chứng cho trẻ như viêm màng não do vi rút, viêm não.

 

 Bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.    Ảnh: Đình Thi
Bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

 

Cách đây 6 ngày, con anh Lê Công Chành (trú phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) bỗng nhiên quấy khóc, sốt và nổi các nốt ở bàn tay. Gia đình đưa con đến một phòng khám tư nhân thì được chẩn đoán mắc tay chân miệng, bác sĩ kê thuốc cho về bôi và uống. Điều trị tại nhà được khoảng 3 ngày, gia đình phát hiện cháu ngủ hay giật mình, li bì nên lập tức đưa cháu nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, các bác sĩ cho biết cháu bị tay chân miệng độ IIa và chân bị bội nhiễm. Anh Chành xót xa: “Nhìn con không ăn, không uống được vì đau, tôi vô cùng lo lắng. Qua trường hợp của con mình, tôi nghĩ các phụ huynh nên thận trọng hơn, khi phát hiện con mắc bệnh nên theo dõi và đưa con đến cơ sở y tế kịp thời, đề phòng biến chứng nguy hiểm”. Cháu Vi Tuấn Khang (12 tháng tuổi, trú huyện Ea H’leo) cũng đã phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên vì mắc tay chân miệng. Mẹ bé Khang là chị Hoàng Thị Dung cho hay: “Gần nhà tôi có 2 gia đình có con bị tay chân miệng nhưng điều trị tại nhà. Mặc dù đã rất cẩn thận nhưng cuối cùng con tôi vẫn bị lây bệnh. Ban đầu bé quấy khóc, bỏ bú, sốt cao rồi nổi các nốt ở tay. Quá lo lắng, gia đình liền đưa bé nhập viện. Các bác sĩ thông báo con tôi bị tay chân miệng độ IIa, cho thuốc bôi và uống". Bệnh tay chân miệng rất nguy hiểm đối với trẻ em, nhất là các bé đang nhỏ tuổi. Nếu không được theo dõi sát sao, phát hiện và điều trị kịp thời, có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh nên chú ý theo dõi con mình, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát như hiện nay.

Các trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà, tuy nhiên cha mẹ và người chăm sóc cần theo dõi sát tình trạng của trẻ, nếu phát hiện các dấu hiệu trở nặng như trẻ sốt cao liên tục, li bì, giật mình khi ngủ, ngồi không vững, run tay chân, trẻ quấy khóc vô cớ, khóc liên tục thì nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Ngọc Vũ, Khoa Nhi Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, năm nay dịch bệnh tay chân miệng bùng phát với số lượng nhiều hơn so với các năm trước.

Khác với mọi năm, năm nay tại bệnh viện ghi nhận khá nhiều trường hợp trẻ bị tay chân miệng toàn thân, không chỉ nổi ở tay, chân, miệng, mông, đầu gối và có bé còn nổi cả ở bụng. Do đó, nhiều phụ huynh rất dễ nhầm tay chân miệng với thủy đậu. Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vắc xin dự phòng. Việc phòng bệnh chủ yếu thông qua ý thức giữ gìn vệ sinh của trẻ và của người chăm sóc trẻ như rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Cụ thể như, người lớn và trẻ em cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi…

Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hằng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh…

Phương Nhiên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.