Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo nguy cơ nhiễm giun sán do ăn gỏi cá

16:21, 17/04/2021

Gỏi cá sống, thịt tái… là những món đặc sản của một số vùng miền. Nhiều người có thói quen, sở thích ăn các loại thức ăn được chế biến từ thịt tái, sống như bê, dê tái chanh, bò tái, thịt lợn tái chanh, gỏi cá, nem chua… Tuy nhiên, các món ăn này tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh về đường tiêu hóa như giun sán, thậm chí là nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn gây chết người.

Theo nghiên cứu, có khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thủy sản, một số loại có thể gây chết người. Trứng giun sán trên sông, biển, ao hồ trung chuyển qua ốc, tôm, cua rồi ẩn sâu vào thịt cá. Với những món tái như gỏi, trứng giun sán vẫn sống trong miếng thịt và theo đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể người; sau đó ấu trùng này sẽ nở thành giun sán và bắt đầu gây bệnh. Bác sĩ Trần Văn Tiết, Phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, khi ăn thực phẩm chưa nấu chín, nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn khá cao. Bệnh nhân khi ăn phải thịt nhiễm ấu trùng giun sán chưa được nấu chín, ấu trùng sẽ theo đường tiêu hóa trú tại dạ dày và ruột non. Sau 24 giờ, những ấu trùng này phát triển trưởng thành và ký sinh trong niêm mạc ruột, gây ra những vấn đề nghiêm trọng với sức khỏe. Vài ngày sau, vi khuẩn, giun sán sẽ sinh sôi, nảy nở tạo kén, xâm nhập vào hệ tuần hoàn, cơ hoành và các tổ chức cơ vân làm hại cơ thể. Thời gian ủ bệnh cũng khá lâu, 30 - 45 ngày tùy thể trạng và lượng ấu trùng có trong cơ thể, như kén giun xoắn có thể tồn tại trong cơ thể từ vài năm, thậm chí là vài chục năm.

Tuyệt đối không nên ăn gỏi cá sống.
Tuyệt đối không nên ăn gỏi cá sống.

Người bị nhiễm giun sán thường có biểu hiện đau bụng thành từng cơn, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, thiếu máu, người xanh xao, ngứa, mề đay, suy nhược cơ thể. Đặc biệt hơn, một số người còn có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới giác mạc, võng mạc, sốt nhẹ, sốt tăng dần, đau lưng, đổ mồ hôi, ớn lạnh, mệt mỏi và kiệt sức... Thậm chí, có người bị viêm màng não mủ, tụt huyết áp rất nguy hiểm.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, bất cứ một loài ký sinh trùng nào, kể cả vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể sẽ đi vào máu đầu tiên, sau đó xâm nhập vào các bộ phận khác. Trong khi đó, cấu tạo của bộ não rất lỏng lẻo nên các loại sán, ký sinh trùng rất dễ xâm nhập và thích nghi ở đó. Đáng ngại hơn, khi ăn phải những thức ăn tái có chứa ấu trùng giun, sán, vi khuẩn gây bệnh sẽ xuyên qua thành ruột lên não và tồn tại trong đó, tạo thành vôi, sau đó, tùy thuộc vào cơ địa và hệ miễn dịch của từng người mà gây hại cho cơ thể. Giun, sán ký sinh trong não có thể để lại di chứng thần kinh như: ngớ ngẩn, mất trí nhớ, liệt, phải cắt bỏ chi, thậm chí gây thiệt mạng nếu bệnh nhân chủ quan.

Bác sĩ Tiết khuyến cáo, tốt nhất là tuyệt đối không nên ăn gỏi cá sống, thịt lợn tái. Đối với gỏi cá, người ta tẩm ướp gia vị vào cá, áp dụng các biện pháp truyền thống như vắt chanh, chế dấm vào các lát cá... đều không diệt được giun sán, kể cả uống rượu mạnh cũng không có tác dụng. Do đó, cách tốt nhất và hữu hiệu nhất là chỉ ăn thịt, cá đã được nấu thật chín. Trước khi chế biến cá cần lựa chọn thực phẩm sạch, tươi, được nuôi từ những vùng nước đảm bảo, nắm rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chế biến xong nên ăn ngay trong hai giờ đầu.

Bùi Liên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.