Multimedia Đọc Báo in

Gồng mình khắc phục sự cố vỡ đê bao Quảng Điền

09:00, 14/08/2019

Từ rạng sáng 13-8, huyện Krông Ana đã huy động hàng trăm chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương để khắc phục sự cố vỡ đê bao Quảng Điền (xã Quảng Điền).

Đoạn đê bị vỡ nằm sát khu vực thuộc thôn 1, xã Quảng Điền - đây là vị trí cuối cùng của tuyến đê dài hơn 42 km. Mấy ngày qua, khi lượng nước ở sông Krông Ana dâng cao, đổ dồn về phía đường đê đã tạo áp lực mạnh khiến đê bị vỡ.

Sau khi nghe tin báo đê bao Quảng Điền bị vỡ, huyện Krông Ana đã huy động lực lượng vũ trang, với khoảng 200 cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác khắc phục sự cố. Ngay từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Krông Ana đã có mặt tại hiện trường sự cố vỡ đê. Để ngăn dòng lũ lớn đổ về cánh đồng rộng hàng nghìn héc-ta, quân dân huyện Krông Ana phải dầm mình dưới dòng nước lớn để vận chuyển cọc gỗ, cưa nhọn rồi đóng thành hàng dài vững chắc, dùng thêm bạt, hàng nghìn bao đất gia cố thêm cho tuyến hàng rào.

Trung tá Nguyễn An Thái, Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS huyện cho hay, khi nghe tin báo vỡ đê, đơn vị đã huy động khẩn trương 30 cán bộ, chiến sĩ thường trực và khoảng 100 chiến sĩ lực lượng dân quân tự vệ tham gia cứu hộ, cùng bà con gồng mình cứu đê, cứu lúa. Trung tá Trần Viết Nghĩa, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Krông Ana) cho hay, nghe tin báo, lực lượng Công an huyện nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Đến nơi, cán bộ, chiến sĩ phối hợp với người dân đóng cọc, giăng rào cứu đê. Mọi người bất kể quân, dân không sợ rét, đói, mỗi người mỗi việc để sự cố sớm được khắc phục.

Người dân vận chuyển vật liệu làm hàng rào ngăn nước cứu đê.
Người dân vận chuyển vật liệu làm hàng rào ngăn nước cứu đê.

Cùng với lực lượng chức năng, người dân đã đưa hàng chục xe công nông, xe máy, 1 phà dân sinh và nhiều dụng cụ khác để ngăn nước cứu đê. Anh Ngô Bá Trường (xã Quảng Điền) kể, từ 4 giờ sáng cùng ngày, anh ra ruộng kiểm tra thì phát hiện đê bao có dấu hiệu rạn nứt, nước chảy tràn từ đê vào ruộng. Chỉ sau đó mấy phút thì một đoạn đê dài bị cuốn phăng, nước chảy mạnh xuống cánh đồng B. Lúc đó, anh chỉ kịp bấm điện thoại gọi điện thông báo để mọi người ra cứu đê.

Chị Trần Thị Ngà (thôn 2, xã Quảng Điền) cho hay, sau khi nghe hô hoán đê bao bị vỡ, mọi người trong nhà chị chạy ngay ra khu vực đó để cứu đê. Gia đình chị có hơn 1,5 ha lúa gần thu hoạch bị nước nhấn chìm, vụ hè thu năm nay coi như mất trắng. Chị cho biết thêm, tối 12-8, vì lo lắng cho diện tích lúa của gia đình, hai vợ chồng chị đã chạy xe máy qua con đê này rất nhiều lần để xem xét tình hình. Không ngờ, đê vỡ nhanh như vậy.

Không trực tiếp ngâm mình dưới dòng nước, các hội viên của Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN xã Quảng Điền đã tích cực đi vận động người dân, tiểu thương quyên góp, ủng hộ lương thực, thức ăn nhanh cho lực lượng làm nhiệm vụ. Men theo tuyến đê đang dâng nước, các chị đã chở nhiều chuyến nước uống, đồ ăn phục vụ mọi người.

Chị Nguyễn Thị Nhung (Hội Chữ thập đỏ xã Quảng Điền) bộc bạch: "Chúng tôi không giúp được gì nhiều cho lực lượng đang dầm mình làm việc dưới dòng lũ. Hy vọng sự quan tâm nho nhỏ này sẽ giúp các chiến sĩ và người dân địa phương có thêm động lực làm việc, dù chúng tôi biết giờ này quân dân Quảng Điền đang rất mệt, thậm chí không còn tâm trí cho việc ăn uống…".

Người dân và lực lượng vũ trang huyện Krông Ana chung sức dựng rào ngăn nước cứu đê, cứu lúa.
Người dân và lực lượng vũ trang huyện Krông Ana chung sức dựng rào ngăn nước cứu đê, cứu lúa.

Trước đó, từ ngày 8-8 người dân xã Quảng Điền đã tham gia hàng trăm công gia cố đê, với hy vọng cứu lấy số diện tích lúa chưa bị ngập. Nhưng không ngờ, đê bị vỡ nhanh chóng khiến mọi người không kịp trở tay.

Hơn 5 giờ đồng hồ gồng mình dưới nước, các lực lượng đã hoàn thành tuyến rào dài hàng chục mét giữa dòng lũ, cứu nguy phần nào cho đoạn đê  đang chịu sức nén khủng khiếp từ dòng nước lũ trên sông Krông Ana.

Đê bao Quảng Điền có chiều dài hơn 42 km, rộng 3 mét và tuyến giao thông nằm trong vùng dự án dài 13 km, đi qua các xã: Bình Hòa, Dur Kmăl, Quảng Điền và thị trấn Buôn Trấp. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng từ năm 2014. Hiện công trình này có nhiều đoạn bị hư hỏng, sạt lở nghiêm trọng.

Hoàng Tuyết – Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.