Multimedia Đọc Báo in

Để văn học - nghệ thuật phát triển "xứng tầm" với vùng đất Đắk Lắk

06:12, 03/05/2021

Thành công sớm với nhiều giải thưởng ở các thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản…, nhà văn Võ Thị Xuân Hà là một trong những cây bút nữ có được sức hút lớn, riêng biệt với những quan niệm rõ ràng, rạch ròi, dứt khoát về cuộc sống cũng như văn chương.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với nhà văn VÕ THỊ XUÂN HÀ trong chuyến công tác mới đây của chị tại TP. Buôn Ma Thuột.

Ông ngoại chị là một thợ cả đã từng tham gia, đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng Trường Đại học Tây Nguyên – hiểu theo đúng nghĩa đen; và cá nhân chị lại kinh doanh liên quan đến cà phê. Vậy đó có phải là chút duyên của chị đối với Buôn Ma Thuột và trở lại thành phố cao nguyên lần này?

Đây là lần thứ hai tôi đến Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, nhưng từ bé tôi cũng đã được nghe kể rất nhiều về vùng đất này, bởi gia đình cậu ruột – em kế của mẹ tôi, cũng là con trai trưởng của ông ngoại tôi ở đây. Mặc dù trước kia nhà ông ngoại tôi ở Đà Lạt, nhưng ông về đây nhận thầu xây dựng, là thợ cả và cũng sinh sống, làm một số công trình xây dựng ở đây, và trong thời gian ấy mẹ của tôi được sinh ra ở Buôn Ma Thuột. Có thể nói, Buôn Ma Thuột đối với tôi như là quê hương thứ hai, thứ ba vậy. Do đó, khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này vào cuối năm 2019, tôi cảm thấy rất ấm cúng... Lần này trở lại, những cảm xúc ấm áp, thân thiện cùng tình cảm yêu mến dành cho thành phố này vẫn không thay đổi.

Là người đạt rất nhiều giải thưởng văn học, viết dày dặn, đều tay, nhiều tác phẩm và ở nhiều thể loại, nhưng lại là một người khá bận rộn bởi chị vừa là nhà văn, từng có thời gian làm công tác quản lý về văn chương, đồng thời còn làm thêm kinh doanh nữa. Sức lực và thời gian, động lực gì mà giúp chị thu xếp, làm được như vậy?

Cho đến nay tôi đã xuất bản khoảng 33 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài, ghi chép, khảo cứu... Đấy là nếu nhớ không nhầm. Còn thú thực là tôi không nhớ được mình đã viết được bao nhiêu truyện ngắn. Bởi vì, cứ thích lên là tôi ngồi viết, quên ăn, quên ngủ luôn. Tôi có thể viết đến 3 - 4 giờ sáng xong thì bắt đầu mở cửa quán cà phê, hoặc tranh thủ ngủ chút rồi đến cơ quan. Khoảng thời gian mà tôi vừa làm Trưởng Ban nhà văn trẻ vừa làm Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn - bây giờ là Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm –  có những hôm tôi về nhà, ăn uống xong cũng đã hơn 10 giờ đêm, tôi tranh thủ ngủ một lúc, có khi choàng tỉnh lúc 12 giờ rồi ngồi viết đến 4 - 5 giờ sáng. Công việc của tôi là như thế nhưng tôi cũng có phương pháp để bảo vệ sức khỏe cho mình. Đối với tôi, một người khi nhìn sự vật, sự việc theo hướng tích cực thì chính bản thân người đấy cũng được năng lượng tích cực bồi đắp. Cũng may là đến giờ này tôi vẫn không có ốm đau gì.

Có ý kiến cho rằng, trong thời đại công nghệ hiện nay, bên cạnh những thuận tiện mà nó mang lại thì cũng có phần nào đó làm mờ nhạt văn chương, chị nghĩ như thế nào về điều này?

Tại buổi giao lưu, trao đổi tại Hội Văn học – Nghệ thuật Đắk Lắk vừa qua tôi cũng đã nói, bây giờ ngoài dòng văn chính thống mà chúng ta vẫn quan niệm có “ngôi đền thiêng” là Hội Nhà văn Việt Nam, thì ở ngoài xã hội hiện nay có nhiều dòng văn lắm và có những độc giả của dòng đấy, chúng ta không được phép phủ nhận. Chúng ta phải dung hòa vì có những độc giả họ cũng cần đọc nhanh, công nghệ thời đại hiện nay giải quyết vấn đề đó và những người viết của dòng này họ ít chú trọng đến tính văn chương.

Tuy nhiên, những người viết như chúng tôi vẫn tiếp tục phải giữ gìn, không thể lơ là và cũng không được phủ nhận những cái mới, cái tiến bộ, nhưng cũng cần hết sức tránh những điều lai căng, lai tạp, thái quá...

Nói về văn chương của Đắk Lắk, chị có nhận xét, đánh giá gì, đặc biệt là đối với những cây bút trẻ hiện nay?

Tôi nghĩ rằng, ở Đắk Lắk bấy lâu nay và nhiều năm về trước cũng đã có nhiều tác giả, tác phẩm viết về văn học cách mạng, về thời kỳ đổi mới và được bạn bè văn chương cả nước biết đến. Tuy nhiên, để văn học – nghệ thuật thật sự là một thế mạnh, trở thành một “hiện tượng”, được đánh giá “đúng tầm” so với yêu cầu về văn học của một vùng đất thì cũng cần phải nuôi dưỡng. Và biết đâu đấy, những tài năng tiềm ẩn trong tất cả những người viết của Đắk Lắk, có thể bởi một lý do nào đấy mà chưa được nổi trội, chưa được thành hình, thì nếu như chính quyền và người dân của Đắk Lắk quan tâm đến đời sống các nhà văn, đến văn nghệ sĩ một cách thiết thực hơn thì tôi nghĩ là sẽ thu được nhiều thành tựu tốt hơn.

Liệu có phải chất liệu về dân gian, về đồng bào dân tộc thiểu số, về truyền thống lịch sử nếu khai thác thật tốt sẽ là thế mạnh của các văn nghệ sĩ Đắk Lắk?

Dĩ nhiên rồi, bởi vì Đắk Lắk là một vùng đất Tây Nguyên, có rất nhiều dấu ấn lịch sử, trải qua nhiều thời kỳ mà bỏ qua những điều ấy thì quá lãng phí, đặc biệt còn nhiều điều chưa khám phá hết. Thậm chí, ngay cả bản thân những người đang sống hiện tại ở đây cũng chưa khám phá hết. Do vậy rất cần khơi dậy được trào lưu, sự quan tâm đến những vẻ đẹp của Tây Nguyên, Đắk Lắk. Và tôi nghĩ, đối với một vùng đất đẹp đến thế, chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn cần khám phá, cũng như có một tiến trình lịch sử phát triển lâu đời thì càng nên quan tâm đến văn nghệ sĩ. Bởi vì văn nghệ sĩ là những người khơi lại truyền thống và sáng tạo nên những cái tiếp nối của truyền thống. Tôi nghĩ, Đắk Lắk hoàn toàn có quyền tự hào với cả nước về truyền thống của mình và về những người con văn nghệ sĩ của mình hiện nay đang sinh sống tại vùng đất này…

Xin cảm ơn chị!

Lan Anh (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.