Multimedia Đọc Báo in

Một vài cảm nhận về thơ Phương Xích Lô

14:39, 19/07/2010
Ở Huế, nói đến Nguyễn Văn Phương rất ít người biết nhưng Phương Xích Lô thì trong giới văn nghệ sĩ và những người hành nghề đạp xích lô hầu như không ai là không biết. Không chỉ ở Huế mà một số người làm thơ ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt... cũng biết tiếng anh.
Sinh thời, có người còn gọi anh là Phương Say, Phương Điên... Anh từng là đệ tử của Bùi Giáng. Lối sống bụi bặm, hoang dã, tự nhiên, thực ảo, say tỉnh...  Và phong cách cuồng ca của anh ít nhiều chịu ảnh hưởng thi sĩ họ Bùi. Huế vắng bóng anh có phần yêu tĩnh hơn nhưng cũng có vẻ như đơn điệu hơn bởi đã mất đi một giọng thơ đầy bản năng và đầy chất thi sĩ.
Nếu sưu tầm đầy đủ thơ Phương Xích Lô, tôi chắc phải có đến hàng nghìn bài. Phương chỉ nói bộ thôi cũng có vần, có điệu. Chẳng hạn như cái kiểu anh viết bản kiểm điểm gửi công an phường Phú Cát :
Tôi tên là Nguyễn Văn Phương
Tám mươi, kiệt một tại đường Chi Lăng
Vợ tôi Trần Thị Lệ Hằng...
Chùa Thiên Mụ nhìn từ bờ sông Hương
Chùa Thiên Mụ nhìn từ bờ sông Hương

Thời tôi còn chọn thơ cho báo Thừa Thiên Huế, Phương gửi đến tòa soạn rất nhiều bài thơ cổ động, tuyên truyền theo lối vần vè như thế. Có lần trong cuộc rượu, tôi nói thẳng với Phương: “Nếu mình chọn in những bài thơ viết theo lối vần vè của cậu, cậu sẽ có chút nhuận bút vui vẻ với bạn bè nhưng độc giả sẽ coi thường cậu và mình”. Kể từ hôm đó Phương không còn gửi đến tòa soạn những bài thơ viết theo lối vần vè, nôm na ấy nữa. Sáng tác được bài nào thật ưng ý Phương mới gửi. Bài thơ đầu tiên để người đọc biết đến Phương Xích Lô là bài Gửi bác xích lô Hà Nội do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chọn đăng ở tạp chí Sông Hương. Bút hiệu Phương Xích Lô cũng do nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và anh chị em trong tòa soạn tạp chí Sông Hương thời ấy đặt cho. Rồi tạp chí Cửa Việt (thời nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường còn làm Tổng biên tập) chọn in chùm thơ ba bài của Phương, có cả ảnh chân dung và lời giới thiệu hết sức trang trọng. Thơ Phương được nhiều người biết đến từ đó. Riêng tôi, tôi đặc biệt yêu mến những bài thơ của Phương viết về nghề đạp xích lô. Lúc mới vào Huế, nhìn những người gò lưng đạp xích lô trên đường Lê Lợi, tôi từng chia sẻ : Thương bác xích lô chở khách / vai áo bạc màu nắng mưa (Bài thơ gửi lại). Tôi cũng từng làm bài Bác xích lô và những câu lục bát tặng bác Tá. Bác Tá đạp xích lô nhưng thuộc rất nhiều thơ và thường hay ngâm nga trên đường trở về nhà:  Thỉnh thoảng ghé vào quán nhỏ / Khề khà đôi chén rượu suông / Mắt bác hõm sâu, hoe đỏ/ tóc râu phơ phất gió sương... Nhưng dẫu sao tôi cũng chỉ là người ngoài “thương vay, khóc mướn”. Phương mới là người trong cuộc viết về mình và đồng nghiệp của mình :
Những lúc về khuya, còn ai thấy bác
Người phu già lăn bóng dọc đường trăng...
                     (Gửi bác xích lô Hà Nội)
Một hình ảnh vừa rất hiện thực vừa rất lãng mạn. Chính vì cũng làm “nghề như bác”, “cùng đời xích lô dãi nắng, dầm sương” nên Phương vừa thông cảm vừa đồng cảm :
Có những lúc gác xe vào quán rượu
Mượn Lưu Linh đuổi hết nỗi nhọc nhằn
Rồi đón khách nơi đầu ga cuối chợ
Ngày có, ngày không lặng lẽ qua dần...
Tất cả những người làm nghề đạp xích lô trên mọi miền đất nước đều tìm thấy hình bóng của mình trong những câu thơ ấy của Phương, hòa nhập trong những vần thơ dung dị ấy của Phương. Đây là hình ảnh người đạp xích lô Nam Bộ ra tham quan Huế, ngồi trên xe  Phương :
Đời đã từng trải qua nhiều nỗi khổ
Anh hiểu sâu về những giọt mồ hôi
Khi gặp dốc cao anh liền nhảy xuống
Chia sẻ cùng tôi chút nặng nhọc một thời
Phương có hai câu thơ mà giới xích lô rất khoái, bởi cái cách nói ngang tàng, hóm hỉnh của anh :
Rơi xuống cuộc đời không chao đảo
Vững vàng ba bánh đỡ xích lô
                                       (Xích lô hành)
 

Hay :
Vắng khách đôi khi về chở gió
Không tiền, không bạc vẫn cười vang
                    (Giọt nước Hương Giang)
Chở gió, chở trăng là cách nói của những thi sĩ lãng mạn. Chở gió của Phương không đơn thuần như vậy. Chở gió đối với những người đạp xích lô như Phương là vạn bất đắc dĩ. Đã chở gió thì tất nhiên “không tiền, không bạc”. Đằng sau tiếng “cười vang” là dư vị của nước mắt.
Người ta nói thơ là người, Phương Xích Lô cũng không ngoại lệ. Nhưng ở Phương có hai con người : con người bên ngoài và con người bên trong ; con người giả đò và con người thật ; con người bụi bặm và con người tinh chất... Có điều, con người bên trong, con người thật, con người tinh chất ở Phương phần nào bị khuất lấp đi bởi con người bên ngoài, con người giả đò, con người bụi bặm. Vì thế mà sinh thời không ít người chê cười, xa lánh Phương. Đọc thơ Phương ta bắt gặp cả “ngàn cuộc say” :
Có tiền ta uống rưọu
Không tiền ta hát ngâm
                           (Hát vang bài xích lô)
Trời ngoài đường rót mưa
Mình trong này rót rượu
                         (Đêm mưa uống rượu)
Ta say hề, đêm nay ta xỉn
Ngất ngưởng đi về giữa khói sương...
                                     (Độc túy hành)
Và khi say anh cũng cao hứng như ai :
Gõ nhịp ta ngâm bài Tống biệt
Vỗ chai ta hát khúc Hồ Trường
Ba ngàn thế giới trong cốc rượu
Bao dung ta ôm trọn vui buồn
...
Ngạo nghễ gối đầu lên đỉnh Ngự
Ngang tàng xuôi cẳng dọc sông Hương...
                                     (Độc túy hành)
Phương có những giấc mơ hết sức kỳ dị :
Ta mơ ở truồng đi chơi giữa phố
Người gọi ta là Cỗ Lỗ Tiên Sinh...
                                           (Cuồng ca)
Khi say, Phương không còn phân biệt là mơ hay thực nữa. Không ít lần người ta thấy “Cỗ Lỗ Tiên Sinh” - Phương Xích Lô “ở truồng đi chơi giữa phố” một cách hết sức tự nhiên. Thế mới có biệt danh Phương Say, Phương Điên. Thì chính Phương, Phương cũng tự coi mình là  một “thằng điên” :
Ngồi buồn
Vẽ cái thằng tôi
Thằng tôi vô định
Mấy thời tỉnh điên
Tục chẳng tục
Tiên không tiên
Lúc vui xuống phố
Khi phiền lên non
                              (Chân dung tự họa)
Rất nhiều lần Phương tự trách mình:
Sống lâu chân đạp nhớp đất
Sống lâu đầu đội dơ trời
                                           (Tự trách)
Kể từ khi tổ ấm gia đình tan vỡ, Phương biết đời mình chẳng khác gì trăng kia đã khuyết, sông kia đã cạn:
Thưa em
Tôi đã lụi tàn
Không còn rung động điệu đàn năm xưa
Chỉ còn chiếc bóng trong thơ
Về bên núi vắng
Nằm chờ hóa thân...
                                             (Thưa em)
Từ năm 1995, Phương đã chép tặng tôi bài thơ Trối với những lời nhắn gửi tha thiết :
Mai ta chết
               mồ kia xanh ngọn cỏ
Những mùa thu
                   vẫn lặng lẽ đi qua
Có chiếc lá nào
                    rơi
                        trên bia mộ
Ai chôn giùm xác lá
                          cạnh bên ta !
Và vào lúc 17 giờ 30 ngày 2 tháng 6 năm 2002, Phương đã “hóa thân” một cách nhẹ nhàng trên một dòng mương trong mát, khi mới 51 tuổi đời. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và những người yêu thơ ở Huế đã có mặt đông đủ tiễn đưa Phương về nơi an nghỉ cuối cùng, bởi họ trân trọng con người thực của Phương. Con người thực của Phương như : Chút lửa trên đống tro tàn/Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say... (Tôi còn chút tôi). Mặc dù là “chút lửa” thôi, dù là “chút trong veo” thôi nhưng nó cho ta biết vẻ đẹp tâm hồn của Phương mà cả “đống tro tàn” hay cả “ngàn cuộc say” cũng không thể làm lu mờ được. Vẻ đẹp đó trước hết là cái tình người của Phương. Anh không chỉ chia sẻ vui buồn với những đồng nghiệp đạp xích lô như anh mà còn chia sẻ niềm cảm thông sâu sắc của mình đối với người bạn ngồi bán thuốc lá vỉa hè, với em bé bán trứng vịt lộn, với cô công nhân vệ sinh môi trường, với bé Thượng gùi thông ra chợ :
Thông nhen lửa
Cho đời ai ấm ?
Lối em về
Lạnh mấy đồi xa...
                                         (Lối em về)
Đọc thơ Phương ta còn hiểu được tấm lòng vị tha của Phương. Với kẻ đã cuỗm đi một phần hạnh phúc của Phương, anh chỉ nói một cách nhẹ nhàng, bóng bẫy “hôm qua chú Cuội khoèo rơi trái rằm”. Với người vợ đã từng lôi Phương như “lôi một con trâu ra tòa ly dị”, Phương không những không hề oán giận mà còn luôn quan tâm, tưởng nhớ đến nàng:
Ta chợt nhớ mười ngón tay gầy guộc
Em bên trời còn gảy tiếng đàn tranh?
                                                 (Xin lại)
Con người “dở tinh, dở say, dở điên, dở dại, dở ngây, dở tàng” ấy lại yêu ghét hết sức phân minh, rạch ròi. Phương yêu mến, cảm phục sự chân thật của người đạp xích lô Nam Bộ, Phương ca ngơi vẻ đẹp thầm lặng của cô công nhân vệ sinh môi trường: Em như quỳnh nở trong đêm vắng/ Hương thầm tỏa nhẹ dưới trăng thanh... Phương tự hào với công việc làm ăn lương thiện của người bạn bán thuốc lá vỉa hè. Họ đối lập với “ phường giả trá, bất lương” . Phương chúa ghét những kẻ “đóng kịch”: V ào vai đội mão mang hia / Ra vai trả lại râu ria cho đời. Phương cũng chúa ghét những kẻ “tán tụng ba hoa”... Với một tâm hồn nghệ sĩ, phương có những phát hiện hết sức tinh tế và độc đáo về vẻ đẹp thiên nhiên của Huế, Hà Nội, Đà Lạt... Trên đỉnh Huyền Không, Phương  nhìn thấy :
Lan nở am mây đùa nắng tía
Thơ ghi vách núi giỡn trăng vàng
Phương ghi lại những ký ức của mình  về Hà Nội :
Hồ Gươm say theo chiều Lý Bạch
Thiên hạ bảo thất tình
Nước hồ mát như da con gái
Ta về làm rể Thủy Tinh
Và Phương “lục bát” với Hương Giang :
Dòng sông như vị thiền sư
Chiều nay
Lặng lẽ vô tư nhìn trời...
So sánh nước hồ Gươm “mát như da con gái”, còn sông Hương “như vị thiền sư” là hết sức bất ngờ và mới lạ. Phương nghe cũng không giống bất cứ người nào :
Đêm nay bỏ phố về làng
Nghe xanh tiếng hát
Nghe vàng lời kinh
                                         (Tâm khúc)
Đó là bản năng thi sĩ của Phương, là tài thơ thiên phú của Phương. Những vần thơ tài hoa đó sẽ còn lại với cuộc đời, như Phương từng khẳng định :
Chút duyên còn nhớ mãi
Chút tình còn thương nhau
Chút xuân còn trẻ dại
Chút thơ còn mai sau
                                            (Đề tặng)
Bốn mươi chín bài thơ trong tập Chở gió mà những người bạn thơ thân thiết của Phương : Nhất Lâm, Phạm Nguyên Tường, Lương Ngọc An... đã bỏ công sức sưu tầm, chọn lọc, công bố chính là “chút lửa trên đống tro tàn/ Chút trong veo lọc qua ngàn cuộc say”. Chở gió là tinh chất cuộc đời Phương, để Phương có thể tự tin mà nói với thiên hạ rằng: Trông lên hơn hẳn lũ công cò ! 
Tôi viết những dòng này cũng chỉ với mong muốn thắp cho Phương nén tâm nhang, nhân kỷ niệm tám năm ngày Phương “hóa thân” trên dòng mương trong mát.
 Huế, tháng 6 – 2010

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.