Multimedia Đọc Báo in

Hồ Ông Giám - điểm câu cá lý tưởng cuối tuần

08:42, 18/08/2013

Nằm giữa thành phố, hồ Ông Giám (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đang trở thành điểm câu cá dã ngoại cuối tuần lý tưởng cho nhiều người dân trên địa bàn thành phố.

Nhiều người chọn hồ Ông Giám làm điểm câu cá dã ngoại cuối tuần.
Nhiều người chọn hồ Ông Giám làm điểm câu cá dã ngoại cuối tuần.

Người dân đến câu cá tại hồ Ông Giám không phải nộp tiền, nên bất kể trời mưa hay nắng, ngày nào hồ Ông Giám cũng đông khách. Hầu hết khách tới câu cá là dân công sở và có cả người lao động chân tay. Nhà gần hồ nên cuối tuần nào anh Trần Ngọc Khánh (đường Nguyễn Du) cũng vào hồ câu cá. Ban đầu chỉ là đi theo anh rể vào hồ chơi, sau đó thấy thú vị, nên anh Khánh đã mua một cần câu trị giá 1,5 triệu đồng. Câu cá khá tốn kém bởi ngoài tiền cần câu rẻ nhất 100.000 đồng/cái thì người câu còn phải mua mồi, bình quân mỗi buổi câu từ 30.000 – 50.000 đồng tùy loại. Anh Khánh cho biết: “Không phải là dân chuyên nghiệp nên mình chỉ câu được cá bé, không đủ tiền mồi. Có hôm, đứng câu từ sáng đến chiều không được con nào. Câu dần thành “ghiền”, nhìn người ta câu được cá to mình cũng vui lây. Nếu một tháng không đi câu cá bữa nào là thấy thiếu thiếu cái gì đó…”.  Còn anh Trần Đặng Bé (đường Đinh Tiên Hoàng) cũng là dân nghiệp dư nhưng là người có “tay” nên cứ cầm câu ra hồ là gia đình lại có cá ăn. Anh Bé tâm sự: “Vì sống xa gia đình, cuối tuần không biết đi đâu, làm gì nên trước đây tôi thường tụ tập bạn bè uống cà phê, hút thuốc lá rồi nhậu. Gần 2 năm nay, cứ dịp cuối tuần tôi lại vào hồ Ông Giám để câu cá. Cá tự tay mình câu trong hồ tự nhiên nên về nấu canh chua hay làm lẩu cá đều tuyệt và là món tủ của cả gia đình dịp cuối tuần”.

Không chỉ giải trí, nhiều người đến với việc câu cá vì chuyện mưu sinh; “câu thủ” Nguyễn Văn Tiếp (đường 19-5) là người như vậy. Gia đình khó khăn, đất đai ít nên anh thường phải đi làm thuê. Do buổi chiều trời hay mưa nên sau giờ ăn trưa anh lại ra hồ để câu cá. Anh cho biết, cá bé thì mang về hồ nuôi, cá lớn mang ra chợ tạm ở đường Y Nuê để bán. Con cá lớn nhất anh đã từng câu được là cá trắm nặng 7 kg. Bình quân, mỗi buổi câu cá cũng được vài chục nghìn đồng, đủ tiền mua gạo và thức ăn. Không chỉ câu cá ở hồ Ông Giám, anh thường di chuyển địa điểm câu của mình đến hồ Ea Kao, suối Ea Tam...

Còn hai anh Y Tin The và Y Khưm (đường Trần Quý Cáp), cứ vào tầm 14 giờ hằng ngày cũng đều ra hồ Ông Giám câu cá. Không đầu tư cần câu bạc triệu như những dân câu khác, cần câu của các anh chỉ có đoạn dây cước và ống nhựa lớn. Khi câu thì một tay ném mồi tay kia cầm ống nhựa để dây chạy tự do vậy mà lưỡi câu chạy ra đến 30-40m. Mỗi người bình quân 3-4 cần câu như vậy, cứ 5 – 10 phút là có một cần câu có cá ăn. Anh Y Tin nói: “Nhà mình ở gần đây, đi câu thường đi bộ, ngang qua rẫy người khác nên không tiện mang câu. Câu là cá nó ăn chứ mình cũng không có bí quyết gì. Cá nhỏ mang về ao nuôi, cá bé mang ra chợ bán, mỗi lần cũng được vài chục nghìn đồng…”.

Để câu được cá, ai cũng có bí quyết riêng và rất ít khi chia sẻ vì nếu nhiều người biết thì “mất thiêng”. Ngoài người có “tay”, nhìn dòng nước, mặt hồ để đặt câu thì bí quyết quan trọng đối với dân câu cá là mồi câu, bởi “mồi câu của những dân câu cá chuyên nghiệp, hay câu được cá thì ngoài các nguyên liệu thông dụng như: giun, cám gạo, cơm, bột bắp… còn có một loại lá gì đó trộn vào. Bởi ngoài các mùi đặc trưng đó, mồi câu của họ còn có màu xanh, mùi rất khó ngửi. Mình xin xem, ngửi thì cho nhưng tuyệt đối họ không cho mình mang về, dù chỉ là một chút ít dính trên tay…”, anh Trần Anh Thư (Ea Kao) tiết lộ.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.