Multimedia Đọc Báo in

10 "bí quyết" giúp trẻ ngủ ngon

13:52, 08/11/2013

Một trong những tiêu chí quan trọng giúp bé khỏe, bé ngoan chính là giấc ngủ, cả về lượng lẫn chất. Dưới đây là 10 “bí quyết” giúp trẻ ngủ ngon đã được Quỹ Nghiên cứu giấc ngủ (Mỹ) kiểm chứng qua các nghiên cứu khoa học:

1. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh không giống nhau

Nhiều người cứ tưởng giấc ngủ của nhóm trẻ sơ sinh giống nhau nhưng thực tế mỗi trẻ một khác, vì vậy người mẹ phải biết để điều chỉnh cho phù hợp. Theo nghiên cứu, nhóm trẻ dưới 4 tuần tuổi thường không ngủ một mạch suốt đêm; với 15-18 tiếng ngủ mỗi ngày, trẻ thường qua 4-7 giấc ngủ khác nhau. Đôi khi ở nhóm trẻ từ 2-6 tháng tuổi lại thay đổi lịch ngủ,  có trẻ ngủ say ban đêm, nhưng có trẻ lại  thức giấc 2-4 lần mỗi đêm. Tất cả những thay đổi này đều bình thường, trẻ vẫn phát triển tốt.

2. Nên cho trẻ ngủ trong môi trường có tiếng "ồn trắng"

Nhiều phụ nữ ngộ nhận cho rằng trẻ ngủ trong môi trường yên tĩnh là tối ưu, song theo nghiên cứu mang tên Happiest Baby on the Block thì để có giấc ngủ sâu cần phải "bổ sung" thêm tiếng ồn, giống như khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ (như tiếng ồn ta nghe được từ một máy hút bụi chân không). Người ta gọi đây là tiếng ồn trắng (white noise) và vô hại. Có thể là tiếng nựng của người mẹ, tiếng nhạc phát ra từ máy đĩa CD, hoặc đài radio; tuy nhiên không nên quá ồn, gây bất lợi cho thính lực của trẻ.

3. Bú mẹ "trong mơ"

Tuy phải thức dậy ban đêm cho bé bú nhưng việc làm này rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Giới chuyên môn gọi đây là liệu pháp bú trong mơ (Dream feeding), nó không chỉ cung cấp dưỡng chất mà còn giúp cho trẻ ngủ say hơn. Ví dụ, vào lúc 11 giờ đêm nên cho trẻ bú 1 lần và đến 3 giờ sáng lại bú lần tiếp.

4. Thủ thuật quấn tã giúp trẻ ngủ ngon

Từ lâu, việc quấn tã cho trẻ đã được nhiều nơi áp dụng nhằm giúp trẻ đỡ vùng vẫy, ngủ tốt, giống như khi trẻ còn nằm trong bụng mẹ, hạn chế việc thức giấc và nằm sấp, thủ phạm gây bệnh ngưng thở khi ngủ (SIDS). Tuy nhiên việc này chỉ áp dụng đối với nhóm trẻ dưới 4 tháng tuổi và sử dụng tã hay vật liệu quấn tã phù hợp, quấn quá chặt, quá lỏng sẽ gây phản tác dụng.

5. Hạn chế làm gián đoạn giấc ngủ của trẻ

Mục tiêu chính của giấc ngủ ngon ở người lớn lẫn trẻ em là tự người trong cuộc đi vào giấc ngủ, vì vậy để có giấc ngủ tốt yếu tố khách quan đóng vai trò quan trọng, Nên để ánh sáng mờ, không nên nựng hoặc chơi với trẻ khi trẻ đã buồn ngủ. Không nên thay tã liên tục trong đêm, thậm chí có người để nguyên tã lót suốt đêm nếu nó không gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Nếu trẻ đi ngoài, ướt thì nên thay nhưng nên nhẹ tay để trẻ khỏi phải thức giấc.

6. Có thể áp dụng những kiểu ngủ phi truyền thống

Rất đa dạng như ngủ trên vai, trên ghế xe, trong lòng mẹ hay sau địu... miễn là trẻ ngủ thoải mái. Tuy nhiên phải chú ý đến tư thế không quá gò bó, gập người hoặc rung lắc quá mạnh, nhất là nằm trên võng có thể gây té ngã, chấn thương cho trẻ.

7. Duy trì môi trường ngủ có nhiều mùi của mẹ

Theo nghiên cứu thì trẻ sơ sinh rất thính mùi, nhất là mùi của mẹ. Chính mùi quen thuộc này giúp chúng ăn ngủ tốt và hạn chế nỗi sợ vô cớ thường thấy ở trẻ sơ sinh. Để giúp trẻ ngủ ngon, mọi thứ trong phòng ngủ đều mang theo hơi của mẹ như chăn màn, quần áo, tã lót cho đến đồ chơi..., ngược lại nếu có mùi lạ trẻ sẽ sợ và không ngủ được. Đây cũng là bí quyết làm tăng tình mẫu tử và mang lại cho trẻ những giấc ngủ chất lượng trong những tháng đầu đời.

8. Tạo môi trường thoải mái trước khi đi ngủ

Việc cho trẻ tắm, ăn nghe mẹ kể chuyện trước khi đi ngủ, mặc áo ấm trước khi lên giường hay hát ru trước khi đi ngủ... là những thủ thuật "làm mà chơi” lại có tác dụng giúp trẻ ngon giấc. Nó mang lại cho trẻ giấc ngủ ngon, khác với những hành động khiếm nhã, quát mắng,  dọa nạt trẻ sẽ tạo ra những cơn giật mình khi ngủ.

9. Không nên bỏ qua giấc ngủ ban ngày

Do thời lượng ngủ của trẻ rất dài nên giấc ngủ ban ngày cũng rất quan trọng, nhất là ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Ở lứa tuổi này, trẻ thường ngủ 2-3 giấc dài đưa tổng số thời gian ngủ tới 6 giờ/ngày. Ngủ ngày giúp trẻ phục hồi năng lượng, hay ăn chóng lớn. Và cũng giống như ở người lớn, ngủ ngày thường mệt hơn so với ngủ ban đêm vì vậy người mẹ cần quan tâm, tạo điều kiện tốt để trẻ ngủ ngon. Đặc biệt là chú ý đến ánh sáng, tiếng ồn và nhiệt độ của phòng cho thích hợp.

10. An toàn giấc ngủ

Bảo đảm an toàn giấc ngủ cho trẻ được xem là yếu tố hàng đầu, nó còn quan trọng hơn cả giấc ngủ. Trước tiên là phải có người trông coi, cho trẻ nằm ngủ tư thế thích hợp, tránh nằm sấp để hạn chế mắc bệnh ngưng thở khi ngủ gây hội chứng đột tử, tránh nằm đè lên con hoặc có quá nhiều vật liệu mềm quấn quanh trẻ làm chúng ngạt thở... Khi trẻ bị ốm nhất thiết phải đưa trẻ đi khám bác sĩ và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn, tuyệt đối không dùng thuốc ngủ cho trẻ nếu không có ý kiến của bác sĩ

Khắc Nam

(Theo IV - 9-2013)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.