Multimedia Đọc Báo in

Tình Yêu Bún Đậu

08:11, 26/11/2013
Vậy là cô quyết định hùn vốn với dì mở quán bún đậu.

Không hẳn chỉ vì giờ đây, đâu đâu trên đất Sài Gòn cũng có thể bắt gặp nhiều nơi bán bún đậu Hà Nội như một trào lưu mới.

Còn rất rõ trong cô lần đầu tiên thưởng thức món ăn lạ miệng ấy, một cảm giác khó tả dâng lên nhanh chóng. Và chính khi đó cũng là lần đầu tiên sau rất nhiều năm, trái tim cô thực sự quả quyết: mình đã yêu.

Ban đầu, cô cũng đắn đo lắm, nhưng nghe lời dì động viên, cô thấy tự tin hơn hẳn:

“Món này dễ làm, dễ ăn, mà ai đã ăn được rồi thì sẽ khó quên lắm con ạ…”.

Đúng rồi. Ăn một lần mà nhớ mãi. Đó cũng phải là phương châm của quán ngay từ khi bắt đầu.

Tình Yêu Bún Đậu.

Cho đến khi bảng hiệu được treo lên, đánh vần từng con chữ còn nguyên mùi sơn mới, cô càng cảm thấy tâm đắc hơn với cái tên độc đáo của quán.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

“…Vì con mong đây sẽ là nơi mọi người cùng nhau chia sẻ tình yêu của mình với món ăn này, được không dì!”.

“Quá được luôn!”.

Cô bật cười khi nhớ lại cảnh hai dì cháu đang say sưa ngồi thảo luận, cái tên dễ thương này bỗng nhiên bật ra trong đầu cô liền được dì hưởng ứng ngay. Dì bảo: tên quán quan trọng lắm, phải làm sao vừa ấn tượng vừa dễ đọc dễ nhớ dễ thuộc. Nhưng cái tên này mới nghe xong dì đã thấy thích rồi.

Dì vốn là người Hà Nội, cả gia đình vào đây sinh sống đã lâu. Giữa đất khách mênh mông, trời đất run rủi làm sao dì lại gặp ngay một “người Hà Nội” khác. Thế nên bây giờ mới có hai chị em Tít và Tôm, hai “cục cưng” của dì.

Bản thân cô cũng là người gốc Bắc, dù sinh ra và lớn lên trong này. Có lẽ vì thế, món bún đậu miền Bắc luôn gợi lên một nỗi niềm thân thương như đã quen lâu lắm, từ nơi nào đó thẳm sâu trong tâm hồn. Lạ kỳ thật. Tình yêu vốn không thể lý giải được bằng lời mà…

Ngày khai trương quán rất đông vui. Chủ yếu vẫn là người thân, bạn bè – thậm chí chỉ là trên phây-búc – được dì và cô thông báo cùng rủ rê nhau đến ủng hộ. Quán quy mô chỉ vừa vừa thôi nên cô thấy thật ấm cúng với những lẵng hoa mừng khai trương tươi thắm của người quen.

Bún đậu với cô thật sự là món dễ làm, dễ ăn. Thành phần chính của món là đậu hũ. Khi nào khách gọi, cô mới bảo đầu bếp lấy từng bìa đậu trắng phau cắt thành những miếng vuông nho nhỏ bỏ vào chiên trong chảo lớn cho đến khi vàng ruộm, giòn tan.

Đậu chiên xong vớt ra, dọn trên mẹt lót lá chuối, cô bày biện thẩm mỹ cùng với bún lá và mấy loại rau thơm như tía tô, húng, xà lách, kinh giới...

Bún ăn kèm với đậu nhất định phải là bún lá, cắt thành nhiều bánh nhỏ vừa ăn.

Cuối cùng chính là linh hồn của món bún đậu: mắm tôm. Mắm tôm này được dì liên hệ với người quen ở tận Thanh Hóa, lấy từ lò mắm gốc gia truyền nổi tiếng gửi về đây. Hôm nhận hàng cô nếm qua, xuýt xoa: quả thật như lời đồn, điểm mười cho chất lượng!

Mắm tôm dọn lên cho khách dùng cô múc vào chén với lượng vừa phải, rưới thêm chút dầu chiên đậu cho béo béo. Kèm theo chút ớt xắt nếu khách muốn ăn cay. Đúng điệu hơn nữa thì vắt thêm một hai trái tắc, đánh đều lên cho sủi bọt. Dì bảo: ai đã ăn được, chịu được cái mùi thơm nồng “quyến rũ” của nó thì chẳng mấy chốc sẽ sớm “ghiền”, rồi mê tít hương vị của món mắm có màu hồng tím đặc trưng này...

Đúng rồi, như chính cô đấy thôi.

* * *

Thấm thoát mà “Tình Yêu” của cô đã tròn ba tháng tuổi.

Thời gian đầu lúc nào cũng khó khăn vì lượng khách chưa ổn định. Ngày đông thì thật là đông. Có hôm lại thưa thớt, lèo tèo chỉ vài khách.

“Buôn bán mà con, khi được khi không là chuyện bình thường, nhất là thời buổi bây giờ…”.

Cô gật đầu. Dì nói đúng. Làm gì cũng thế, phải biết kiên nhẫn. Chỉ cần mình thật sự yêu công việc đang làm.

“Chị Phương!”.

“Gì vậy Tít?”.

“Dạo này chị có để ý gì lạ không?”.

“Lạ à? Không! Chuyện gì?”.

“Cái anh kia kìa… tuần nào cũng đến quán mình, mà em để ý nha, nhìn chị suốt thôi…”.

“Nè nè, đừng có trêu chị nha…”.

Tít đang học năm nhất, sinh viên trường kiến trúc hẳn hoi. Đi học về rảnh rang là chạy ra quán phụ mẹ một tay. Dì hay gọi yêu là “công chúa của mẹ”. “Công chúa” Tít lớn rồi vẫn thích nhõng nhẽo, bám mẹ lắm, về tới quán là huyên thuyên với mẹ đủ chuyện trên trời dưới đất. Tít lại có tính hay để ý, bởi vậy khó chuyện gì mà qua được mắt cô nàng.

“Không tin em hả? Cá luôn…, anh đó “kết mô-đen” chị rồi!”

Trời đất! Quá đáng vừa nha Tít!

Bực bội, cô đảo mắt về phía bàn người kia đang ngồi. Trong một giây, khi ánh mắt cả hai chạm nhau, một luồng điện như chạy dọc qua người cô.

Cô giật nảy mình. Anh chàng kia cũng vội vã quay đi. 

“Hi hi! Anh đó nhìn “được”, chị Phương ha!”.

“Vô duyên! Con nít con nôi! Đi pha trà chanh cho khách đi!”.

Ngoài món chính bún đậu, quán còn phục vụ thêm vài món của miền Bắc nữa. Trong đó có các loại nước như trà chanh, nước mơ, nước sấu…

Phải nói, tay nghề pha trà chanh của Tít là số một luôn, khách nào uống rồi cũng tấm tắc khen. Nên khi nào Tít rảnh sẽ được mẹ giao nhiệm vụ làm “ba-ten-đơ” của quán. Trà chanh Tít pha là loại “thứ thiệt”, chanh tươi, trà sạch, không pha một giọt hóa chất nào như báo chí hay đưa tin nhan nhản bây giờ mà cô đọc xong nhớ lại vẫn thấy rùng mình.

“Mình bán hàng phải đặt chữ tâm lên đầu, dẫu lãi ít cũng được con ạ. Có như vậy mới bền lâu được…”.

Đúng thế. Cô quý dì cũng vì lẽ đó. Từ lâu, tâm cô đã hướng Phật. Ngày rằm, hai dì cháu vẫn thường cùng nhau đi chùa. Rồi có dịp thì cùng vài người bạn nấu cơm từ thiện giúp đỡ người lang thang cơ nhỡ. Mỗi lần làm việc thiện, cô thấy bình an thanh thản lắm. Nhưng siêng năng lễ chùa hay làm việc thiện cũng không quan trọng bằng cái tâm của mình.

Tâm mình phải thiện đã, cô nghĩ.

* * *

Đúng là anh chàng ấy hay đến quán thật.

Sau lần đó, cô bắt đầu chú ý đến anh hơn.

Anh thường đến quán vào chiều thứ bảy. Có khi đi với bạn. Có khi đi một mình. Lần nào anh cũng gọi một phần đầy đủ, ngoài đậu còn có thịt ba rọi và chả cốm.

“Cho anh ly nước sấu nữa, em nhé!”.

“Dạ…”.

Mọi lần ghi phiếu xong cô chỉ im lặng vào trong đưa cho bếp. Nhưng hôm nay, không hiểu sao tim cô đập mạnh hơn một chút. Trong một giây nín thở, cô đánh liều hỏi anh:

“Anh… anh thấy chả cốm quán em thế nào ạ, góp ý cho em nhé…”.

“Ngon lắm em ạ, anh thích nhất là chả cốm đấy!”.

Tất nhiên rồi, chả cốm được cô và dì lấy từ gốc ngon nhất Hà Nội cơ mà. Điều này thì cô hoàn toàn tự tin. Chỉ là còn thiếu chút xíu can đảm để cô bắt chuyện với anh thôi.

“À… Cô chủ quán ơi, em tên gì?”.

“Dạ… em tên Phương… Còn anh?” – cô lúng túng không biết mặt mình liệu có đang đỏ bừng hay không?

“Ừ, anh tên Tùng. Rất vui được biết em!”.

“… Em cũng thế ạ…”.

Anh và cô còn nói chuyện được ít phút nữa, trước khi một nhóm khách khác vào khiến cô bận rộn hơn. Dù sao thì cô cũng biết thêm được vài điều về anh. Công ty anh ở gần đây. Giống như cô, anh rất “mê” bún đậu.

Cuối cùng nụ cười của anh đã gợn lòng cô đôi chút.

Rất lâu rồi cô không có tình cảm với ai. Cuộc sống của cô cũng như bao nhiêu người con gái khác. Đi học xong rồi đi làm. Đi làm riết cũng thấy chán, cô muốn tự mình làm chủ, cái gì đó nho nhỏ thôi cũng được. Hùn vốn mở quán với dì, cuộc sống của cô đã vui lên rất nhiều. Nhưng khi quán tắt đèn, dọn dẹp xong, về đến nhà cô thường thức rất khuya… Trước đây từng có vài người để ý. Một số người đặt vấn đề. Quay qua quay lại. Cô chẳng vừa ý ai. Hay mình chẳng có duyên với ai? Cô vẫn tin vào hai chữ duyên phận. Tình yêu cần đến một cách tự nhiên, không miễn cưỡng. Với cô, như thế mới là yêu.

“Phương ơi, tính tiền cho anh nhé!”.

Giọng nói trầm ấm của anh cắt phăng dòng suy nghĩ trong cô. Cơn bối rối chiếm lấy cô nữa rồi.

“Dạ… anh chờ em một chút…”.

Cô vào trong lấy hóa đơn. Tít đang pha nước liền nháy mắt:

“Thấy rồi nha…”.

“Con nhỏ này…” – cô nghiêm mặt.

“Hi hi, ai đó đỏ mặt kìa…”.

“Thôi nha cô!”.

Đưa hóa đơn cho anh, cô có dịp nhìn gương mặt ấy kỹ hơn ít nữa. Anh chắc chỉ ngoài ba mươi tuổi. Gương mặt không quá ưa nhìn nhưng trông rất phong độ đàn ông.

“Của anh sáu mươi lăm nghìn ạ…”.

“Ừ, cảm ơn em. Đậu hôm nay chiên giòn ngon lắm!”.

“Vâng ạ, anh Tùng là khách ruột của quán em rồi!”.

“Em cũng biết nữa à? Nói thật, một tuần mà không được ra quán ăn bún đậu là anh khó chịu lắm. Em có bỏ gì vào không đấy?”.

“Anh… giỡn hoài…”.

“Ừ. Anh thích cái tên của quán, rất ý nghĩa!”.

Cô nhận tờ một trăm anh đưa, vội vàng vào trong lấy tiền thừa.

Khi quay lại, đột nhiên cô nghe tiếng anh gọi.

* * *

“Dậy thôi, em yêu!”.

Mở mắt ra, trời đã sáng từ lúc nào. Anh choàng tay qua ôm chặt lấy cô. Cô bật cười:

“Em lại mơ, anh ạ!”.

“Giấc mơ cũ hả, bà xã?”.

Đúng vậy. Có lẽ vì nó quá ấn tượng dù chỉ với riêng cô. Ngày cô gặp anh, ở một nơi mang tên…

“…Hôm nay ông xã em thích ăn gì?”.

“Còn phải hỏi? Nhanh nhanh dậy sửa soạn mở hàng đi cô chủ quán ơi!”.

Lưu Quang Minh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Lối về
10:36, 29/10/2013
Chọn bạn mà chơi
10:00, 27/09/2013
Mùa hạ trong ký ức
09:10, 20/07/2013
Mưa trong nắng
10:15, 24/06/2013
Người bảo vệ
09:43, 21/06/2013
(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.