Multimedia Đọc Báo in

Day dứt nỗi đau tai nạn lao động

15:38, 20/04/2012

Nhiều vụ tai nạn lao động gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh đang báo động về tình trạng kém an toàn trong lao động sản xuất. Tai nạn lao động không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn để lại nhiều tác động nặng nề, kéo dài đến sức khỏe và tâm lý người lao động; gánh nặng, nỗi đau cho người thân và thêm nhiều hệ lụy cho gia đình, xã hội…

Những vụ việc đau lòng

Bà Võ Thị Hòa, Phó Ban phụ trách Ban Chính sách pháp luật, Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật thuộc Liên Đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh bùi ngùi: “Trực tiếp xác minh, xử lý các vụ tai nạn lao động, tôi phải chứng kiến nhiều hoàn cảnh thương tâm lắm. Không chỉ người bị tai nạn lao động thiệt thòi, đau đớn mà những người thân cũng phải gánh chịu nhiều phiền lụy…”

Đến thăm nhà anh Nguyễn Trần Anh Khoa, 35 tuổi ở thôn 7 xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột không khỏi chạnh lòng khi nhìn túp lều xiêu vẹo chưa đầy 20m2, chẳng có tài sản gì đáng giá. Anh Khoa vẫn còn nguyên nỗi kinh hoàng khi nhắc lại vụ tai nạn lao động cách đây 3 năm, khi anh làm công nhân luyện đúc thép ở Công ty Thép Đông Nam á. Vào khoảng giữa năm 2009, anh đang đứng lò bỗng dưng cụm nấu thép phát nổ, những mảnh thép văng xuyên qua bụng làm anh bị đứt 1m ruột non, gãy 3 xương sụn, 2 xương sườn, đứt dây cơ hoành và mất một phần gan. Được bác sĩ tận tình cứu chữa, anh Khoa thoát chết nhưng hoàn toàn mất khả năng lao động và còn phải chịu cơn đau hành hạ mỗi khi trái nắng trở trời… Từ một thanh niên vạm vỡ, lao động chính của gia đình, giờ đây anh Khoa chỉ nằm ở nhà, cả gia đình 4 miệng ăn trông chờ vào số tiền làm thuê ít ỏi của người vợ và 1 triệu đồng tiền trợ cấp BHXH của anh.

Xây lắp, sửa chữa đường dây điện là lĩnh vực xảy ra  nhiều vụ tai nạn chết người nhất.
Xây lắp, sửa chữa đường dây điện là lĩnh vực xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nhất.

Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Khoa ở khối 2A thị trấn Ea Kar, nhìn bức di ảnh chàng trai trẻ trên bàn thờ ai cũng nao lòng xót xa. Ông Khoa ngậm ngùi kể: Nguyễn Thái Học là con trai duy nhất của ông, vừa tròn 28 tuổi, đã làm công nhân ở HTX Điện - Nước Ea Kar được 5 năm và đang chuẩn bị tổ chức đám cưới. Vậy mà, vào ngày 8-8-2010, trong khi đang làm nhiệm vụ sửa chữa lại đường dây, chỉ một giây sơ suất Học đã bị điện giật rơi từ trên cao xuống và tử vong. Tấm ảnh chân dung chụp chuẩn bị cho đám cưới trở thành ảnh thờ… Hơn ai hết, ông bà Khoa thấu hiểu nỗi đau mất con và hậu quả do tai nạn lao động. Ông Khoa cứ mãi nhắn gửi một điều: Rất mong các cơ quan chức năng và người lao động quan tâm hơn đến công tác an toàn vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ để đừng ai phải gánh chịu nỗi đau, nỗi mất mát và những hệ lụy do tai nạn lao động gây ra…

 “Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động”...

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2011 cả tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn lao động (tăng 11 vụ so với năm 2010), trong đó có 4 vụ làm 4 người tử vong, 21 người bị thương. Tuy nhiên, đó chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" vì con số thực tế còn lớn hơn nhiều, nhưng doanh nghiệp sợ ảnh hưởng đến thi đua, uy tín và ngại gặp phiền phức khi cơ quan chức năng vào cuộc nên thường thỏa thuận với người lao động, giấu diếm thông tin hoặc chậm khai báo. Cụ thể như vụ tai nạn lao động làm 1 người chết và 1 người bị thương nặng ở Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành (Ea H’leo) xảy ra vào ngày 13-3-2012, nhưng mãi đến ngày 13-4-2012 (sau đúng 1 tháng) doanh nghiệp mới có báo cáo chính thức với cơ quan chức năng sau khi các cơ quan này đã biết thông tin và tự tìm đến điều tra vụ việc. Hay như Nhà máy sản xuất Thép Phương Tạo (Khu công nghiệp Hòa Phú) theo điều tra của cơ quan chức năng thì mỗi năm có hàng chục vụ tai nạn lao động nhưng vì không có vụ nào chết người nên doanh nghiệp không hề báo cáo...

Một thực tế đáng lo ngại là cả người sử dụng lao động và người lao động nhận thức chưa đúng, chưa đủ về công  tác vệ sinh, an toàn lao động. Đa số doanh nghiệp vì lợi nhuận, muốn giảm tối đa chi phí nên ít thay đổi trang thiết bị, sử dụng thiết bị cũ kỹ thiếu an toàn, không trang bị đầy đủ bảo hộ cho người lao động, hoặc thực hiện công tác vệ sinh, an toàn một cách hình thức, đối phó. Kết quả điều tra các vụ tai nạn lao động cho thấy phần lớn các vụ tai nạn do lỗi của bên sử dụng lao động, một số doanh nghiệp hay xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng, như: Công ty Cổ phần chế biến gỗ Trường Thành (có 2 vụ chết người), các doanh nghiệp xây lắp điện.

Bên cạnh đó, cũng có phần do người lao động chủ quan, bất cẩn, chưa được hướng dẫn, tập huấn kỹ nên lúng túng khi vận hành và xử lý tình huống, thậm chí làm liều. Trong khi đó, văn bản pháp luật trong lĩnh vực này chưa thống nhất, người lao động lại thiếu hiểu biết, không nắm vững pháp luật nên doanh nghiệp dễ dàng lách luật, không đáp ứng đầy đủ quyền lợi và đền bù, bồi thường thiệt hại không thỏa đáng... Cả tỉnh có hơn 6 nghìn doanh nghiệp nhưng chỉ có 5 thanh tra an toàn lao động nên khó kiểm tra và xử lý đầy đủ, đặc biệt việc kiểm tra doanh nghiệp khắc phục các lỗi và hậu quả còn bỏ ngỏ nên vi phạm về an toàn lao động vẫn phổ biến. Việc điều tra, xử lý một số vụ tai nạn lao động chết người còn chậm, rất ít vụ người sử dụng lao động bị khởi tố nên tính răn đe chưa cao... Về phía cơ quan đại diện tập thể người lao động, một số tổ chức công đoàn cơ sở chưa phát huy hết vai trò trong việc bảo vệ người lao động; chưa nhận thức đúng về chức năng, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động người lao động cùng người sử dụng lao động thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ.

Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ năm nay có chủ đề "Xây dựng văn hóa phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động". Yếu tố văn hóa được chú trọng bởi đó không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn thể hiện tình cảm, tính nhân văn trong mối gắn kết giữa người sử dụng lao động và người lao động từ việc làm cụ thể, nhỏ nhất. Doanh nghiệp không chỉ cam kết, phát động phong trào mà quan tâm qua hành động thực tế, tạo môi trường lao động an toàn. Làm tốt công tác này, doanh nghiệp sẽ hạn chế tối đa rủi ro và có thể sử dụng chi phí đền bù thiệt hại cho nạn nhân nếu tai nạn lao động xảy ra vào mục đích phát triển sản xuất hoặc tái đầu tư cho các điều kiện bảo đảm an toàn sản xuất, kinh doanh.

Minh Quân - Phương Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.