Multimedia Đọc Báo in

Lao động giúp việc gia đình: Điều chỉnh thế nào trong Bộ luật Lao động?

20:34, 08/04/2012

Lao động giúp việc gia đình đã được xã hội công nhận là một nghề. Tuy nhiên, ở thị trường lao động này luôn tiềm ẩn những nguy cơ, bất ổn do thiếu sự chặt chẽ về mặt pháp lý. Bộ Luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội Khóa XIII đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 2 đã có những quy định về loại hình lao động giúp việc gia đình theo hướng bảo vệ nhiều hơn cho quyền lợi của người lao động và tạo điều kiện cho nghề này phát triển.

Những hệ lụy vì thiếu... Luật

Nhu cầu về người giúp việc gia đình ngày càng gia tăng đang làm nảy sinh nhiều vấn đề: có trường hợp “gia chủ” điêu đứng vì những trò đỏng đảnh của “ô sin”; cũng không ít trường hợp người giúp việc bị bạc đãi, bị xâm hại và bóc lột sức lao động tàn nhẫn. Những rắc rối trong quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc gia đình bắt nguồn từ việc không có hợp đồng rõ ràng giữa hai bên mà hầu hết chỉ là thỏa thuận miệng.

Người  giúp việc  tại một  gia đình  ở TP. Buôn Ma Thuột.
Người giúp việc tại một gia đình ở TP. Buôn Ma Thuột.

Sau Tết, gia đình chị Hạnh ở Phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột cứ rối tung cả lên vì người giúp việc về quê nghỉ Tết mãi không chịu lên, trong khi con nhỏ mới 5 tháng tuổi, không ai trông cho chị đi làm.  Người giúp việc biết được “vai trò quan trọng” của mình đối với gia đình chị Hạnh nên gọi điện đòi tăng lương cao gấp đôi mới chịu đi làm (3 triệu  đồng/ tháng) vậy “thà nghỉ việc ở nhà trông con còn hơn vì lương mình đi làm mỗi tháng chỉ 2,8 triệu đồng” chị Hạnh buồn bã nói. Người giúp việc  mới làm được hơn 1 tháng nhưng được chị Hạnh đối xử rất tình cảm, khi về nghỉ Tết được trả lương đầy đủ còn thêm 1 triệu đồng và mua quà Tết gửi về cho gia đình. Vậy mà…

Theo khảo sát của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH), giúp việc gia đình là một trong 32 nghề khó tuyển dụng nhất hiện nay. Thực tế cho thấy, do nhu cầu tại các đô thị tăng cao, chất lượng nguồn cung còn thấp dẫn đến nghề này thường xuyên rơi vào thiếu hụt lao động, 60% lao động giúp việc không có giao kết hợp đồng. Chính vì vậy người giúp việc cứ mặc sức phá vỡ hợp đồng mà gia chủ chẳng thể làm gì được và ngược lại, nhiều “ô sin” bị đối xử tồi tệ, ngược đãi, xâm hại mà chẳng thể kêu ai…

Cô gái tên là P. 17 tuổi giúp việc cho một gia đình giàu có ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột vẫn thường hay tâm sự với người hàng xóm trong những lần đi chợ rằng rất sợ mỗi khi… trời sáng. Một ngày mới đến, đồng nghĩa với một núi công việc đang chờ. Sáng sớm tinh mơ P. đã phải dậy lo chợ búa, phục vụ bữa sáng cho cả nhà. Sau đó quần quật lau dọn 4 tầng nhà và vô số công việc gia đình do bà chủ giao lại trước khi đi làm. Nhà có 2 vợ chồng và 2 đứa con trai nhưng sở thích ăn uống thì mỗi người một khác nên P. luôn bị đay nghiến, chì chiết vì không thể làm vừa lòng tất cả. Thế nhưng chuyện khiến P. kinh sợ nhất là bị ông chủ quấy rối  những khi bà chủ đi công tác vắng nhà. Tìm cách ve vãn, dụ dỗ không được thì ông ta lại gây sự để chửi mắng, đánh đập… Quê P. ở tận Lào Cai, do nhà nghèo đông anh em, bố mẹ già yếu nên học hết lớp 9 P. phải nghỉ đi làm thuê kiếm sống, sau đó được một người cùng xã giới thiệu vào Dak Lak giúp việc cho một người bà con của họ với lương tháng 1,5 triệu đồng, nuôi ăn mặc đầy đủ. Cô bé lần đầu đến một thành phố xa lạ, tiếp xúc với những tiện nghi sinh hoạt hiện đại nên cứ choáng váng và căng hết đầu ra để học cách sử dụng, cách phục vụ… Nhà chủ không trả tiền trực tiếp mà chuyển hết số tiền lương cả năm về cho bố mẹ P. ở quê. Chính vì vậy dù rất muốn thoát khỏi cảnh này nhưng hàng ngày P. vẫn phải gồng lên chịu đựng…

Khảo sát của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch) cho thấy, mặc dù Điều 139, Bộ luật Lao động hiện hành quy định: “Người được thuê mướn để giúp việc trong gia đình có thể giao kết hợp đồng bằng miệng hoặc văn bản, nếu được thuê mướn để trông coi tài sản thì phải ký kết bằng văn bản”, nhưng trên thực tế, quy định này đều không được người lao động và người sử dụng lao động quan tâm. Gần 60% số người lao động được hỏi cho biết họ và chủ sử dụng lao động đều thấy không cần thiết phải thiết lập hợp đồng (?!), hơn 42% còn lại có giao kết hợp đồng thì chiếm đến gần 70% trong số đó là “hợp đồng miệng”, thiếu các điều khoản cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của các bên giao kết hợp đồng. Điều này đã kéo theo những “hệ lụy” không nhỏ như: Người lao động tự ý nghỉ việc, tự ý đòi tăng lương hoặc chủ sử dụng lao động có thể buộc người lao động thôi việc bất cứ lúc nào nếu thấy không hài lòng…

Quyền lợi của người lao động và sử dụng lao động đều cần được bảo đảm

Hiện nay vẫn chưa có một cuộc điều tra và con số cụ thể nào về số người làm nghề giúp việc gia đình trên địa bàn tỉnh. Nhưng từ thực tế cho thấy nhu cầu thuê người giúp việc ở TP. Buôn Ma Thuột và các thị xã, thị trấn là rất lớn. Trung bình cứ 10 gia đình thì một gia đình có người giúp việc. Thống kê của Vụ Gia đình cho thấy: hiện có khoảng 60% người giúp việc trông coi trẻ em hằng ngày, khoảng 20% chăm sóc người già và 20% chỉ làm công việc nội trợ. Đa phần trong số họ là những lao động phổ thông, thiếu các kỹ năng lao động cần thiết và chưa được xã hội thừa nhận là một nghề chính thống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển, số gia đình có nhu cầu tìm người giúp việc ngày càng cao và lao động giúp việc gia đình đang ngày càng gia tăng trong thị trường lao động.

Trong Bộ luật Lao động của nước ta hiện nay chỉ có 3 điều khoản nằm rải rác ở các mục khác nhau có liên quan đến người giúp việc gia đình nhưng không cụ thể. Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội Khóa XIII đưa ra thảo luận có 5 mục xác định rõ khái niệm người giúp việc gia đình và quản lý chi tiết: quy định hợp đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động phải được xây dựng bằng văn bản; trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động và những hành vi bị cấm… Theo đó, chủ thuê người giúp việc ổn định lâu dài sẽ phải ký hợp đồng lao động, trong đó có điều khoản về lương tối thiểu, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương làm thêm giờ, điều kiện lao động, các chế độ khác cho người lao động như Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm thất nghiệp…Với những quy định này, giúp việc gia đình sẽ được xã hội nhìn nhận ở mức độ cao hơn, coi như 1 nghề và sẽ được người sử dụng trả công xứng đáng hơn. Còn với bản thân người giúp việc cũng phải nâng cao dần nghiệp vụ, tư cách và trách nhiệm khi làm nghề. Dự kiến, sau khi được quy định tại Bộ luật Lao động sửa đổi, các văn bản hướng dẫn dưới luật cũng sẽ được ban hành theo hướng bảo vệ nhiều hơn cho quyền lợi của người lao động và tạo điều kiện cho loại hình lao động này phát triển. Việc đưa nghề giúp việc gia đình vào luật sẽ mở ra cơ hội để hình thành một thị trường lao động giúp việc gia đình lành mạnh, có lợi cho cả người thuê và người làm thuê.     

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.