Multimedia Đọc Báo in

Tập trung các giải pháp phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai

08:53, 24/10/2018

"Giảm thiểu thiệt hại kinh tế do thiên tai” là Chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai (13-10) năm 2018. Để thực hiện điều này, các địa phương, đơn vị đã  xây dựng nhiều giải pháp chủ động ứng phó.

Thiên tai gây hậu quả nặng nề

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây gồm: lũ, lũ quét, ngập lụt, bão, mưa đá, lốc xoáy, hạn... với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng của người dân. Tính từ năm 2016 đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính trên 5 nghìn tỷ đồng.

Cụ thể về hạn hán, chỉ tính riêng trong năm 2016, toàn tỉnh có gần 119 nghìn ha cây trồng bị hạn (vụ đông xuân 90.744 ha và vụ hè thu 27.065 ha), trong đó có trên 23 nghìn ha bị mất trắng do không có nguồn nước để chống hạn, thiệt hại ước tính khoảng 3.400 tỷ đồng. Trong năm 2018, vụ hè thu cũng xảy ra hạn hán cục bộ ở khu vực phía Đông tỉnh, trên địa bàn các huyện M’Đrắk, Krông Pắc, Ea Kar với tổng diện tích là 2.558 ha, trong đó có 354 ha bị mất trắng. Về bão, lũ, ngập lụt, từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7 đợt mưa, bão, lũ nghiêm trọng (có 2 đợt lũ lớn trái mùa), làm 3 người chết, 12 người bị thương, trên 58 nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng, 2.600 nhà ở hư hỏng (trong đó 1/4 nha hư hỏng hoàn toàn); 303 hộ dân phải di dời khẩn cấp; hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu hư hỏng nặng. Ngoài ra, tính từ năm 2016 đến cuối tháng 8-2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 55 vụ lốc, sét, mưa đá làm chết 4 người, bị thương 5 người, hư hỏng hàng nghìn nhà ở, nhiều trường học, trạm xá, trụ sở, công trình khác và nhiều diện tích cây trồng…

Nhiều nhà cửa ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông) bị tốc mái, sập đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 hồi cuối năm 2017.
Nhiều nhà cửa ở xã Yang Mao (huyện Krông Bông) bị tốc mái, sập đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 12 hồi cuối năm 2017.

Trước những tác động khó lường của biến đổi khí hậu, hàng năm UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai; xây mới và tu sửa các công trình thủy lợi hợp lý; kiểm tra, rà soát lực lượng, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống và ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm 4 tại chỗ… nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. UBND tỉnh cũng đã phân bố hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị thực hiện khắc phục, tái thiết sau mưa lũ do ảnh hưởng cơn bão số 12 năm 2017, với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 30 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 25 tỷ đồng và Quỹ phòng chống thiên tai gần 5 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, thiên tai chủ yếu là ảnh hưởng lốc, sét, mưa đá, mưa lớn nên hầu hết các địa phương đã thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm tại chỗ nhằm kịp thời ổn định đời sống của nhân dân.

Tăng cường các giải pháp ứng phó

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, để thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai, ngoài việc xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với các cấp độ thiên tai, các địa phương, đơn vị còn tập trung chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện, lương thực ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại. Hiện tỉnh đã triển khai thuê bao cho 25 trạm đo mưa tự động; đang thực hiện khảo sát, cắm biển cảnh báo tại khu vực lũ quét, sạt lở, ngầm tràn các vùng trọng điểm; lực lượng sẵn sàng huy động để ứng phó khi xảy ra thiên tai có 7.650 người...

Cánh đồng lúa vụ hè thu 2018 ở xã Buôn Triết (huyện Lắk) bị ngập lụt.
Cánh đồng lúa vụ hè thu 2018 ở xã Buôn Triết (huyện Lắk) bị ngập lụt.
 

Đắk Lắk phải xây dựng được lực lượng xung kích ở cấp xã, thôn, buôn để ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế 

 
 
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải

Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai cũng đã được quan tâm thực hiện như: xây dựng các phóng sự, phim tài liệu, phát tờ rơi, tập huấn, sổ tay phòng chống thiên tai để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai.

Đặc biệt, trên cơ sở tiêu chí số 3 về thủy lợi trong bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (NTM) tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2017 - 2020, Sở NN-PTNT đã hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện tiêu chí đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ trong xây dựng NTM. Cụ thể: xã NTM phải có tổ chức bộ máy thực hiện công tác phòng chống thiên tại được thành lập và kiện toàn theo quy định của pháp luật; có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống thiên tai tại địa phương; phải đảm bảo các hoạt động phòng chống thiên tai được triển khai chủ động và có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dân sinh; phải có cơ sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai. Hiện Đắk Lắk là một trong 6 tỉnh được Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai chọn triển khai Dự án thí điểm “Xã an toàn về phòng chống thiên tai”. Theo đó, dự án sẽ triển khai các hoạt động chính bao gồm: thiết kế mô hình “Xã đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ” trong xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; đào tạo, tập huấn, truyền thông nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho địa phương… Sau khi những mô hình thí điểm “Xã an toàn với thiên tai” được triển khai thành công, cơ quan chức năng sẽ tổ chức tổng kết, biên tập tài liệu hướng dẫn để các địa phương áp dụng, góp phần xây dựng một xã hội bền vững trước thiên tai.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.