Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông - nỗi đau dai dẳng

07:52, 12/07/2015

Tai nạn giao thông (TNGT) đang là một trong những thảm họa lớn nhất đe dọa đến sinh mạng và sức khỏe của con người. Hậu quả của nó rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần mà còn dễ dẫn đến đói nghèo, bệnh tật bởi có tới 70% số vụ, số người chết và bị thương liên quan đến đối tượng thanh, thiếu  niên - trụ cột gia đình...

Tai nạn đi qua, nỗi đau ở lại

Nói sao cho hết những thảm cảnh đau đớn đằng sau các vụ TNGT. Như hoàn cảnh bi đát của bà Nguyễn Thị Nhung (54 tuổi, ở tổ dân phố 2, thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) có hai người con bị chấn thương sọ não do tai nạn (1 người bị TNGT và 1 người bị tai nạn lao động). Chồng mất sớm, một mình bà làm thuê tần tảo nuôi ba con khôn lớn. Tình thương của bà chưa được đền đáp thì tai ương bất ngờ ập xuống khiến hai đứa con của bà từ những thanh niên khỏe mạnh bỗng chốc biến thành những phế nhân. Vào tháng 3-2014, anh Nguyễn Tấn Thái (30 tuổi, con trai cả) khi tham gia giao thông trong xóm đã bị TNGT dẫn đến chấn thương sọ não, người “lúc mê, lúc tỉnh”, suốt ngày lang thang ngoài đường, ai cho gì ăn nấy. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai thì một năm sau, đứa con trai thứ hai là Nguyễn Tấn Sơn (25 tuổi) bị tai nạn lao động dẫn đến chấn thương sọ não, liệt nửa người, nằm một chỗ. Từ đó, nỗi đau và khó khăn chồng chất lên đôi vai gầy yếu của người mẹ già, số tiền vay nợ vì bệnh tật của con đã lên đến hàng trăm triệu đồng. Đưa tay quệt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt đen sạm vì sương gió, chị Nhung nức nở: “Tôi lo sợ, lỡ nay mai mình “nhắm mắt xuôi tay”, không biết lấy ai để chăm lo cho hai đứa con tội nghiệp này. Nghĩ đến đây, nhiều đêm tôi không chợp mắt được”. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tiến cho biết: “Hoàn cảnh gia đình chị Nhung rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo hơn 4 năm nay. Gia đình không có đất canh tác, hằng ngày chị phải gửi hai người con bị chấn thương sọ não cho bà ngoại Lê Thị Đắc (80 tuổi, bị mù một mắt) trông nom giúp để đi làm thuê”.

Anh  Phạm Danh Bách (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) suốt 15 năm nằm liệt giường.
Anh Phạm Danh Bách (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) suốt 15 năm nằm liệt giường.

Hay như hoàn cảnh của anh Phạm Danh Bách (36 tuổi, ngụ số 120/43 Y Wang, khối 4, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), suốt 15 năm nằm liệt giường do hậu quả của TNGT. Anh Bách kể lại cái ngày định mệnh khiến anh trở thành tàn phế: Vào một chiều chủ nhật năm 1999, anh đang trên đường về nhà thì bị một chiếc xe máy tông trực diện làm cả hai cùng té ra đường, đúng lúc đó chiếc ô tô đi liền kề phía sau lao tới, cuốn cả người và xe vào gầm làm anh bất tỉnh. Mấy ngày sau tỉnh dậy, anh thấy mình đang ở bệnh viện. Suốt gần một năm ròng rã nằm điều trị trong bệnh viện, chuyển hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, anh như chết đi sống lại mấy lần. Mẹ anh - bà Phạm Thị Thìn (61 tuổi) đã phải tất tả ngược xuôi, vay mượn tiền bạc, trong nhà thứ gì đáng giá đều mang đi bán để lấy tiền chạy chữa cho con. Từ khi ra viện đến nay (năm 2000), anh Bách cứ nằm bất động, từ chuyện ăn uống, vệ sinh cá nhân hằng ngày đều do một tay bà chăm sóc.

Gia đình chị H’Winh Ênuôl (ở thôn 6, xã Cư Êbua, TP. Buôn Ma Thuột) cũng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi anh Y Tul - chồng chị bị chấn thương sọ não, liệt nửa người do TNGT. Hiện nay, một mình chị nuôi ba đứa con nhỏ và chăm sóc người chồng bệnh tật. Chị H’Winh tâm sự: “Bây giờ, cố gắng được ngày nào hay ngày đó. Những lúc chăm chồng ở bệnh viện, tôi từng nghĩ đến cái chết nhưng vì thương ba đứa con nhỏ dại nên phải cố gắng gượng dậy. Tôi không thể để mấy đứa con phải mồ côi giống tôi lúc nhỏ”.

Để giảm thiểu nỗi đau do tai nạn giao thông

Trên đây chỉ là 3 trong vô số những gia đình có người thân đã mất hoặc bị thương vì TNGT. Sau mỗi vụ TNGT, cuộc sống của nhiều gia đình đảo lộn, thậm chí rơi vào bi kịch. Nhiều gia đình đang sống hạnh phúc, TNGT ập đến khiến phải tan đàn, xẻ nghé; con trẻ đánh mất tương lai khi thành phế nhân, nhiều gia đình khá giả lâm vào cảnh cùng quẫn, trắng tay; nhiều trẻ thơ non dại bỗng chốc bị mồ côi… TNGT không trừ một ai, chỉ một phút chủ quan, lơ là, không tập trung quan sát hoặc chỉ vì muốn nhanh hơn một vài phút mà hậu quả có thể ập đến, nhiều người đã phải trả giá bằng mạng sống của chính mình và người thân. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi ngày cả nước có khoảng 25 người đi ra đường và mãi mãi không được trở về nhà do TNGT. Riêng ở tỉnh ta, 6 tháng đầu năm 2015, đã xảy ra 250 vụ TNGT, làm chết 137 người, bị thương 227 người, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Mặc dù TNGT đã giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 22 vụ, 13 người chết, 53 người bị thương), nhưng theo đánh giá của các cơ quan chức năng, công tác bảo đảm trật tự ATGT vẫn chưa thực sự bền vững, TNGT vẫn có chiều hướng tăng và khó kiểm soát. Qua phân tích các vụ TNGT, các cơ quan chức năng đều có chung nhận định, ngoài nguyên nhân do mật độ người, phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, một số nơi chưa thực sự chú trọng đến công tác bảo đảm trật tự ATGT... thì nguyên nhân chính vẫn do ý thức của người điều khiển phương tiện, với các lỗi chủ yếu như: phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai làn đường, phần đường, lạng lách, đánh võng, thiếu chú ý quan sát, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Thời gian qua mặc dù các lực lượng chức năng đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, song do lực lượng còn mỏng nên chưa xử lý triệt để. Mặt khác, khá nhiều trường hợp người tham gia giao thông mặc dù nắm rõ Luật Giao thông đường bộ song vẫn cố tình vi phạm hoặc tham gia giao thông theo kiểu đối phó, nghĩa là khi thấy lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát thì nghiêm chỉnh chấp hành, còn ngược lại thì ngang nhiên vi phạm… Điều đó cho thấy ý thức của một số người tham gia giao thông còn quá kém, coi thường pháp luật, dẫn đến những hệ lụy.

TNGT dù có đi qua nhưng nỗi đau luôn đè nặng người ở lại, không chỉ gia đình, người thân của họ chịu mất mát, thiệt thòi mà cả xã hội cũng cùng nỗi đau chung. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mỗi năm số tiền chi cho việc khắc phục hậu quả TNGT chiếm 2% GDP, ước khoảng 2,5 đến 3 tỷ USD (khoảng 50 nghìn tỷ đồng), bằng 30% số tiền Nhà nước chi cho ngân sách giáo dục trong một năm! Thiết nghĩ, mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông. Mỗi khi ra đường, hãy luôn nhớ câu khẩu hiệu: “Phía sau tay lái là gia đình của bạn”! Đừng để khi sự việc xảy ra, mới đau đớn, hối hận thốt lên: “Giá như tôi lái xe cẩn thận hơn; giá như lúc đó tôi đội mũ bảo hiểm, không phóng nhanh, vượt ẩu; giá như tôi không uống rượu, bia trước khi lái xe; giá như…

Nguyễn Thế 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.