Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Kỳ 1)

06:20, 12/04/2020

Câu 1. Pháp luật quy định như thế nào về bệnh truyền nhiễm?

Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “Bệnh truyền nhiễm” là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.

Câu 2. Pháp luật quy định như thế nào về bệnh truyền nhiễm nhóm A?

Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm: bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh. (Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 29-1-2020 do Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ký đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCov) (WHO đặt tên là Covid-19 do vi rút SARS-CoV-2) gây ra vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).

Diễn tập chuyển bệnh nhân vào khu cách ly do Sở Y tế tổ chức tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc ngày 11-2-2020.
Diễn tập chuyển bệnh nhân vào khu cách ly do Sở Y tế tổ chức tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc. (Ảnh minh họa)

Câu 3. Pháp luật quy định như thế nào về bệnh truyền nhiễm nhóm B?

Điểm b khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định bệnh truyền nhiễm nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do vi rút A-đê-nô (Adeno); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ A-míp (Amibe); bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Đăng gơ (Dengue), sốt xuất huyết Đăng gơ (Dengue); bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Ru-bê-ôn (Rubeon); bệnh viêm gan vi rút; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não vi rút; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do vi rút Rô-ta (Rota).

Câu 4. Pháp luật quy định như thế nào về bệnh truyền nhiễm nhóm C?

Điểm c khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định bệnh truyền nhiễm nhóm C gồm các bệnh truyền nhiễm ít nguy hiểm, khả năng lây truyền không nhanh.

Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C bao gồm bệnh do Cờ-la-my-đi-a (Chla-mydia); bệnh giang mai; các bệnh do giun; bệnh lậu; bệnh mắt hột; bệnh do nấm Can-đi-đa-an-bi-căng (Candida albicans); bệnh Nô-ca-đi-a (Nocardia); bệnh phong; bệnh do vi rút Xi-tô-mê-ga-lô (Cytomegalo); bệnh do vi rút Héc-péc (Herpes); bệnh sán dây; bệnh sán lá gan; bệnh sán lá phổi; bệnh sán lá ruột; bệnh sốt mò; bệnh sốt do Rích-két-si-a (Rickettsia); bệnh sốt xuất huyết do vi rút Han-ta (Hanta); bệnh do Tờ-ri-cô-mô-nát (Trichomonas); bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm; bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki (Coxsakie); bệnh viêm ruột do Giác-đi-a (Giardia); bệnh viêm ruột do Vi-bờ-ri-ô Pa-ra-hê-mô-ly-ti-cút (Vibrio Parahaemolyticus) và các bệnh truyền nhiễm khác.

Câu 5. Pháp luật quy định cơ quan nào có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm?

Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định điều chỉnh, bổ sung danh mục bệnh truyền nhiễm thuộc các nhóm quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Câu 6. Pháp luật quy định như thế nào về nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm?

Điều 4 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định 4 nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm như sau:

(1) Lấy phòng bệnh là chính trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu. Kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(2) Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm; lồng ghép các hoạt động phòng, chống bệnh truyền nhiễm vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

(3) Công khai, chính xác, kịp thời thông tin về dịch.

(4) Chủ động, tích cực, kịp thời, triệt để trong hoạt động phòng, chống dịch.

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Quang (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.