Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp một số quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật Lao động năm 2019

09:17, 21/06/2020

 Hỏi: Công ty X. tuyển dụng tôi vào vị trí kế toán, hai bên giao kết hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng. Tuy nhiên, đã 3 tháng nay, tôi phải làm công việc kiểm kê hàng hóa ở kho chứ không được bố trí công việc theo hợp đồng đã giao kết. Tôi đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo công ty bố trí công việc theo đúng hợp đồng nhưng không được giải quyết và cũng không được giải thích lý do nên tôi đã tự ý nghỉ việc mà không báo trước cho công ty. Xin hỏi, việc tự ý nghỉ việc của tôi có bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật không?

(Nguyễn Viết T.)

Trả lời: Tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 quy định về các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước bao gồm:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật Lao động năm 2019;

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật Lao động năm 2019;

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Lao động năm 2019;

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật Lao động năm 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Đối với trường hợp trên, anh T. đã ký hợp đồng lao động có thời hạn 36 tháng với Công ty X., vị trí công việc là kế toán. Tuy nhiên, Công ty X. đã bố trí cho anh T. làm công việc khác (quá 3 tháng) mà không có được sự đồng ý bằng văn bản của anh T. là không đúng quy định của pháp luật lao động, nên anh T. có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải báo trước cho công ty X. Vì vậy, việc tự ý nghỉ việc của anh T. không bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Ảnh minh họa
(Ảnh minh họa)

Hỏi: Tôi đang làm việc tại công ty cổ phần M., hai bên đã ký hợp đồng không xác định thời hạn. Sau 6 tháng nghỉ chế độ thai sản theo quy định pháp luật thì tôi trở lại công ty làm việc nhưng công ty thông báo chuyển tôi sang làm việc tại chi nhánh công ty cùng trên địa bàn thành phố, công việc không như trên hợp đồng đã ký kết, với lý do thu hẹp kinh doanh. Hỏi, công ty làm như vậy có đúng không? Nếu tôi không đồng ý với quyết định của công ty thì sao?

(Hoàng Xuân A.)

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm trong trường hợp gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản. Người sử dụng lao động quy định cụ thể trong nội quy lao động những trường hợp do nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà người sử dụng lao động được tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động.

Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu.

Như vậy, theo quy định của pháp luật nêu trên, đối với trường hợp của chị A. thì hiện tại công ty đang thu hẹp kinh doanh và không sắp xếp được công việc cho chị thì công ty có quyền chuyển chị đi làm công việc khác không quá 60 ngày và phải có sự đồng ý của chị. Do đó, trong trường hợp này chị cần xác nhận lại những thông tin về nội dung thu hẹp kinh doanh có chính xác hay không, nếu đúng và phù hợp với quy định thì chị phải đáp ứng các yêu cầu về chuyển người lao động theo quy định nêu trên. Đồng thời, chế độ tiền lương của chị sẽ được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Lao động năm 2019: “Người lao động chuyển sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động được trả lương theo công việc mới. Nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương của công việc cũ thì được giữ nguyên tiền lương của công việc cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% tiền lương của công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

Trong trường hợp chị không đồng ý với quyết định của công ty về việc tạm thời chuyển chị làm công việc khác mà chị phải ngừng việc thì công ty phải trả lương ngừng việc cho chị theo quy định tại Điều 99 của Bộ luật Lao động năm 2019.

“Điều 99. Tiền lương ngừng việc

Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:

1. Nếu do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;

2. Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc thì được trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu;

3. Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:

a) Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu;

b) Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu”.

(Còn nữa)

Hoàng Thị Hiền (Sở Tư pháp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.