Multimedia Đọc Báo in

Tư vấn mùa thi

Cách làm bài văn nghị luận xã hội

14:11, 15/05/2011

Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ môn Văn có một câu nghị luận xã hội ở phần bắt buộc 3 điểm. Trong thực tế, nhiều học sinh chỉ thích phần nghị luận văn học nên chưa làm tốt phần nghị luận xã hội. Xin chia sẻ với các em học sinh một số kinh nghiệm về cách làm bài văn nghị luận xã hội trước các kỳ thi quan trọng sắp tới.

Nghị luận xã hội là kiểu bài làm văn chuyên về bàn bạc các vấn đề xã hội như chính trị, đạo đức, lối sống, tính cách…nhằm làm rõ đúng sai, tốt xấu của vấn đề từ đó có thể hiểu một cách thấu đáo để vận dụng nó vào trong thực tiễn đời sống. Trước những đề bài nghị luận xã hội, người học phải suy nghĩ một cách nghiêm túc các vấn đề đạo lý, tư tưởng, nhân cách con người, từ đó phát triển ý thức xây dựng, tự trau dồi cho mình một nhân cách, lối sống tốt đẹp hơn. Có hai dạng bài nghị luận xã hội: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống.

† Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, quan điểm nhân sinh như: các vấn đề thuộc về nhận thức, về tâm hồn nhân cách, về các quan hệ gia đình xã hội, cách ứng xử, lối sống của con người trong xã hội… Cách làm bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lý cơ bản đạt được các phần như sau:

Trước hết phải giới thiệu khái quát tư tưởng, đạo lý cần nghị luận. Nêu ý chính hoặc câu nói về tư tưởng, đạo lý mà đề bài đưa ra.

Ở  phần thân bài có nhiều luận điểm. Luận điểm 1 cần giải thích rõ nội dung tư tưởng đạo lý: Giải thích các từ ngữ, thuật ngữ, khái niệm, giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có). Rút ra ý nghĩa chung của tư tưởng, đạo lý: vấn đề cần nghị luận là gì ? Quan điểm của tác giả qua câu nói (thường dành cho đề bài có tư tưởng, đạo lý được thể hiện gián tiếp qua câu danh ngôn, tục ngữ, ngạn ngữ...). Luận điểm 2 phân tích và chứng minh các mặt đúng của tư tưởng, đạo lý: Thường trả lời cho câu hỏi: Tại sao lại nói như thế ? Dùng dẫn chứng cuộc sống xã hội để chứng minh, từ đó chỉ ra tầm quan trọng, tác dụng của tư tưởng, đạo lý đối với đời sống xã hội. Luận điểm 3 bình luận mở rộng vấn đề: Bác bỏ những biểu hiện sai lệch có liên quan đến tư tưởng, đạo lý vì có những tư tưởng, đạo lý đúng trong thời đại này nhưng còn hạn chế trong thời đại khác, đúng trong hoàn cảnh này nhưng chưa thích hợp trong hoàn cảnh khác (dẫn chứng minh họa).

Phần kết bài nêu khái quát đánh giá ý nghĩa tư tưởng đạo lý đã nghị luận. Rút ra bài học nhận thức và hành động về tư tưởng đạo lý, đây là vấn đề cơ bản của một bài nghị luận bởi mục đích của việc nghị luận là rút ra những kết luận đúng để thuyết phục người đọc áp dụng vào thực tiễn đời sống.

† Nghị luận về một hiện tượng đời sống là bàn bạc về một hiện tượng đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội mang tính chất thời sự, thu hút sự quan tâm của nhiều người như: ô nhiễm môi trường, nếp sống văn minh đô thị, tai nạn giao thông, bệnh thành tích trong giáo dục, bạo hành gia đình, lối sống thờ ơ vô cảm, đồng cảm và chia sẻ... Đó có thể là một hiện tượng tốt hoặc xấu, đáng khen hoặc đáng chê.

Để làm tốt kiểu bài này, học sinh cần phải hiểu rằng hiện tượng đời sống được đưa ra nghị luận có thể là những hiện tượng có ý nghĩa tích cực, cũng có thể là những hiện tượng có ý nghĩa tiêu cực, có những hiện tượng vừa có ý nghĩa tích cực lại vừa có ý nghĩa tiêu cực… Do vậy, người viết cần căn cứ vào yêu cầu cụ thể của đề bài để gia giảm “liều lượng” cho hợp lý, tránh làm bài chung chung, không phân biệt được mặt tích cực hay tiêu cực.

Cũng giống như đề tư tưởng, đạo lý, phần mở bài cần giới thiệu hiện tượng đời sống cần nghị luận.
Phần thân bài có các luận điểm sau: Luận điểm 1 giải thích sơ lược hiện tượng đời sống: làm rõ những hình ảnh, từ ngữ, khái niệm trong đề bài (tuy nhiên, đây không phải là thao tác bắt buộc). Luận điểm 2 nêu rõ thực trạng (các biểu hiện và ảnh hưởng) của hiện tượng đời sống: thực tế vấn đề đang diễn ra như thế nào? Có ảnh hưởng ra sao đối với đời sống (tích cực, tiêu cực), thái độ của xã hội đối với vấn đề. Chú ý liên hệ với tình hình thực tế xã hội, địa phương để đưa ra những dẫn chứng sắc bén, thuyết phục, từ đó làm nổi bật tính cấp thiết phải giải quyết vấn đề. Luận điểm 3 lý giải nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đời sống. Đưa ra các nguyên nhân nảy sinh vấn đề, các nguyên nhân từ chủ quan, khách quan, do tự nhiên, do con người. Luận điểm 4 đề xuất giải pháp để giải quyết hiện tượng đời sống. Từ nguyên nhân nảy sinh vấn đề, đề xuất phương hướng giải quyết (trước mắt, lâu dài). Chú ý chỉ rõ những việc cần làm, cách thức thực hiện, đòi hỏi sự phối hợp với những lực lượng nào ? ...
Kết bài cần khái quát lại vấn đề đang nghị luận, bày tỏ thái độ của bản thân về hiện tượng đời sống đang nghị luận. 

Đây là dàn ý chung nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng có đầy đủ các luận điểm trên. Cách sắp xếp luận điểm cũng linh hoạt, tùy theo nội dung đề bài và mục đích nhấn mạnh của người viết. Đối với bài văn được quy định trong phạm vi 400 từ, thí sinh có thể linh hoạt trong quá trình làm bài.

 

Đào Tấn Trực

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.