Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm giải quyết dứt điểm việc xả tràn gây ngập lụt ở hồ trung chuyển thị trấn Ea Súp

10:51, 30/10/2017

Do hồ trung chuyển thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) xả nước làm ngập đất ở, đất canh tác của gia đình mình nên ông Phan Xuân Nam và bà Bùi Thị Thanh Xuân (thị trấn Ea Súp) đã làm đơn đề nghị các cấp, ngành liên quan thu hồi diện tích đất này...

Theo trình bày của bà Xuân, gia đình bà sinh sống tại đây từ năm 1989, đến năm 2005 thì được UBND huyện Ea Súp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) với diện tích 1.908 m2. Năm 2008, Nhà nước làm hồ trung chuyển và làm đập tràn thẳng xuống diện tích đất gia đình bà nên mỗi lần hồ trung chuyển xả nước khiến cho cây cối, hoa màu bị ngập nước. Gia đình bà Xuân đã nhiều lần làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Ea Súp yêu cầu đền bù thiệt hại nhưng không được giải quyết.

Nước từ hồ trung chuyển thị trấn Ea Súp chảy tràn vào đất của người dân vào năm 2012.  (Ảnh do người dân cung cấp).
Nước từ hồ trung chuyển thị trấn Ea Súp chảy tràn vào đất của người dân vào năm 2012. (Ảnh do người dân cung cấp).


Bà Xuân bức xúc: “Quyết định số 59/QĐ-GT ngày 10-6-2002 của Sở Giao thông Vận tải về công trình giao thông liên quan đến hồ trung chuyển có đề cập đến chi phí đền bù, giải tỏa 2 căn nhà của chúng tôi (với số tiền gần 215 triệu đồng), nhưng đến nay gia đình vẫn không nhận được tiền dù hồ sơ quyết toán đã xong từ lâu. Đầu tháng 4-2010, gia đình đổ đất để ngăn nước không chảy vào vườn thì ngày 29-4-2010, UBND thị trấn Ea Súp ra quyết định xử phạt 1.250.000 đồng và buộc gia đình phải khôi phục tình trạng ban đầu của đất”. Nhận thấy quyền lợi không được giải quyết, cũng như “bất an” khi phải chịu cảnh ngập lụt mỗi khi mưa lũ, gia đình bà Xuân đã làm đơn đề nghị thu hồi thửa đất trên.

Theo Báo cáo số 152/BC-UBND ngày 15-8-2016 của UBND huyện Ea Súp, việc cấp Giấy CNQSDĐ cho hộ ông Phan Xuân Nam là đúng quy định của pháp luật. Trước khi thi công xây dựng công trình hồ trung chuyển và tràn hồ trung chuyển, Ban Quản lý dự án thủy lợi 413 (sau này là Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8) chưa thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với khu vực bị ảnh hưởng khi có mưa lũ do tràn hồ trung chuyển, trong đó có hộ ông Nam là chưa bảo đảm quyền lợi cho các gia đình tại khu vực tràn. UBND huyện Ea Súp đã đề nghị Sở Tài nguyên-Môi trường (TNMT) tham mưu cho UBND tỉnh giao cho đơn vị chủ đầu tư xây dựng công trình kiểm tra mức độ ảnh hưởng, có phương án xử lý hoặc lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với khu vực bị ảnh hưởng.

Ông Phan Xuân Nam bên thửa đất đang đề nghị thu hồi do nước từ hồ trung chuyển thị trấn Ea Súp chảy tràn vào.
Ông Phan Xuân Nam bên thửa đất đang đề nghị thu hồi do nước từ hồ trung chuyển thị trấn Ea Súp chảy tràn vào.

Tại Báo cáo số 614/SNN-TL ngày 29-3-2017 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định được diện tích đất bị ảnh hưởng do ngập lụt đối với hộ ông Nam, bà Xuân là 249,13 m2 khi tần suất lũ P=2% và 286,29 m2 khi tần suất lũ P=1%.

Theo Pháp lệnh số 32/2001/PL-UBTV QH10 và Nghị định số 43/2015/NĐ-CP thì xác định được diện tích đất bị ảnh hưởng đối với hộ ông Nam là 1.066,82 m2. Như vậy, diện tích phải giải tỏa, đền bù là tương đối lớn nên đơn vị tư vấn đã đưa ra 2 phương án để giải quyết. Phương án 1: Nạo vét kênh xả, nắn chỉnh một số đoạn đường để lòng dẫn được thông thoáng, xây dựng cống qua đường dân sinh...

Tuy nhiên, phương án này không giải quyết triệt để được tình hình ngập lụt ở hạ lưu, vẫn còn phải giải tỏa 217,75 m2 đất của gia đình ông Nam và hơn 14.000 m2 đất của các hộ dân khác. Phương án 2: Xây dựng kênh xả, kiên cố toàn bộ tuyến kênh xả hạ lưu, bảo đảm khả năng tiêu thoát lũ, đồng thời tiêu thoát phần nước thải sinh hoạt của thị trấn Ea Súp. Phương án này hầu như không gây ngập lụt phần đất của hộ ông Nam nhưng để tạo hành lang bảo vệ công trình (kênh xả) thì phần đất hộ ông Nam phải giải tỏa khoảng 300 m2.

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Ea Súp kiểm tra thực tế tại khu vực vườn, nhà ông Nam, bà Xuân vào năm 2016.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và lãnh đạo UBND huyện Ea Súp kiểm tra thực tế tại khu vực vườn, nhà ông Nam, bà Xuân vào năm 2016.

Ngày 19-6-2017, UBND tỉnh đã có Công văn số 4689/UBND-NNMT, giao UBND huyện Ea Súp sớm triển khai lập dự án đầu tư và đề xuất UBND tỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng kiên cố tuyến kênh xả hạ lưu hồ trung chuyển theo quy định, trình cấp thẩm quyền xem xét.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Ea Súp đã lập Tờ trình và phương án xin cấp kinh phí để triển khai dự án. Tiếp đó, ngày 18-9-2017 UBND tỉnh đã có thông báo kết luận xử lý đối với khiếu nại của gia đình bà Xuân, ông Nam. Theo đó, UBND tỉnh ghi nhận ý kiến khiếu nại Nhà nước xây dựng hồ trung chuyển làm ngập diện tích đất, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình bà Xuân. Thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, giải quyết; đồng thời đã có chủ trương xây dựng mương thoát nước để giải quyết vấn đề ngập lụt, ô nhiễm môi trường trong khu vực. Về nội dung gia đình bà Xuân đề nghị Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất và bồi thường theo quy định là không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, gia đình bà Xuân không đồng ý với thông báo kết luận giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh. Bà Xuân bức xúc: “Hồ trung chuyển được xây dựng, cải tạo đã 3 lần mà vẫn gây ngập mỗi khi xả lũ thì lấy gì bảo đảm sẽ hết cảnh này cũng như sự an toàn của gia đình chúng tôi khi xây dựng mương thoát nước. Vấn đề này tôi đã nhiều lần đăng ký tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh để trình bày nhưng mãi vẫn không được giải quyết. Đề nghị Nhà nước ra quyết định thu hồi toàn bộ đất của gia đình tôi”.  

Để tránh tình trạng khiếu kiện diễn biến phức tạp và kéo dài, mong rằng UBND tỉnh và các cơ quan chức năng có phương án tối ưu sớm giải quyết dứt điểm vụ việc.

Hà Duy


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.