Multimedia Đọc Báo in

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Đại thắng mùa Xuân 1975

15:10, 29/04/2011

Giải phóng miền Nam là nguyện vọng thiêng liêng của đồng bào miền Nam, nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ước mong đó của Người đã được thể hiện trong Nghị quyết tháng 6-1973 của Bộ Chính trị và sau đó, trong Nghị quyết 21, tháng 7-1973 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

"Tiếp tục con đường bạo lực cách mạng mở đường đi tới thắng lợi cuối cùng..." là nhiệm vụ của cách mạng miền Nam lúc bấy giờ đã được Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 24-5 đến 30-6-1973) xác định.(1)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẩn trương thành lập Tổ trung tâm của Cục tác chiến gồm những cán bộ tham mưu chiến lược giỏi do tướng Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng, và tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng, trực tiếp chỉ đạo. Tổ trung tâm có nhiệm vụ nghiên cứu, lập kế hoạch tác chiến chiến lược giải phóng miền Nam.

Ngày 18-7-1974, khi chỉ thị cho Tổ trung tâm xây dựng kế hoạch chiến lược cơ bản để thông qua Bộ Chính trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: "Xây dựng kế hoạch cơ bản theo hai bước: bước một: giành thắng lợi có ý nghĩa quyết định. Đó là lúc ta làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng trên chiến trường...; bước hai, trên cơ sở đó, phát triển lên tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn.

Về chọn hướng chiến lược: nên chọn hai hướng: Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ..." (2)
Bản kế hoạch chiến lược do Tổ trung tâm dự thảo, qua bảy lần bổ sung, chỉnh lý và được Hội nghị Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phê duyệt (30-9 đến 8-10-1974). Quyết tâm chiến lược được xác định là giải phóng miền Nam trong hai năm. Năm 1975, quân ta đánh Nam Tây Nguyên và các nơi khác đánh phối hợp. Tây Nguyên là hướng chủ yếu...Thời cơ chiến lược có thể xuất hiện vào đợt hai, sau khi đánh vào Nam Tây Nguyên. Trong bất kỳ tình huống nào cũng không được để lỡ thời cơ chiến lược..."(3)

Giải phóng được Tây Nguyên sẽ làm chủ miền Trung, tạo thế chia cắt chiến trường miền Nam, uy hiếp cửa ngõ phía bắc Sài Gòn, mặt khác, cô lập mặt trận Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng. Tiến công vào Tây Nguyên sẽ có nhiều thuận lợi trong việc triển khai lực lượng và bảo đảm hậu cần. Cánh phía bắc Buôn Ma Thuột đã nối liền với đường vận tải chiến lược 559. Địa hình xung quanh Buôn Ma Thuột ít núi cao, ta triển khai binh khí kỹ thuật dễ dàng.

Sau chiến thắng Phước Long, ngày 5-2-1975, Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng được cử vào Tây Nguyên, trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Tây Nguyên và chuẩn bị cho chiến dịch quyết định cuối cùng.   

Vào lúc 1 giờ 55 phút sáng ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tiến công Buôn Ma Thuột. Và 11 giờ ngày 11-3-1975, quân ta hoàn toàn làm chủ thị xã Buôn Ma Thuột.

Quân địch đã rơi vào đúng kế của ta và sa vào thế trận đã được ta bày sẵn. Tâm lý thất bại dẫn đến sự suy sụp về ý chí của quân địch. Tiếp theo đó, địch lại phạm thêm một sai lầm về chiến lược. Việc quyết định rút khỏi Tây Nguyên, tướng sĩ hỗn loạn, mạnh ai nấy chạy, làm cho tâm lý thất bại lây lan cả những lực lượng địch ở khắp miền Trung, tạo thời cơ mới để quân và dân ta phát huy chiến quả, tiến lên giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đại tướng Võ Nguyên Giáp phân tích tình hình và chỉ thị: "Điểm trúng huyệt chí tử của địch là Buôn Ma Thuột, gây cho địch chấn động về chiến lược, buộc địch phải rút bỏ Tây Nguyên, thì phải nhanh chóng đánh Huế và Đà Nẵng. Nếu ở đây, chúng cũng phải rút lui chiến lược thì phải cấp tốc đánh thẳng vào Sài Gòn".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội. (Ảnh: T.L)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm một đơn vị bộ đội. (Ảnh: T.L)

Ngày 18-3-1975, trong cuộc họp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề nghị "Hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm nay (1975). Bộ Chính trị đã đồng ý "hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch hai năm ngay trong năm 1975". Với quyết tâm đó, cuộc tiến công chiến lược trên thực tế đã chuyển thành cuộc tổng tiến công chiến lược. (4)

Cũng từ ngày 18-3 đến 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp chính thức để nghe báo cáo và hạ quyết tâm mới. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề đạt: "Không cần đợi giải phóng xong Huế mới bắt đầu tiến công Đà Nẵng; phải đánh Đà Nẵng ngay... Ở hướng Sài Gòn, lực lượng đã đủ - yêu cầu trong tháng 5 phải giải quyết xong Sài Gòn..."

Sau khi giải phóng Huế, mặt trận Quảng Đà lập tức được thành lập, do Phó Tổng tham mưu trưởng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh.

Mặt trận Quảng Đà chỉ trong 32 giờ đã đập tan một cụm quân lớn nhất ở phía bắc chiến trường miền Nam do tướng ngụy Ngô Quang Trưởng chỉ huy, giải phóng căn cứ quân sự liên hiệp Đà Nẵng. Đây chính là "vòng cung chiến lược phía Đông" mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã ấp ủ, tính toán từ trước.

Chỉ trong vòng một tháng, thực hiện phương châm "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng", quân và dân ta đã giải phóng toàn bộ các thị trấn, thành phố dọc đường số 1, các tỉnh Đông Nam Bộ , rồi cùng với quân đoàn 4  và các lực lượng vũ trang thuộc Quân khu 7 tiến đánh thẳng vào Sài Gòn, mở ra Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Chiến dịch Hồ Chí Minh (26-4 đến 30-4-1975) do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, làm Chính ủy, và các Phó Tư lệnh: tướng Trần Văn Trà, tướng Lê Trọng Tấn đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc giao cho.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thiết kế nên một thế trận với mưu kế thật kỳ diệu: Phía Bắc giữ địch ở mặt trận Huế - Đà Nẵng, phía Nam giữ địch ở Sài Gòn. Giữ địch ở hai đầu chiến tuyến như vậy làm cho địch bộc lộ sơ hở ở miền Trung và Tây Nguyên. Tây Nguyên bị thất thủ, tạo ra đột biến về chiến lược. Lợi dụng thời cơ, quân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, đẩy địch vào thế tan rã thảm hại để sau đó, huy động toàn bộ lực lượng gồm 5 quân đoàn giải phóng Sài Gòn.

Ký giả Piter Mac Donald, người Anh, viết: "1944 đến 1975, cuộc đời của ông Giáp gắn liền với chiến đấu và chiến thắng, đã làm ông trở thành một trong những thống soái lớn của tất cả các thời đại.
Với 30 năm làm Tổng Tư lệnh và gần 50 năm tham gia chính sự ở cấp cao nhất, ông đã tỏ ra là người có phẩm chất phi thường trong mọi lĩnh vực của chiến tranh; khó có vị tướng soái nào có thể so sánh với ông trong việc kết hợp giữa chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy ở trình độ cao. Sự kết hợp đó xưa nay chưa từng có".

Nguyễn Xuyến

 

--------------

(1) (2) (3) (4) Những năm tháng quyết định: Hồi ký của Đại tướng Hoàng Văn Thái - NXB QĐND - 1995.


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.